Áp xe gan là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng nếu không được điều trị đúng cách. Những triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý gan khác, khiến việc chẩn đoán gặp khó khăn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến áp xe gan và cách điều trị hiệu quả nhất? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây!
Áp xe gan là gì?
Áp xe gan là tình trạng hình thành các ổ mủ bên trong gan do nhiễm trùng từ vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm. Các ổ mủ trong gan thường xuất hiện do sự lan truyền của vi khuẩn từ đường ruột qua tĩnh mạch cửa hoặc do nhiễm trùng đường mật. Đây là bệnh lý nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Phân loại áp xe gan theo vị trí trong gan:
- Áp xe gan thùy phải: Chiếm khoảng 50% các trường hợp, do thùy này có nguồn cung cấp máu dồi dào hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Áp xe gan thùy trái hoặc thùy đuôi: Ít phổ biến hơn nhưng vẫn có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây áp xe gan
Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, nhận lưu lượng máu từ hệ thống tuần hoàn cục bộ và tuần hoàn cửa, do đó gan dễ bị nhiễm trùng và áp xe do các tác nhân gây bệnh từ mạch máu. Cụ thể, các nguyên nhân phổ biến gây áp xe gan:
Áp xe gan do vi khuẩn
Áp xe gan do vi khuẩn hay còn gọi là áp xe sinh mủ thường do nhiễm đa vi khuẩn, phổ biến bao gồm E.coli, Streptococcus, tụ cầu vàng, nhóm liên cầu Anginosus, loài Clostridium, loài Bacteroides và Klebsiella pneumoniae. Vi khuẩn có thể xâm nhập và gây áp xe trong các trường hợp sau:
- Các vấn đề về ống mật và túi mật: viêm đường mật, viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật, sỏi mật, hẹp hoặc dị tật bẩm sinh đường mật.
- Qua mạch máu gan: viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, viêm bể thận hoặc nhiễm trùng máu gây lây lan vi khuẩn qua động mạch gan; nhiễm trùng ổ bụng, viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, viêm đại tràng, viêm tụy và rò rỉ dịch ruột,...
- Chấn thương: Chấn thương gây thủng ruột, rò rỉ dịch ruột, rò rỉ mật hoặc chấn thương gan và sự hình thành áp xe sau đó cũng có thể gây ra áp xe gan gây sốt.
- Nguyên nhân khác: Huyết khối động mạch gan (cục máu đông), bệnh u hạt mãn tính và bệnh bạch cầu (thường gặp ở trẻ em).
Áp xe gan do ký sinh trùng
- Áp xe gan do amip: Chủ yếu do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra. Tên gọi khác của áp xe gan do amip là bệnh amip và bệnh lỵ amip. Bệnh thường lây qua đường ăn uống. Sau khi vào ruột, ký sinh trùng có thể di chuyển qua hệ tuần hoàn từ ruột đến gan và tạo thành ổ áp xe.
- Áp xe gan do giun sán: Các loại giun sán, đặc biệt là sán dây (Echinococcus) là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây áp xe gan. Giun sán ký sinh trong gan tạo thành các nang sán, dẫn đến áp xe gan. Tình trạng nhiễm giun sán thường khó phát hiện do các triệu chứng xuất hiện muộn. Bên cạnh đó, giun sán di chuyển có thể kéo theo vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đồng mắc, góp phần hình thành khối áp xe.
Áp xe gan do nguyên nhân khác
- Áp xe gan do nấm: Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra áp xe do nấm là Candida albicans, thường ảnh hưởng đến những người bị suy giảm miễn dịch, bị nhiễm nấm toàn thân nặng. Áp xe gan do nấm ít gặp.
- Biến chứng từ ghép gan, bệnh gan ác tính.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh áp xe gan
Một số yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy sự phát triển của áp xe gan như sau:
- Giới tính: Nam giới dễ gặp áp xe gan hơn phụ nữ do đặc thù trong hoạt động của hệ miễn dịch và các yếu tố liên quan đến lối sống.
- Độ tuổi: Thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ áp xe gan có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh do nhiễm trùng.
- Bệnh lý nền: Người tiểu đường, suy giảm chức năng gan, xơ gan, người bị suy giảm miễn dịch
- Người có thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn rau sống, thịt cá chưa nấu chín,...
- Người sống trong điều kiện vệ sinh kém.
- Người đang sử dụng thuốc ức chế bơm proton.
Triệu chứng áp xe gan
Áp xe gan thường tiến triển âm thầm trong giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Các dấu hiệu nhận biết áp xe gan bao gồm:
Triệu chứng toàn thân
- Sốt cao lên đến 39 - 40°C, kèm theo cảm giác ớn lạnh và vã mồ hôi về đêm.
- Mệt mỏi, li bì, suy nhược cơ thể, chán ăn và thậm chí sụt cân nhanh chóng.
- Buồn nôn, nôn mửa
- Nước tiểu sẫm màu
- Vàng da
- Đau vai phải
- Đau tức vùng hạ sườn phải, có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Khi ổ áp xe lớn, cơn đau có thể lan sang thượng vị hoặc toàn bộ vùng bụng.
- Gan to, sờ thấy khối u vùng gan
- Ấn kẽ sườn 11 - 12 thấy đau
- Ho, khó thở
Biểu hiện đặc biệt trong từng loại áp xe gan:
- Áp xe gan do vi khuẩn Klebsiella: Ngoài các triệu chứng trên, vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng huyết, làm lan rộng ổ viêm sang mắt, màng não và não bộ, dẫn đến các triệu chứng trên thần kinh.
- Áp xe gan do ký sinh trùng (Echinococcus): Bệnh có thể không có triệu chứng rõ ràng trong nhiều năm đầu sau khi nhiễm sán. Khi các nang sán lớn dần (≥10 cm), người bệnh ít khi sốt nhưng có thể bị đau bụng hơn, tắc nghẽn đường mật gây vàng da, nước tiểu sẫm màu. Trong trường hợp nang sán bị vỡ, người bệnh có nguy cơ sốc phản vệ hoặc viêm phúc mạc nặng.
Nếu bạn hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu sau, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời:
- Sốt cao kéo dài trên 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Đau vùng gan dữ dội, lan rộng sang vai phải hoặc toàn bộ bụng.
- Vàng da, vàng mắt kèm nước tiểu sẫm màu.
- Cơ thể suy kiệt, sụt cân nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Chẩn đoán áp xe gan
Khi chẩn đoán áp xe gan, các bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng của người bệnh và chỉ định các xét nghiệm hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp để xác định nguyên nhân, từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp cho người bệnh. Các phương pháp chẩn đoán áp xe gan phổ biến bao gồm:
Xét nghiệm sinh hóa và huyết học
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần
- Xét nghiệm chức năng gan: men gan (AST, ALT), albumin, xét nghiệm phosphatase kiềm (ALP), bilirubin máu,...
- Xét nghiệm Protein phản ứng C
- Xét nghiệm tốc độ lắng máu
- Nuôi cấy máu để phát hiện nhiễm trùng máu
- Xét nghiệm phân hoặc huyết thanh học (tìm trứng hay thể tư dưỡng của Entamoeba Histolytica)
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm gan
- Chụp X-quang ngực
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) có tăng cản quang
- Chụp MRI
Các phương pháp khác
- Chọc hút kim nhỏ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp CT, sau đó mẫu thu được sẽ được nuôi cấy để xác định chính xác tác nhân gây bệnh.
- Nội soi mật tụy ngược dòng: Tìm vị trí và hỗ trợ xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn ở đường mật,...

Áp xe gan có nguy hiểm không? Biến chứng của áp xe gan
Áp xe gan là một tình trạng nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến gan mà còn có thể tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể, đe dọa tính mạng của người bệnh như sau:
Biến chứng do vỡ ổ áp xe
Vỡ áp xe gan là biến chứng nghiêm trọng nhất.
- Biến chứng trên tim: Ổ áp xe vỡ có thể tràn vào màng tim, gây ép tim cấp với các triệu chứng khó thở, tụt huyết áp, da tím tái và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Biến chứng trong ổ bụng và ống tiêu hóa: Vỡ ổ áp xe có thể dẫn đến viêm phúc mạc cấp tính, gây sốc, đau bụng dữ dội, sốt cao, ngoài ra có thể gây áp xe cơ thành bụng hoặc hình thành các lỗ rò chảy mủ.
Nhiễm trùng lan rộng và nhiễm khuẩn huyết
Nếu không được kiểm soát, nhiễm trùng từ ổ áp xe gan có thể lan ra khắp cơ thể, gây nhiễm khuẩn huyết. Đây là tình trạng đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong. Những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu, người cao tuổi hoặc bệnh nhân mắc bệnh lý nền (xơ gan, tiểu đường) có nguy cơ cao hơn.
Các biến chứng khác
- Suy gan và suy thận cấp
- Viêm phổi vùng lân cận khối áp xe, rò màng phổi, suy hô hấp.
- Áp xe dưới hoành
- Viêm tụy cấp
- Huyết khối tĩnh mạch gan haowjc bụng
- Giải phình động mạch gan
- Viêm nội nhãn
- Thuyên tắc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Điều trị áp xe gan
Điều trị áp xe gan cần một chiến lược toàn diện kết hợp giữa nội khoa và can thiệp ngoại khoa nhằm loại bỏ ổ nhiễm trùng, kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Điều trị nội khoa
Người bệnh áp xe gan thường được chỉ định sử dụng kháng sinh phổ rộng ngay từ đầu để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng trước khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn. Kháng sinh được lựa chọn là kháng sinh phổ rộng có phổ bao phủ trên hầu hết các tác nhân gây bệnh, thường bao gồm:
- Kháng sinh nhóm Cephalosporin kết hợp Metronidazole.
- Kháng sinh nhóm beta-lactam kèm chất ức chế Beta-lactamase phối hợp kháng sinh Aminoglycosid và Metronidazole.
- Kháng sinh nhóm Fluoroquinolone trong trường hợp người bệnh dị ứng Penicillin.
Sau khi có kết quả nuôi cấy bệnh phẩm, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Thời gian điều trị trung bình dao động từ 2 đến 6 tuần tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh. Giai đoạn đầu, người bệnh thường được truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch, sau đó có thể chuyển sang đường uống khi tình trạng cải thiện.
Với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có nguy cơ nhiễm nấm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm như Amphotericin B hoặc Fluconazole để kiểm soát nhiễm trùng do nấm Candida.
Trong trường hợp áp xe gan do sán lá gan, người bệnh cần sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng như albendazole. Thời gian điều trị có thể kéo dài nhiều năm.

Dẫn lưu ổ áp xe
Dẫn lưu là phương pháp can thiệp hiệu quả giúp loại bỏ dịch mủ trong gan, giảm áp lực ổ áp xe và hỗ trợ kháng sinh phát huy tác dụng. Dẫn lưu còn được áp dụng khi ổ áp xe bị vỡ, gây viêm phúc mạc hoặc người bệnh bị viêm ruột thừa.
- Chọc hút bằng kim: Áp dụng với các ổ áp xe nhỏ hơn 5 cm, có thể thực hiện nhiều lần nếu cần.
- Dẫn lưu qua da bằng ống thông: Đối với các ổ áp xe lớn hơn 5 cm hoặc áp xe nhiều ngăn, bác sĩ có thể đặt ống thông dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp CT để rút dịch mủ hiệu quả hơn.
- Dẫn lưu nội soi: Đôi khi được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt khi các phương pháp trên không khả thi.

Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong các tình huống phức tạp:
- Áp xe gan có biến chứng: Áp xe vỡ, viêm phúc mạc hoặc tràn mủ màng phổi đòi hỏi phải phẫu thuật khẩn cấp.
- Nhiều ổ áp xe lớn: Nếu ổ áp xe có thành dày, nhiều ngăn và không thể dẫn lưu qua da, phẫu thuật giúp làm sạch ổ nhiễm trùng triệt để.
- Bệnh nhân có bệnh lý nền cần can thiệp: Những trường hợp kèm theo viêm ruột thừa, tắc mật hoặc bệnh lý đường mật có thể cần phẫu thuật để xử lý triệt để nguồn gốc nhiễm trùng.
Tùy theo vị trí và kích thước ổ áp xe, bác sĩ có thể lựa chọn tiếp cận qua phúc mạc hoặc qua màng phổi sau để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn ổ viêm.

Hỗ trợ điều trị và chăm sóc bệnh nhân
Bên cạnh các biện pháp điều trị chính, việc chăm sóc toàn diện giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng:
- Giảm đau, hạ sốt: Sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt để kiểm soát triệu chứng khó chịu.
- Hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn: Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể cần thở máy, truyền dịch hoặc đặt catheter tĩnh mạch để duy trì huyết động ổn định.
- Cân bằng điện giải và dinh dưỡng: Chế độ ăn giàu protein, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình lành bệnh.
- Theo dõi biến chứng: Áp xe gan có thể gây ra nhiễm trùng huyết, suy gan hoặc tổn thương đa cơ quan nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm biến chứng.
Các phòng ngừa áp xe gan
Để giảm nguy cơ mắc áp xe gan và bảo vệ sức khỏe lâu dài, bạn hãy tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh và bảo vệ môi trường sống:
- Ăn chín, uống sôi, tránh tiêu thụ thực phẩm sống, chưa được chế biến kỹ như nem chua, gỏi cá, tiết canh,...
- Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt an toàn, lắp đặt hệ thống lọc nước nếu cần thiết. Chỉ uống nước đã đun sôi, tránh sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc.
- Rau xanh cần được rửa kỹ dưới vòi nước chảy và ngâm nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau an toàn.
- Giữ vệ sinh đối với các dụng cụ ăn uống, bảo quản ở nơi sạch sẽ, cao ráo.
- Tại những khu vực canh tác nông nghiệp, tránh sử dụng phân tươi bón ruộng để giảm nguy cơ lây lan ký sinh trùng.
- Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ vệ sinh móng tay, tránh để dưới móng tay tích tụ vi khuẩn và ký sinh trùng.
- Khi phát hiện dấu hiệu nhiễm khuẩn như sốt, đau bụng, mệt mỏi, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Nếu đã có một số bệnh nhiễm khuẩn như viêm ruột, viêm gan, cần điều trị dứt điểm tránh biến chứng.
Bệnh áp xe gan tuy không phổ biến nhưng lại có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao nếu không được điều trị đúng cách. Hãy lắng nghe cơ thể, đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị sớm.