Viêm xoang chảy máu mũi có thể là dấu hiệu cảnh báo niêm mạc mũi bị tổn thương nghiêm trọng, khiến người bệnh hoang mang và lo lắng. Liệu đây có phải là triệu chứng bình thường của viêm xoang hay là dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm? Tìm hiểu ngay những thông tin hữu ích về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm cũng như những phương pháp điều trị hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh kịp thời trong bài viết sau đây!
1. Dấu hiệu viêm xoang chảy máu mũi là gì?
Viêm xoang chảy máu mũi là tình trạng viêm nhiễm ở các xoang dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi. Dù không phổ biến như các triệu chứng khác của viêm xoang như nghẹt mũi, đau đầu hay chảy dịch mũi nhưng chảy máu mũi vẫn có thể xảy ra do tổn thương các mao mạch trong khoang mũi. Viêm xoang chảy máu mũi thường lành tính.
Các triệu chứng nhận biết viêm xoang chảy máu mũi
- Chảy dịch mũi có thể trong, vàng, xanh hoặc lẫn vệt máu.
- Chảy máu mũi có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai lỗ mũi, chảy ra phía trước hoặc chảy xuống họng.
Phân loại chảy máu mũi do viêm xoang
Chảy máu mũi trước:
- Xảy ra khi các mao mạch nhỏ ở vách ngăn mũi bị vỡ.
- Lượng máu thường ít, dễ kiểm soát và có thể xử lý tại nhà.
Chảy máu mũi sau:
- Liên quan đến tổn thương các mạch máu lớn hơn ở sâu trong khoang mũi.
- Máu có thể chảy xuống họng gây khó chịu, thậm chí chảy vào khí quản.
- Trường hợp này thường nghiêm trọng hơn, cần thăm khám y tế để kiểm soát kịp thời.
Viêm xoang chảy máu mũi thường không nguy hiểm nếu được kiểm soát đúng cách. Tuy nhiên, nếu chảy máu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, người bệnh nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Viêm xoang chảy máu mũi là tình trạng viêm nhiễm ở các xoang dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi.
2. Tại sao lại bị viêm xoang chảy máu mũi?
Viêm xoang gây viêm nhiễm, khiến niêm mạc mũi sưng tấy, làm các mao mạch trong khoang mũi trở nên nhạy cảm hơn. Khi lớp niêm mạc bị tổn thương, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể gây vỡ mạch máu dẫn đến chảy máu.
Xì mũi quá mạnh
Người bị viêm xoang thường có xu hướng xì mũi mạnh để đẩy dịch nhầy ra ngoài, nhưng điều này có thể làm tăng áp lực lên mao mạch, dẫn đến vỡ mạch máu và chảy máu cam.
Thói quen ngoáy mũi hoặc va chạm mạnh vào mũi
- Nhiều người có thói quen dùng tay ngoáy mũi khi cảm thấy ngứa hoặc khó chịu, điều này có thể làm tổn thương niêm mạc mũi vốn đã yếu do viêm xoang.
- Những va chạm hoặc chấn thương nhẹ vào vùng mũi cũng có thể khiến các mạch máu nhỏ trong khoang mũi bị vỡ, gây ra tình trạng chảy máu.
Ảnh hưởng của môi trường và thời tiết
- Không khí khô hanh: Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa hanh khô, niêm mạc mũi có xu hướng mất độ ẩm, trở nên khô và dễ bị nứt nẻ, làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm: Các tác nhân gây kích ứng như khói thuốc lá, bụi mịn hoặc hóa chất có thể làm trầm trọng hơn tình trạng viêm xoang và gây kích ứng niêm mạc mũi, làm tăng nguy cơ chảy máu.
Lạm dụng thuốc xịt mũi, thuốc co mạch
- Các loại thuốc xịt chứa corticoid hoặc thuốc co mạch có thể giúp giảm nghẹt mũi tạm thời, nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài, chúng có thể khiến mao mạch mỏng đi và dễ bị tổn thương hơn.
- Việc xịt mũi quá mạnh hoặc sử dụng thuốc sai cách cũng có thể làm niêm mạc bị kích ứng, gây chảy máu.
Vệ sinh mũi không đúng cách
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là biện pháp hỗ trợ tốt cho người bị viêm xoang. Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách, như dùng lực quá mạnh hoặc rửa quá thường xuyên, có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.
- Dung dịch xịt rửa mũi có chứa các thành phần không phù hợp cũng có thể làm khô và kích ứng mũi, khiến mao mạch dễ vỡ.

Nguyên nhân gây viêm xoang chảy máu mũi
3. Viêm xoang chảy máu mũi có nguy hiểm không?
Viêm xoang chảy máu mũi thường lành tính nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng chảy máu mũi khi viêm xoang phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tần suất chảy máu, lượng máu mất đi và các triệu chứng đi kèm khác.
Khi nào viêm xoang chảy máu mũi là bình thường?
- Chảy máu ít, nhanh cầm máu: Nếu máu chỉ chảy trong thời gian ngắn và có thể tự cầm khi áp dụng biện pháp sơ cứu như bịt mũi và ngửa đầu nhẹ, tình trạng này thường không đáng lo ngại.
- Do môi trường khô hanh: Khi thời tiết lạnh hoặc không khí khô làm niêm mạc mũi mất độ ẩm, gây nứt nẻ và chảy máu nhẹ.
- Xì mũi quá mạnh: Khi xì mũi liên tục với lực mạnh, các mao mạch trong mũi dễ bị tổn thương, gây chảy máu.
Khi nào viêm xoang chảy máu mũi là dấu hiệu nguy hiểm?
Bạn nên đặc biệt chú ý và đi khám bác sĩ khi gặp các dấu hiệu sau:
- Chảy máu nhiều, không kiểm soát được (ví dụ, chảy máu kéo dài hơn 15 phút dù đã áp dụng các biện pháp cầm máu).
- Chảy máu tái diễn thường xuyên có thể là dấu hiệu của tổn thương niêm mạc nghiêm trọng hoặc bệnh lý nguy hiểm.
- Chảy máu kèm theo các triệu chứng bất thường như đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao, khó thở hoặc thị lực suy giảm.
- Người có bệnh nền như tiền sử cao huyết áp, rối loạn đông máu hoặc bệnh lý về tim mạch.
- Viêm xoang kéo dài trên 2 tuần, điều trị kém hiệu quả.
Biến chứng có thể gặp nếu viêm xoang chảy máu mũi kéo dài
Cấu trúc xoang mũi rất gần với các mô mắt, não, dây thần kinh và mạch máu chính ở khu vực hàm mặt. Do vậy, nếu người bệnh bị viêm xoang mũi chảy máu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng không được kiểm soát đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm màng não, áp xe não
- Viêm mô tế bào quanh mắt, tổn thương dây thần kinh thị giác
- Viêm tai giữa, suy giảm thính lực.
- Tắc nghẽn đường thở, nhiễm trùng lan rộng xuống phổi gây viêm phổi
- Viêm xương sọ, viêm tủy xương.
Bởi vậy, khi gặp các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên chủ động đi khám để có biện pháp điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm.

Viêm xoang chảy máu mũi thường lành tính nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
4. Điều trị viêm xoang chảy máu mũi
4.1. Cầm máu đúng cách
Cầm máu đúng cách giúp kiểm soát tình trạng chảy máu mũi hiệu quả, từ đó hạn chế mất máu và giảm nguy cơ biến chứng. Các bước xử lý chảy máu mũi khi bị viêm xoang:
- Ngồi thẳng, nghiêng nhẹ đầu về phía trước để giảm áp lực lên mạch máu trong mũi và ngăn máu chảy ngược vào họng, hạn chế sặc hoặc buồn nôn. Tránh tuyệt đối ngửa đầu ra sau hoặc nằm xuống.
- Dùng khăn sạch hoặc bông mềm ấn nhẹ vào cánh mũi và lau phần máu chảy ra ngoài, đồng thời dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ hai bên cánh mũi. Giữ tư thế này từ 5 - 15 phút.
- Sau đó chườm lạnh lên sống mũi bằng túi đá bọc khăn để giúp co mạch máu và cầm máu nhanh hơn. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài, có thể sử dụng thuốc xịt mũi chứa oxymetazoline hoặc epinephrine để giúp thu hẹp mạch máu và giảm chảy máu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc thông mũi vì có thể gây khô niêm mạc.
Tránh xì mũi, ngoáy mũi hay nhét giấy, bông gòn vào sâu trong mũi vì có thể làm bong cục máu đông khiến máu chảy trở lại. Nếu sau 15 - 20 phút máu vẫn không ngừng chảy hoặc chảy máu tái phát thường xuyên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
4.2. Sử dụng thuốc điều trị
Sau khi cầm máu, người bệnh cần theo dõi tình trạng bệnh và đi khám để được kiểm tra và điều trị dứt điểm viêm xoang. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị như sau:
- Thuốc kháng viêm, giảm đau.
- Corticosteroid dạng uống hoặc xịt mũi để giảm sưng và viêm tại chỗ, giúp đường thở thông thoáng hơn.
- Các loại thuốc co mạch như oxymetazoline, phenylephrine giúp giảm sung huyết mũi, làm co mạch máu và hạn chế chảy máu.
- Thuốc làm bền thành mạch giúp tăng cường độ đàn hồi của mao mạch, giảm nguy cơ vỡ mạch dẫn đến chảy máu mũi. Một số hoạt chất thường dùng như rutin, hesperidin.
- Kháng sinh điều trị viêm xoang nhiễm khuẩn (lưu ý không được tự sử dụng kháng sinh, cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian bác sĩ kê để tránh kháng thuốc).
- Bổ sung vitamin như Vitamin C để hỗ trợ làm lành tổn thương niêm mạc, tăng cường miễn dịch và hạn chế chảy máu mũi do viêm xoang.
4.3. Phương pháp điều trị chuyên sâu
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi các biện pháp cầm máu và điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần đến những phương pháp can thiệp chuyên sâu hơn. Sau đây là một số kỹ thuật y khoa hiện đại giúp kiểm soát tình trạng viêm xoang chảy máu mũi một cách tối ưu:
- Nội soi mũi xoang: Kiểm tra mức độ tổn thương niêm mạc, xác định nguyên nhân chảy máu hoặc phát hiện polyp mũi, vách ngăn mũi bị lệch nếu có.
- Đốt điện cầm máu: Áp dụng trong trường hợp niêm mạc mũi tổn thương nghiêm trọng. Quá trình thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn và hiệu quả giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu tái diễn.
- Phẫu thuật chỉnh hình mũi xoang: Áp dụng trong trường hợp viêm xoang chảy máu mũi do polyp mũi, vách ngăn lệch hoặc tắc nghẽn xoang kéo dài.

Điều trị viêm xoang chảy máu mũi
5. Cách phòng ngừa viêm xoang chảy máu mũi
Viêm xoang chảy máu mũi không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt. Để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
Duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Khi thời tiết hanh khô hoặc sử dụng điều hòa thường xuyên, việc duy trì độ ẩm không khí giúp tránh khô niêm mạc mũi.
- Xông hơi với nước ấm: Hơi nước giúp làm mềm dịch nhầy, giảm khô rát và kích thích lưu thông máu trong mũi.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Đây là cách đơn giản giúp làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn trong khoang mũi, đồng thời giữ ẩm cho niêm mạc, hạn chế kích ứng gây chảy máu.
Tránh các tác động mạnh vào mũi
- Không xì mũi quá mạnh: Việc dùng lực quá mạnh khi xì mũi có thể gây tổn thương mao mạch, làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Không ngoáy mũi bằng tay: Thói quen này dễ gây viêm nhiễm, làm tổn thương niêm mạc mũi, đặc biệt là khi móng tay dài hoặc tay không sạch.
- Tránh va đập vào vùng mũi: Những chấn thương dù nhỏ cũng có thể làm nứt vỡ mao mạch mũi, nhất là khi người bệnh đang bị viêm xoang.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Điều này giúp bảo vệ mũi khỏi bụi bẩn, khói xe, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại: Những người thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi hoặc hóa chất nên sử dụng thiết bị bảo hộ để bảo vệ đường hô hấp.
- Vệ sinh không gian sống: Giữ nhà cửa sạch sẽ, hạn chế nấm mốc, bụi bẩn có thể giúp giảm nguy cơ kích ứng mũi.
Tăng cường sức đề kháng
- Bổ sung vitamin C và các chất chống oxy hóa: Những thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, bưởi giúp bảo vệ niêm mạc mũi, làm bền thành mạch.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Độ ẩm của cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến độ ẩm của niêm mạc mũi. Uống đủ nước giúp giữ ẩm, giảm nguy cơ khô mũi.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung thực phẩm giàu kẽm, omega-3 và các chất dinh dưỡng cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế viêm nhiễm xoang.
Điều chỉnh lối sống khoa học
- Tránh hút thuốc, rượu bia: Các chất kích thích này có thể làm khô niêm mạc mũi, gây kích ứng và khiến tình trạng chảy máu mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh: Nhiệt độ lạnh có thể làm khô niêm mạc mũi và khiến bệnh viêm xoang trở nặng hơn. Việc giữ ấm vùng mũi, cổ họng giúp phòng ngừa nhiễm lạnh.
- Tập thể dục thường xuyên: Duy trì vận động giúp tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, từ đó hạn chế nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Thăm khám chuyên khoa tai – mũi – họng: Những người có tiền sử viêm xoang hoặc thường xuyên bị chảy máu mũi nên kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
- Tiêm phòng cúm hàng năm để hạn chế các bệnh viêm đường hô hấp do cúm.
- Không lạm dụng thuốc xịt mũi: Một số loại thuốc xịt có thể gây khô niêm mạc nếu sử dụng quá lâu, làm tăng nguy cơ tổn thương mao mạch mũi.
Thực hiện các biện pháp trên không chỉ giúp phòng ngừa viêm xoang chảy máu mũi mà còn cải thiện đáng kể sức khỏe hệ hô hấp, giúp người bệnh giảm nguy cơ tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cách phòng ngừa viêm xoang chảy máu mũi
Tóm lại, nếu bạn đang gặp tình trạng viêm xoang chảy máu mũi, đừng chủ quan mà hãy có biện pháp xử lý sớm. Kết hợp điều trị y tế với các phương pháp hỗ trợ tại nhà giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Đặc biệt, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế tác nhân kích thích sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát và bảo vệ sức khỏe lâu dài.