Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, xảy ra khi phôi thai làm tổ ngoài buồng tử cung. Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung thường dễ nhầm lẫn với triệu chứng thai kỳ thông thường, khiến bà bầu không phát hiện kịp thời, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tìm hiểu ngay những dấu hiệu cảnh báo mang thai ngoài tử cung trong bài viết sau!
1. Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung xảy ra ở khoảng 1 đến 2% các trường hợp mang thai. Tình trạng này xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung, thường gặp nhất ở vòi trứng.
Mang thai ngoài tử cung có thể không có dấu hiệu gì hoặc có một số dấu hiệu như:
- Chậm kinh hoặc chảy máu âm đạo bất thường trước ngày hành kinh (lượng máu ít, máu bầm đen và không đông vón)
- Đau ngực
- Đau lưng dưới
- Đau bụng dưới: âm ỉ, nhói hoặc đau quặn
- Chuột rút nhẹ ở một bên xương chậu
Các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung này có thể không xuất hiện cho đến khi cấu trúc chứa thai ngoài tử cung bị vỡ. Hơn nữa, chúng tương đồng với dấu hiệu mang thai bình thường hoặc với kỳ kinh nguyệt. Điều này khiến cho việc phát hiện thai ngoài tử cung trở nên khó khăn hơn, làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Cấu trúc chứa thai ngoài tử cung thường vỡ sau khoảng 6 đến 16 tuần, thường là vỡ vòi trứng. Khi thai ngoài tử cung vỡ, người bệnh có thể bị chảy máu trong nghiêm trọng gây sốc hoặc tiến triển viêm phúc mạc, gây đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung bị vỡ:
- Buồn nôn, nôn
- Đau đột ngột, dữ dội, liên tục ở bụng hoặc vùng chậu
- Đau vai
- Choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu
Khi có các dấu hiệu này, bạn cần đến ngay cở sở gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
2. Giải đáp một số câu hỏi về dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
2.1. Thai ngoài tử cung thử que có lên vạch không?
Que thử thai hoạt động bằng cách phát hiện nồng độ hormone hCG (human chorionic gonadotropin) trong nước tiểu. Nồng độ hCG trong máu thường tăng khá nhanh trong thai kỳ. Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nồng độ hormon này có thể tăng chậm hơn bình thường, thậm chí giảm, dẫn đến que thử thai âm tính (chỉ lên 1 vạch) hoặc que thử lên hai vạch nhưng vạch thứ hai mờ nhạt.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý dùng que thử thai có thể giúp phát hiện mang thai, nhưng không thể xác định vị trí làm tổ của phôi thai. Nếu nghi ngờ thai ngoài tử cung, cần làm thêm xét nghiệm máu đo nồng độ beta-hCG và siêu âm để chẩn đoán chính xác.

Thai ngoài tử cung thử que có lên vạch không?
2.2. Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không?
Khi mang thai ngoài tử cung, bạn có thể bị chậm kinh như thai kỳ thông thường. Tuy nhiên, các triệu chứng của thai ngoài tử cung như đau bụng âm ỉ, ra máu nhỏ giọt kéo dài có thể khiến bạn nhầm lẫn với kinh nguyệt. Nếu bị chảy máu âm đạo bất thường, kèm theo đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, bạn nên đi khám ngay để loại trừ nguy cơ thai ngoài tử cung.

Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không?
3. Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị mang thai ngoài tử cung?
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Hiện nay, y học có nhiều phương pháp chẩn đoán chính xác và các lựa chọn điều trị hiệu quả, phù hợp với từng tình trạng bệnh nhân.
3.1. Chẩn đoán mang thai ngoài tử cung
Việc chẩn đoán mang thai ngoài tử cung đòi hỏi sự kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định vị trí thai và mức độ phát triển của phôi thai. Các phương pháp chẩn đoán phổ biến bao gồm:
- Siêu âm đầu dò âm đạo: Siêu âm đầu dò giúp bác sĩ quan sát rõ hình ảnh tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, từ đó phát hiện được thai làm tổ bất thường bên ngoài tử cung.
- Xét nghiệm máu đo beta-hCG: Beta-hCG là hormone do nhau thai tiết ra, tăng cao trong thai kỳ. Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nồng độ beta-hCG thường tăng chậm hơn so với thai kỳ bình thường. Theo dõi sự biến đổi của beta-hCG giúp bác sĩ nhận định được tình trạng phát triển bất thường của phôi thai.
- Nội soi ổ bụng: Phương pháp này thường được áp dụng khi siêu âm và xét nghiệm chưa đưa ra được kết luận chính xác. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi có gắn camera qua vết rạch nhỏ ở thành bụng để quan sát trực tiếp cơ quan sinh sản, từ đó phát hiện vị trí thai ngoài tử cung. Đây cũng là phương pháp can thiệp điều trị nếu phát hiện khối thai bất thường.

Chẩn đoán mang thai ngoài tử cung
3.2. Các phương pháp điều trị mang thai ngoài tử cung
Phương pháp điều trị mang thai ngoài tử cung được lựa chọn dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân như: kích thước khối thai, mức độ tổn thương ống dẫn trứng, nồng độ beta-hCG và tình trạng huyết động. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
3.2.1. Điều trị bằng thuốc
Thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là methotrexate. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của tế bào phôi thai, chấm dứt thai kỳ và giúp cơ thể hấp thụ phôi thai trong vòng 4 - 6 tuần mà không cần phẫu thuật.
Điều kiện sử dụng Methotrexate:
- Thai ngoài tử cung chưa vỡ, không có dấu hiệu chảy máu trong ổ bụng.
- Nồng độ beta-hCG ở mức thấp.
- Khối thai có kích thước nhỏ (<3.5 cm) và chưa có hoạt động tim thai.
Ưu điểm của Methotrexate:
- Không cần phẫu thuật, tránh các biến chứng do can thiệp ngoại khoa.
- Giữ được vòi trứng cho người bệnh, bảo tồn khả năng sinh sản.
Lưu ý khi dùng Methotrexate:
- Cần theo dõi sát sao nồng độ beta-hCG để đánh giá hiệu quả điều trị.
- Không sử dụng Methotrexate nếu bệnh nhân đang cho con bú hoặc có bệnh lý nền như suy gan, suy thận.
3.2.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là phương pháp được áp dụng phổ biến khi có dấu hiệu thai ngoài tử cung gây vỡ vòi trứng (chảy máu trong phúc mạc, mất ổn định huyết động,...) hoặc trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ nhưng không thể điều trị bằng Methotrexate.
Quy trình thực hiện: Bác sĩ rạch một vài vết nhỏ trên thành bụng, đưa ống nội soi gắn camera vào để xác định vị trí khối thai và thực hiện loại bỏ khối thai.
Phương pháp phẫu thuật:
- Cắt bỏ khối thai và bảo tồn vòi trứng: Áp dụng khi ống dẫn trứng chưa tổn thương nghiêm trọng, giúp giữ lại khả năng sinh sản.
- Cắt bỏ toàn bộ vòi trứng: Thực hiện khi ống dẫn trứng bị thương tổn nặng, không thể bảo tồn.
Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh, mức độ tổn thương vòi trứng và mong muốn sinh con trong tương lai.
Ưu điểm: Ít xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng.

Các phương pháp điều trị mang thai ngoài tử cung
3.2.3. Lưu ý sau điều trị mang thai ngoài tử cung
- Theo dõi nồng độ beta-hCG: Dù điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, bệnh nhân cần xét nghiệm beta-hCG thường xuyên cho đến khi nồng độ trở về mức không mang thai, đảm bảo thai kỳ đã được chấm dứt hoàn toàn.
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Sau điều trị, phụ nữ nên thăm khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe sinh sản và đánh giá chức năng ống dẫn trứng để chuẩn bị tốt cho thai kỳ sau.
- Phòng ngừa mang thai ngoài tử cung tái phát: Mang thai ngoài tử cung lần đầu làm tăng nguy cơ tái phát ở những lần mang thai sau. Vì vậy, bạn cần theo dõi sát sao, siêu âm sớm để xác nhận vị trí thai kỳ khi biết mình mang thai.
Chẩn đoán và điều trị mang thai ngoài tử cung đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời và chính xác. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh. Việc theo dõi sau điều trị cũng vô cùng quan trọng để ngăn ngừa biến chứng và chuẩn bị cho những thai kỳ an toàn trong tương lai.
Tham khảo:
1. https://www.acog.org/womens-health/faqs/ectopic-pregnancy