125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Tìm hiểu dấu hiệu mắc COVID - phòng ngừa dịch bệnh đang gia tăng

            Tìm hiểu dấu hiệu mắc COVID - phòng ngừa dịch bệnh đang gia tăng

            THAI THINH MEDIC
            21/05/2025

            Trong bối cảnh các biến thể mới liên tục xuất hiện, dấu hiệu mắc COVID cũng thay đổi và ngày càng khó phân biệt với các bệnh lý cảm cúm thông thường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm vững dấu hiệu mắc COVID để bảo vệ chính mình và góp phần ngăn chặn lây lan cộng đồng.

            1. Số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng gia tăng

            COVID-19 không còn là mối đe dọa khẩn cấp toàn cầu với các biến thể mới ít nguy hiểm. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nhiều quốc gia như Thái Lan, Brazil hay Anh đang ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID mới, chủ yếu liên quan đến sự xuất hiện của các biến thể phụ lây lan nhanh như XBB.1.16.

            Tại Việt Nam, chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, đã có gần 150 ca mắc COVID-19 được phát hiện rải rác tại 27 tỉnh, thành. Dù chưa ghi nhận ổ dịch lớn hay trường hợp tử vong, nhưng xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây cho thấy nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi miễn dịch cộng đồng đang suy giảm theo thời gian cùng với việc gia tăng các hoạt động xã hội, lễ hội và du lịch trong dịp hè.

            Bởi vậy, người dân cần chủ động bổ sung các kiến thức về dấu hiệu mắc COVID để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, đồng thời  góp phần giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

            dau-hieu-mac-covid-2

            Số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng gia tăng

            2. Dấu hiệu mắc COVID nói chung

            Dấu hiệu mắc COVID thường khá giống với các bệnh đường hô hấp thông thường như cảm cúm, khiến nhiều người chủ quan và không nhận diện kịp thời. Tuy nhiên, việc nhận biết sớm các triệu chứng đặc trưng vẫn rất quan trọng để hạn chế nguy cơ lây lan và điều trị hiệu quả. Sau đây là những dấu hiệu mắc COVID người bệnh có thể gặp phải:

            2.1. Sốt và cảm lạnh

            Đây là triệu chứng khởi phát thường gặp ở người mắc COVID-19. Cơ thể người bình thường có nhiệt độ từ 36,5 - 37,5°C; nếu nhiệt độ vượt quá 38°C được coi là sốt. Với COVID-19, sốt có thể đến nhanh, có lúc sốt cao, kéo dài hoặc ngắt quãng tùy vào thể trạng mỗi người. Sốt thường đi kèm cảm giác ớn lạnh, gai người.

            2.2. Mệt mỏi kéo dài

            Người nhiễm COVID-19 thường cảm thấy đuối sức, kiệt lực ngay cả khi không làm việc nặng. Cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài nhiều ngày do cơ thể dồn năng lượng để chống lại virus hoặc do tâm lý lo lắng khiến cơ thể suy sụp nhanh chóng.

            2.3. Ho khan, đau họng

            Ho khan là biểu hiện đặc trưng, thường ít đáp ứng với thuốc ho thông thường. Cơn ho có thể dai dẳng kể cả sau khi lượng virus đã giảm. Trường hợp nặng hơn có thể ho kèm đau ngực, khó thở. Nếu có bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể khạc đờm màu xanh hoặc vàng, dấu hiệu tiềm ẩn của viêm phổi hậu COVID.

            Song song với ho khan, người bệnh có thể bị đau họng, bắt đầu bằng cảm giác vướng, ngứa, sau đó rát buốt và đỏ vùng họng khi quan sát bằng mắt thường.

            2.4. Đau cơ và đau toàn thân

            Người bệnh có thể bị đau ở các nhóm cơ như đùi, vai, mông hoặc cảm thấy toàn thân mỏi nhừ. Một số người có biểu hiện yếu cơ, không muốn cử động nhiều, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

            2.5. Đau đầu âm ỉ

            Cơn đau đầu thường lan tỏa khắp vùng đầu, không rõ vị trí cụ thể, thường đi kèm sốt và mệt mỏi. Đau đầu có xu hướng rõ rệt hơn trong những ngày đầu nhiễm virus, sau đó giảm dần theo tiến trình hồi phục.

            2.6. Mất vị giác và khứu giác

            Biểu hiện mất vị giác hoặc khứu giác từng là dấu hiệu đặc trưng của một số biến thể COVID. Người bệnh có thể không phân biệt được mùi hương, thức ăn trở nên nhạt, đắng hoặc mất cảm giác, dẫn đến ăn kém, chán ăn.

            2.7. Nghẹt mũi, chảy nước mũi

            Người mắc COVID-19 có thể bị nghẹt mũi kéo dài, kèm theo nước mũi trong loãng, dễ gây khàn giọng nếu không được xử lý sớm. Đây cũng là triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường.

            2.8. Triệu chứng tiêu hóa

            Ngoài các biểu hiện hô hấp, một số bệnh nhân còn gặp rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Điều này có thể do virus gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột hoặc cơ chế phản ứng miễn dịch của cơ thể.

            dau-hieu-mac-covid-3

            Dấu hiệu mắc COVID nói chung

            3. Dấu hiệu nhiễm COVID qua từng ngày

            Các triệu chứng COVID có thể khác nhau theo từng giai đoạn của bệnh

            Giai đoạn ủ bệnh (khoảng 5 ngày đầu)

            Ở giai đoạn này, người nhiễm virus chưa có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, dù virus đã bắt đầu nhân lên trong cơ thể. Điều này lý giải vì sao nhiều người vô tình trở thành nguồn lây cho người khác trước khi phát hiện bệnh. Đây cũng là thời điểm khó kiểm soát dịch nếu không có biện pháp giám sát hoặc xét nghiệm chủ động.

            Ngày 1 đến ngày 3

            Dấu hiệu mắc COVID trong những ngày đầu thường giống cảm cúm thông thường: người bệnh có thể cảm thấy gai rét, hơi mệt, nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường.

            Ngày thứ 4 - 5

            Đây là thời điểm virus phát triển mạnh hơn. Người bệnh bắt đầu sốt, đau họng nhẹ, cảm thấy lờ đờ, khản tiếng và có thể đau đầu nhẹ. Một số trường hợp cũng xuất hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ như tiêu chảy. Cảm giác chán ăn, ăn kém cũng thường gặp trong giai đoạn này. Tuy triệu chứng chưa quá nặng nề nhưng đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt hàng ngày.

            Từ ngày 5 đến ngày 8

            Trong giai đoạn này, người bệnh thường sốt cao hơn, xuất hiện ho khan, ho có đờm, đau rát họng rõ rệt, đặc biệt khi nuốt, nói hoặc ăn uống. Cơ thể mệt mỏi, đau nhức các cơ, kèm theo buồn nôn và tiêu chảy ở một số người. Lúc này, người bệnh cần được nghỉ ngơi, bù nước, theo dõi sát triệu chứng và liên hệ với cơ sở y tế nếu có dấu hiệu chuyển biến nặng.

            Từ ngày thứ 9 trở đi

            Phần lớn các trường hợp sẽ bắt đầu hồi phục sau 10 - 14 ngày. Tuy nhiên, với các nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền (tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch...), nếu không được chăm sóc và theo dõi đúng cách, người bệnh có thể chuyển biến nặng, thậm chí đối mặt với biến chứng nguy hiểm.

            dau-hieu-mac-covid-4

            Dấu hiệu nhiễm COVID qua từng ngày

            4. Nên làm gì khi có dấu hiệu nhiễm COVID-19?

            Ngay khi xuất hiện dấu hiệu nhiễm COVID hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh, bạn hãy lưu ý các bước sau đây để hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng và bảo vệ sức khỏe bản thân:

            Xét nghiệm sớm để kiểm tra nguy cơ

            Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ hoặc biết mình từng tiếp xúc gần với ca bệnh, hãy chủ động làm xét nghiệm càng sớm càng tốt. Có thể sử dụng bộ test nhanh tại nhà, tuy nhiên cần lưu ý: nếu kết quả âm tính mà triệu chứng vẫn kéo dài, bạn nên xét nghiệm lại sau 1–2 ngày hoặc đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm PCR có độ chính xác cao hơn.

            Cách xử lý khi test nhanh dương tính

            Nếu kết quả dương tính với COVID-19, bạn cần:

            • Cách ly tại nhà theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
            • Thông báo cho cơ sở y tế địa phương (như Trạm Y tế phường/xã) để được tư vấn, hỗ trợ xử lý và theo dõi sức khỏe trong quá trình cách ly.

            Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa

            Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng lây nhiễm để bảo vệ người thân và cộng đồng:

            • Theo dõi sát tình trạng sức khỏe mỗi ngày.
            • Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc ra khỏi nơi cư trú.
            • Hạn chế giao tiếp, tránh tụ tập.
            • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
            • Vệ sinh bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, điện thoại, bàn ghế bằng dung dịch khử khuẩn.

            Trường hợp đặc biệt cần xét nghiệm sớm

            Các nhóm sau nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm COVID cần được xét nghiệm sớm để chẩn đoán kịp thời:

            • Người cao tuổi
            • Phụ nữ đang mang thai
              Người có bệnh nền nặng như tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính
            • Người bị suy giảm miễn dịch

            Khi cần rời khỏi nơi cư trú

            Nếu buộc phải di chuyển trong khi đang nghi ngờ mắc Covid, hãy:

            • Đeo khẩu trang liên tục
            • Giữ khoảng cách với người xung quanh
            • Rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay lên mặt

            Sự chủ động và ý thức trách nhiệm cá nhân chính là yếu tố then chốt giúp mỗi người góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

            dau-hieu-mac-covid-5

            Nên làm gì khi có dấu hiệu nhiễm COVID-19?

            5. Chủ động phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe

            Phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn kết thúc và có thể tái bùng phát. Việc mỗi người chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần giữ gìn sức khỏe cho gia đình và xã hội. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên:

            • Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài, đặc biệt tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, khi đến cơ sở y tế hoặc khu vực đông người.
            • Hạn chế tụ tập ở các sự kiện đông người nếu không cần thiết.
            • Rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng nước sạch và xà phòng hoặc dùng dung dịch sát khuẩn tay nhanh, nhất là sau khi đi chợ, sử dụng phương tiện công cộng, cầm nắm tay vịn, cửa ra vào… Luôn mang theo lọ sát khuẩn nhỏ để sử dụng khi cần thiết.
            • Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng.
            • Theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế gần nhất nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
            • Đối với người trở về từ vùng có dịch, cần tự theo dõi sức khỏe trong những ngày đầu, hạn chế tiếp xúc gần với người thân và cộng đồng.
            • Không chia sẻ hoặc tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Hãy theo dõi các thông báo chính thức từ Bộ Y tế hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có hướng dẫn chính xác trong việc phòng chống Covid-19.
            dau-hieu-mac-covid-6

            Chủ động phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe

            Việc nhận biết sớm dấu hiệu mắc Covid-19 và xử trí đúng cách không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần hạn chế lây lan trong cộng đồng. Đừng chủ quan dù chỉ với những triệu chứng nhẹ, hãy luôn cảnh giác, chủ động xét nghiệm khi cần và tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

            Share