125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Nhau bám thấp có nguy hiểm không? Tư vấn chuyên sâu về nhau bám thấp cho mẹ bầu

            Nhau bám thấp có nguy hiểm không? Tư vấn chuyên sâu về nhau bám thấp cho mẹ bầu

            THAI THINH MEDIC
            07/11/2024

            Nhau bám thấp là một tình trạng bất thường trong quá trình mang thai, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh nở và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Do vậy, mẹ bầu cần hiểu rõ về nhau thai bám thấp để có biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe phù hợp.

            1. Nhau bám thấp là gì?

            Nhau thai, hay còn gọi là bánh nhau, là cơ quan quan trọng kết nối thai nhi với cơ thể mẹ. Nhau thai chịu trách nhiệm vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ tới thai nhi, đồng thời loại bỏ chất thải từ máu của thai nhi. Ngoài ra, nhau thai còn giúp bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng bên trong.

            Thông thường, nhau thai sẽ bám ở đáy tử cung vị trí lý tưởng, giúp nhau thai thực hiện tốt chức năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến thai nhi mà không gặp trở ngại. Trường hợp nhau thai không bám ở đáy tử cung mà nằm ở phần dưới, gần cổ tử cung được gọi là nhau bám thấp. Nhau bám thấp thường được xem là một dạng nhẹ của nhau tiền đạo và cần được theo dõi cẩn thận trong thai kỳ.

            nhau-bam-thap-2

            Trường hợp nhau thai không bám ở đáy tử cung mà nằm ở phần dưới, gần cổ tử cung được gọi là nhau bám thấp.

            2. Đặc điểm của nhau bám thấp

            Nhau bám thấp có một số đặc điểm như:

            • Vị trí bám: Nhau được coi là bám thấp khi khoảng cách từ mép bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung nhỏ hơn 2 cm.
            • Thời điểm phát hiện: Nhau bám thấp thường được phát hiện trong 3 tháng cuối thai kỳ, khi mẹ bầu có thể gặp phải hiện tượng ra máu đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
            nhau-bam-thap-3

            Nhau được coi là bám thấp khi khoảng cách từ mép bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung nhỏ hơn 2 cm.

            3. Triệu chứng của nhau bám thấp

            Khi bị nhau bám thấp, mẹ bầu có thể xuất hiện một số triệu chứng sau đây:

            • Chảy máu âm đạo: Chảy máu đột ngột, máu thường có màu đỏ tươi. Lượng máu có thể gia tăng dần theo thời gian và thường đông vón lại thành cục.
            • Không kèm theo triệu chứng đau bụng. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng mẹ bầu có thể thấy đau nhói và co thắt ở tử cung.
            • Mệt mỏi và chóng mặt: Mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt - dấu hiệu của thiếu máu do mất máu kéo dài.
            • Chảy máu nhiều khi đi lại, quan hệ tình dục hoặc làm việc nặng.
            nhau-bam-thap-4

            Trong trường hợp nhau bám thấp nặng mẹ bầu có thể thấy đau nhói và co thắt ở tử cung.

            4. Nguyên nhân gây nhau bám thấp

            Nguyên nhân gây ra nhau bám thấp trong thai kỳ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải nhau bám thấp như:

            • Tiền sử sinh mổ, có vết sẹo trên thành tử cung do phẫu thuật điều trị u xơ tử cung, làm thụ tinh ống nghiệm,...
            • Lạc nội mạc tử cung
            • Mang đa thai
            • Tiền sử sảy thai, nạo phá thai
            • Sinh nở nhiều lần
            • Tuổi trên 35
            • Viêm nhiễm tử cung
            • Tiền sử nhau bám thấp
            • Lạm dụng thuốc lá, cà phê,...
            • Dinh dưỡng kém

            Những yếu tố này có thể tương tác lẫn nhau và làm tăng khả năng xuất hiện nhau bám thấp.

            nhau-bam-thap-5

            Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải nhau bám thấp

            5. Nguy cơ và biến chứng của nhau bám thấp

            Nhau bám thấp nằm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.

            Đối với mẹ bầu:

            • Nguy cơ chảy máu kéo dài: Bánh nhau gần cổ tử cung dễ bị tác khỏi niêm mạc tử cung gây xuất huyết nhiều lần. Việc mất máu liên tục có thể dẫn đến thiếu máu mạn tính, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mẹ và tăng nguy cơ sinh non.
            • Băng huyết khi chuyển dạ: Khi sinh, bánh nhau có thể bóc tách sớm, gây băng huyết và có thể sốc do mất máu, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ bầu.
            • Tăng khả năng phải sinh mổ: Với tình trạng nhau bám thấp, bác sĩ thường phải cho mẹ bầu nhập viện sớm để theo dõi và giảm nguy cơ biến chứng sản khoa. Trong nhiều trường hợp, sinh mổ được chỉ định để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
            • Nguy cơ cắt bỏ cổ tử cung: Nếu bánh nhau bám quá chặt vào cơ tử cung và không thể tách khỏi lớp niêm mạc, mẹ bầu có thể sẽ phải cắt bỏ tử cung.

            Đối với thai nhi

            • Suy dinh dưỡng và chậm phát triển: Thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng do mẹ mất máu liên tục, dẫn đến tình trạng chậm phát triển trong bụng mẹ. Nếu tình trạng mất máu nặng ở mẹ kéo dài, thai nhi có thể gặp tình trạng suy thai, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.
            • Nguy cơ sinh non: Khi tình trạng chảy máu của mẹ diễn ra nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định sinh sớm để đảm bảo an toàn. Sinh non đi kèm với nguy cơ suy hô hấp, cân nặng thấp và sức khỏe yếu ở trẻ sơ sinh.
            • Ngôi thai bất thường: Nhau bám thấp có thể ảnh hưởng đến vị trí của thai nhi trong tử cung, khiến thai khó quay đầu về vị trí thuận, gây khó khăn khi sinh.
            nhau-bam-thap-6

            Nhau bám thấp nằm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.

            6. Nhau bám thấp thường tới tuần bao nhiêu thì hết?

            Đa phần các trường hợp nhau bám thấp có khả năng tự cải thiện khi thai nhi phát triển. Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể tự khỏi khi tuổi thai dưới 20 tuần. Cơ chế này được giải thích do tử cung phát triển lớn hơn sẽ kéo nhau thai lên cao hơn, giúp cải thiện vị trí bám của nhau, từ đó giảm nguy cơ chảy máu và các biến chứng liên quan.

            Nhau thai bám thấp có khả năng tự phục hồi nhưng mẹ bầu cũng cần chú ý theo dõi sức khỏe, đi siêu âm và thăm khám định kỳ, phòng ngừa trường hợp nhau bám thấp không cải thiện và tồn tại đến gần ngày sinh.

            nhau-bam-thap-7

            Nhau bám thấp có thể tự khỏi khi tuổi thai dưới 20 tuần.

            7. Điều trị nhau bám thấp

            Nhau bám thấp không thể chữa khỏi. Điều trị nhau bám thấp chủ yếu là kiểm soát và hạn chế chảy máu, duy trì an toàn cho thai nhi cho đến khi đủ tháng hoặc có khả năng sống sót sau sinh. Mẹ bầu cần thăm khám và siêu âm định kỳ để theo dõi vị trí bánh nhau và sự phát triển của thai nhi. Đây là cách để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có phương án xử lý kịp thời.

            Trong trường hợp chảy máu nhiều hoặc có nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định nhập viện để theo dõi chặt chẽ hơn. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai sớm để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé.

            Nếu không có dấu hiệu nặng, bác sĩ có thể khuyến cáo mẹ bầu nghỉ ngơi tại nhà. Mẹ bầu hãy hạn chế tối đa các hoạt động thể chất, bao gồm đi lại nhiều, mang vác nặng và tuyệt đối tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn này để giảm nguy cơ kích thích tử cung, gây chảy máu.

            Đồng thời, mẹ bầu tránh nằm yên một chỗ quá lâu mà thay vào đó thực hiện các động tác giãn cơ nhẹ nhàng để duy trì tuần hoàn máu. Đồng thời, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi, tránh các thực phẩm khó tiêu gây đầy bụng hoặc táo bón.

            8. Nhau bám thấp có sinh thường được không?

            Mẹ bầu bị nhau bám thấp có sinh thường được không phụ thuộc vào vị trí nhau thai và tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu nhau bám thấp không che lấp hoàn toàn đường ra của thai nhi, mẹ bầu vẫn có thể sinh thường.

            Tuy nhiên, tình trạng này thường đi kèm với nguy cơ chảy máu nhiều trong quá trình chuyển dạ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ tình trạng nhau bám thấp của mẹ bầu và quyết định có chỉ định mổ lấy thai hay không. Bên cạnh đó, trong các trường hợp nhau thai che lấp toàn bộ đường ra của thai nhi hoặc nhau bám sát cổ tử cung, mẹ bầu sẽ được lên kế hoạch mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

            nhau-bam-thap-8

            Mẹ bầu bị nhau bám thấp có sinh thường được không phụ thuộc vào vị trí nhau thai và tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé.

            9. Phòng tránh nhau bám thấp như thế nào?

            Để hạn chế nguy cơ nhau bám thấp trong thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý:

            • Lập kế hoạch sinh con hợp lý, hạn chế sinh nhiều con và tránh nạo phá thai nhiều lần.
            • Tuân thủ khám thai theo các mốc định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường.
            • Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời, bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
            • Biết cách phân biệt giữa rỉ ối và dịch âm đạo để ngăn ngừa nguy cơ suy thai hoặc thai chết lưu do nhiễm trùng hoặc sinh non.
            • Nếu thấy xuất huyết âm đạo, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ mất máu và các biến chứng khác.
            • Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, chú ý bổ sung Sắt, Acid Folic và Canxi đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
            • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức hay căng thẳng.

            Nhau bám thấp là một vấn đề đáng quan tâm trong quá trình mang thai. Việc hiểu rõ về nhau bám thấp và nắm bắt những kiến thức cần thiết sẽ giúp các mẹ bầu chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi.

            Phòng khám 125 Thái Thịnh – đơn vị dẫn đầu về siêu âm thai tại Hà Nội cung cấp dịch vụ siêu âm thai, quản lý thai kỳ trọn vẹn. Đặt lịch khám ngay qua hotline 097 288 1125 hoặc 0243 853 5522 để được tư vấn và theo dõi thai kỳ chuyên sâu!

            Share