125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Lạc nội mạc tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

            Lạc nội mạc tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

            THAI THINH MEDIC
            15/05/2025

            Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý phụ khoa không hiếm gặp, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Vậy làm thế nào để nhận biết và điều trị căn bệnh này hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây để chủ động bảo vệ sức khỏe!

            1. Bệnh lạc nội mạc tử cung là gì?

            Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các cơ quan trong vùng chậu như buồng trứng, ống dẫn trứng và thành ngoài tử cung.

            Ước tính, bệnh lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khoảng 10% đến 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Lạc nội mạc tử cung có thể bắt đầu từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên và kéo dài cho đến khi mãn kinh. Tuy nhiên, bệnh thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40.

            Đối với bệnh lạc nội mạc tử cung, các mô lạc nội mạc tử cung phản ứng với sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt giống như mô nội mạc tử cung bình thường. Chúng dày lên, vỡ ra và chảy máu theo chu kỳ. Tuy nhiên, vì các mô này phát triển bên ngoài tử cung nên máu và mô bong tróc không thể thoát ra ngoài cơ thể, dẫn đến hiện tượng viêm, hình thành mô sẹo và dính các cơ quan vùng chậu với nhau, gây ra các triệu chứng điển hình.

            Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bởi vậy, không có cách nào có thể phòng ngừa hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả thông qua các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc giảm đau, liệu pháp hormone hoặc can thiệp phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.

            lac-noi-mac-tu-cung-2

            Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.

            2. Các loại lạc nội mạc tử cung

            Vị trí của các tổn thương lạc nội mạc tử cung có thể khác nhau với ổ bệnh thường gặp nhất là buồng trứng, tiếp theo là dây chằng rộng sau, túi cùng trước, túi cùng sau và dây chằng tử cung cùng. Các nốt lạc nội mạc tử cung cũng ảnh hưởng đến đường ruột và hệ tiết niệu, như niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Dựa theo vị trí và mức độ xâm lấn của mô nội mạc tử cung bên ngoài tử cung, lạc nội mạc tử cung được phân loại thành:

            • Lạc nội mạc tử cung nông: Chủ yếu được tìm thấy ở phúc mạc vùng chậu, thường ít gây biến chứng.
            • Lạc nội mạc tử cung buồng trứng dạng nang (u nội mạc tử cung): Được tìm thấy bên trong buồng trứng. Các nang này chứa dịch nâu sẫm do máu tích tụ lâu ngày. Khi vỡ ra, chúng có thể gây viêm nhiễm, đau đớn dữ dội và làm giảm khả năng thụ thai.
            • Lạc nội mạc tử cung thâm nhiễm sâu (DIE): Đây là dạng nghiêm trọng nhất, tuy nhiên hiếm gặp; xảy ra khi mô nội mạc tử cung xâm lấn sâu vào các cơ quan như buồng trứng, vách ngăn trực tràng - âm đạo, bàng quang và ruột.
            • Lạc nội mạc tử cung thành bụng: Trong một số trường hợp, mô nội mạc tử cung có thể phát triển trên thành bụng. Các tế bào có thể bám vào vết mổ như vết mổ lấy thai.

            Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh lạc nội mạc tử cung cũng được phát hiện gây tổn thương bên ngoài khung chậu như màng phổi, màng ngoài tim hoặc hệ thần kinh trung ương.

            lac-noi-mac-tu-cung-3

            Vị trí của các tổn thương lạc nội mạc tử cung có thể khác nhau.

            3. Triệu chứng lạc nội mạc tử cung

            Bệnh lạc nội mạc tử cung có biểu hiện rất đa dạng và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng không phải lúc nào cũng phản ánh đúng mức độ tổn thương. Có những trường hợp bệnh nhân chỉ có mô lạc nội mạc tử cung rất nhỏ nhưng lại gặp đau đớn dữ dội, trong khi một số khác có nhiều mô lạc nhưng hầu như không có biểu hiện gì rõ ràng. Nhiều phụ nữ chỉ phát hiện ra lạc nội mạc tử cung khi khám vô sinh hoặc phẫu thuật trong ổ bụng.

            Những triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung:

            Đau vùng chậu mãn tính:

            • Là triệu chứng phổ biến nhất, đau theo chu kỳ và tiến triển nặng hơn theo thời gian
            • Đau dữ dội xuất hiện nhiều vào ngay trước và trong chu kỳ kinh nguyệt
            • Đau khi quan hệ tình dục
            • Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện khi mô lạc nội mạc ảnh hưởng đến bàng quang hoặc đường ruột, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt

            Triệu chứng khác:

            • Đau lưng trong kỳ kinh nguyệt
            • Chảy máu bất thường ngoài chu kỳ
            • Lượng máu kinh ra nhiều bất thường, kéo dài trong kỳ kinh nguyệt
            • Có máu trong phân hoặc nước tiểu
            • Tiêu chảy hoặc táo bón
            • Đau bụng, đầy hơi, buồn nôn
            • Mệt mỏi kéo dài dù không làm việc quá sức
            • Khó thụ thai
            • Trầm cảm, rối loạn lo âu

            Các triệu chứng này có thể cải thiện sau mãn kinh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

            lac-noi-mac-tu-cung-4

            Bệnh lạc nội mạc tử cung có biểu hiện rất đa dạng.

            4. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung

            Bệnh lạc nội mạc tử cung là bệnh lý phụ khoa phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Dù các chuyên gia vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng có một số giả thuyết và yếu tố được cho là góp phần vào sự phát triển của tình trạng này:

            • Kinh nguyệt ngược dòng: Trong kỳ kinh nguyệt, một phần máu kinh chứa các tế bào nội mạc tử cung không chảy ra khỏi cơ thể qua cổ tử cung và âm đạo mà chảy ngược vào ống dẫn trứng và khoang chậu. Kinh nguyệt ngược dòng có thể khiến các tế bào này lắng đọng bên ngoài tử cung, làm tổ và phát triển.
            • Sự chuyển sản tế bào: Chuyển sản là quá trình các tế bào thay đổi từ dạng này sang dạng khác. Trong trường hợp lạc nội mạc tử cung, các tế bào bên ngoài tử cung (như tế bào phúc mạc, tế bào phôi) có thể biến đổi thành các tế bào giống nội mạc tử cung dưới tác động của hormone hoặc yếu tố miễn dịch.
            • Tế bào gốc: Tế bào gốc có thể gây ra bệnh, sau đó bệnh sẽ lan truyền khắp cơ thể qua đường máu và mạch bạch huyết.
            • Cấy ghép sẹo phẫu thuật: Sau các phẫu thuật như mổ lấy thai hoặc cắt tử cung, các tế bào nội mạc tử cung có thể bám vào các vết mổ, hình thành mô nội mạc tử cung lạc chỗ và gây ra lạc nội mạc tử cung.
            • Vận chuyển tế bào nội mạc tử cung: Các mạch máu hoặc dịch mô (hệ thống bạch huyết) có thể vận chuyển tế bào nội mạc tử cung đến các bộ phận khác của cơ thể. Đây là lý do tại sao trong một số trường hợp hiếm gặp, lạc nội mạc tử cung được phát hiện ở những vị trí ngoài vùng chậu như phổi hoặc các cơ quan xa hơn.

            Các yếu tố khác cũng có thể góp phần vào sự phát triển hoặc tồn tại của mô nội mạc tử cung lạc chỗ. Bệnh lạc nội mạc tử cung được biết đến là bệnh lý phụ thuộc vào hormone estrogen. Estrogen thúc đẩy sự phát triển của mô nội mạc tử cung lạc chỗ, làm tăng tình trạng viêm liên quan đến bệnh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa estrogen và lạc nội mạc tử cung rất phức tạp vì sự thiếu hụt estrogen không phải lúc nào cũng làm giảm nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung.

            lac-noi-mac-tu-cung-5

            Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung

            5. Các yếu tố nguy cơ gây lạc nội mạc tử cung

            Nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc lạc nội mạc tử cung như:

            • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
            • Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp
            • Thời gian hành kinh ngắn (khoảng cách dưới 27 ngày giữa thời điểm bắt đầu của một kỳ kinh nguyệt và kỳ kinh nguyệt tiếp theo)
            • Kinh nguyệt nhiều, rong kinh và kéo dài hơn một tuần
            • Dậy thì sớm (có kinh nguyệt ở độ tuổi dưới 11 tuổi)
            • Mãn kinh muộn
            • Chưa từng sinh con
            • Nồng độ estrogen cao

            6. Ảnh hưởng của bệnh lạc nội mạc tử cung

            Lạc nội mạc tử cung ở phần lớn phụ nữ thường phát hiện muộn. Do đó, phụ nữ không thể tránh khỏi việc phải chịu đựng những cơn đau và những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh này, bao gồm cả tình trạng vô sinh. Cụ thể:

            Ngoài ra, các tổn thương lạc nội mạc tử cung có thể tự thoái lui ở khoảng một phần ba số phụ nữ bị ảnh hưởng mà không được điều trị. [39]  Theo các ước tính khác nhau, tỷ lệ tái phát lạc nội mạc tử cung sau phẫu thuật dao động từ 6 đến 67%. [40]  Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dự đoán khả năng tái phát vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn

            6.1. Mối liên hệ giữa vô sinh và lạc nội mạc tử cung

            Bệnh lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ. Thống kê cho thấy, gần 4 trong 10 phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung. Tình trạng viêm do lạc nội mạc tử cung không chỉ làm tổn hại tinh trùng và trứng mà còn cản trở quá trình di chuyển của chúng qua ống dẫn trứng và tử cung. Trong trường hợp nghiêm trọng, mô sẹo và dính do viêm có thể khiến ống dẫn trứng bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên.

            Đồng thời, bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ sảy thai và thai ngoài tử cung cao hơn những người không mắc bệnh. Nếu trứng đã thụ tinh thành công, sự hiện diện của mô này vẫn có thể ngăn cản phôi di chuyển về tử cung để làm tổ. Không chỉ vậy, lạc nội mạc tử cung còn có thể gây mất cân bằng hormon hoặc kích hoạt hệ miễn dịch tấn công phôi thai, ngoài ra có thể ảnh hưởng đến lớp mô lót tử cung nơi trứng làm tổ.

            lac-noi-mac-tu-cung-6

            Bệnh lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.

            6.2. Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần

            Không chỉ tác động đến khả năng sinh sản, lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến như đau vùng chậu mãn tính, đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt, mệt mỏi kéo dài và các vấn đề tiêu hóa làm suy giảm sức khỏe tổng thể của người bệnh. Nghiên cứu cho thấy 71% - 87% phụ nữ bị đau vùng chậu mãn tính có liên quan đến lạc nội mạc tử cung.

            Cơn đau kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn dẫn đến stress, lo âu và trầm cảm. Những người mắc bệnh này thường báo cáo chất lượng giấc ngủ kém, ít tham gia vào các hoạt động thể chất, dẫn đến sức khỏe suy giảm cả về thể chất và tinh thần. Không chỉ vậy, tình trạng đau khi quan hệ tình dục do lạc nội mạc tử cung có thể gây gián đoạn hoặc né tránh quan hệ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tình cảm và hôn nhân của người bệnh.

            lac-noi-mac-tu-cung-7

            Lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

            6.3. Nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác

            Dù lạc nội mạc tử cung được xem là bệnh lành tính, nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng căn bệnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư biểu mô tuyến liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Tuy vậy, khả năng mắc ung thư do lạc nội mạc tử cung là cực kỳ thấp.

            Bên cạnh đó, bệnh nhân lạc nội mạc tử cung cũng thường bị rối loạn chức năng ruột như táo bón, tiêu chảy và đau bụng do phản ứng viêm tác động lên hệ tiêu hóa. Ngay cả khi đã phẫu thuật điều trị lạc nội mạc tử cung, nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục gặp phải các triệu chứng khó chịu này, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sức khỏe.

            lac-noi-mac-tu-cung-8

            Lạc nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác.

            6.4. Hệ lụy về kinh tế và xã hội

            Tình trạng đau mãn tính và mệt mỏi do lạc nội mạc tử cung khiến nhiều phụ nữ giảm năng suất lao động, nghỉ việc thường xuyên hoặc gián đoạn học tập. Chi phí điều trị, từ thuốc men đến phẫu thuật, cũng tạo áp lực tài chính lớn cho người bệnh và gia đình.

            Không chỉ dừng lại ở đó, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và đời sống tình dục còn làm suy giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng, gây ra các vấn đề tâm lý như mặc cảm, lo âu và áp lực tinh thần kéo dài.

            lac-noi-mac-tu-cung-9

            Lạc nội mạc tử cung mang lại nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.

            7. Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung như thế nào?

            Việc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung thường gặp nhiều thách thức do triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các tình trạng phụ khoa khác. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến để xác định chính xác tình trạng này, giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.

            Khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng

            Bước đầu tiên trong chẩn đoán là khai thác tiền sử bệnh và đánh giá các triệu chứng của người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về:

            • Tính chất chu kỳ kinh nguyệt
            • Cơn đau vùng chậu
            • Triệu chứng tiêu hóa bất thường
            • Vấn đề về sinh sản

            Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng chậu để kiểm tra các bất thường như:

            • Sự hiện diện của khối u, u nang hoặc mô sẹo phía sau tử cung.
            • Độ nhạy đau khi chạm vào một số vị trí đặc biệt.

            Chẩn đoán hình ảnh

            Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vị trí, kích thước và mức độ tổn thương của mô lạc nội mạc tử cung:

            • Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm đầu dò âm đạo: Giúp phát hiện các khối u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng hoặc tổn thương vùng chậu.
            • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cung cấp hình ảnh chi tiết, cho phép bác sĩ phát hiện và đánh giá chính xác vị trí và mức độ lan rộng của mô lạc nội mạc tử cung, đặc biệt là các tổn thương dạng nốt sâu.
            • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hỗ trợ phát hiện các biến chứng như dính hoặc xâm lấn vào các cơ quan lân cận.

            Nội soi ổ bụng

            Nội soi ổ bụng là phương pháp được xem là chính xác nhất để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên bụng và đưa vào một ống nội soi có gắn camera, sau đó quan sát trực tiếp vị trí, kích thước và mức độ lan rộng của mô lạc nội mạc tử cung cũng như tình trạng dính, sẹo và các tổn thương khác trong vùng chậu. Nội soi ổ bụng không chỉ giúp chẩn đoán mà còn hỗ trợ can thiệp điều trị như bóc tách mô lạc nội mạc tử cung

            Sinh thiết mô

            Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ để tiến hành sinh thiết. Mẫu mô này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi nhằm xác nhận sự hiện diện của các tế bào nội mạc tử cung ở ngoài tử cung. Đây là bước quan trọng giúp đưa ra chẩn đoán phân biệt lạc nội mạc tử cung với các bệnh lý khác.

            lac-noi-mac-tu-cung-10

            Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

            8. Điều trị lạc nội mạc tử cung

            Hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung là bệnh mãn tính nên việc điều trị chủ yếu được sử dụng để làm giảm các triệu chứng chứ không phải để chữa khỏi bệnh.

            Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể có tác dụng phụ, đồng thời các triệu chứng liên quan đến lạc nội mạc tử cung đôi khi có thể tái phát sau khi kết thúc liệu trình điều trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả ở từng cá nhân, tính an toàn lâu dài, chi phí, tính khả dụng và và mong muốn sinh con của từng bệnh nhân.

            Các liệu pháp điều trị phổ biến:

            • Điều trị bằng thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid (NSAID) như Ibuprofen và Naproxen thường được dùng để kiểm soát cơn đau.
            • Điều trị bằng liệu pháp hormon:  Liệu pháp hormon giúp giảm lượng estrogen, ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt để giảm viêm, tổn thương ở tử cung và hỗ trợ giảm đau, bao gồm các thuốc tương tự GnRH hoặc thuốc đối vận GnRH, thuốc tránh thai progestin hoặc thuốc tránh thai kết hợp, miếng dán/que/đặt vòng tránh thai, Danazol,... Những phương pháp này có thể không phù hợp với phụ nữ có mong muốn mang thai.
            • Điều trị bằng phẫu thuật: Áp dụng trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa, bao gồm phẫu thuật nội soi cắt bỏ tất cả các tổn thương và dính lạc nội mạc tử cung. Phẫu thuật giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng và tăng khả năng mang thai cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp cơn đau tiếp diễn sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật cắt bỏ cắt bỏ buồng trứng, tử cung và cổ tử cung.
            lac-noi-mac-tu-cung-11

            Điều trị lạc nội mạc tử cung

            9. Phòng ngừa lạc nội mạc tử cung

            Hiện tại chưa có phương pháp nào được chứng minh hoàn toàn để ngăn ngừa bệnh lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể giúp giảm nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung, bao gồm:

            • Đã từng sinh con
            • Cho con bú kéo dài
            • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống
            • Thắt ống dẫn trứng
            • Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu Omega-3
            • Hoạt động thể chất thường xuyên

            Vì vậy, phụ nữ hãy chú ý thực hiện một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, phụ nữ hãy nâng cao nhận thức về lạc nội mạc tử cung, theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể và chủ động đi khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

            Tham khảo: 

            1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/endometriosis#:~:text=Overview,period%20and%20last%20until%20menopause.
            2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK567777/ 
            3. https://www.acog.org/womens-health/faqs/endometriosis 
            Share