Trật khớp háng bẩm sinh là một trong những dị tật xương khớp hiếm gặp, xuất hiện ngay từ giai đoạn sơ sinh và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại của trẻ. Tìm hiểu ngay nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị trật khớp háng bẩm sinh trong bài viết sau đây!
1. Trật khớp háng bẩm sinh là gì?
Trật khớp háng bẩm sinh thuộc nhóm bệnh lý loạn sản khớp háng bẩm sinh, là một dạng dị tật phát triển ở khớp háng ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Tình trạng này xảy ra khi chỏm xương đùi không nằm đúng vị trí trong ổ cối của xương chậu, khiến khớp háng bị lệch hoàn toàn hoặc một phần ra khỏi vị trí bình thường trong ổ khớp.
Theo thống kê, tỉ lệ mắc trật khớp háng bẩm sinh dao động từ 1/800 - 1/3.000 trẻ sơ sinh. Trẻ gái có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ trai (tỉ lệ khoảng 6:1). Trật khớp háng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên, trong đó thường gặp trật khớp háng bên trái hơn.
Trật khớp háng bẩm sinh có thể phát hiện ngay từ khi sinh ra, nhưng cũng có trường hợp chỉ biểu hiện sau một thời gian dài, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Dị tật này khá hiếm gặp nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động sau này của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh có thể lên tới 85% bằng phương pháp bảo tồn mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Trật khớp háng bẩm sinh thuộc nhóm bệnh lý loạn sản khớp háng bẩm sinh
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây trật khớp háng bẩm sinh
Nguyên nhân gây trật khớp háng bẩm sinh vẫn chưa được xác định rõ. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có liên quan đến cấu trúc giải phẫu bất thường của ổ cối xương chậu, khiến chỏm xương đùi không thể nằm đúng vị trí. Các nghiên cứu cho thấy, trong nhiều trường hợp, ổ cối của trẻ sơ sinh bị nông hơn bình thường, làm giảm sự ổn định của khớp háng. Bên cạnh đó, các dây chằng xung quanh khớp háng có thể bị kéo giãn hoặc lỏng lẻo quá mức, khiến chỏm xương đùi dễ bị trật ra khỏi ổ cối.
Ngoài ra, một số yếu tố sinh lý và di truyền cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Yếu tố di truyền: Gia đình có tiền sử bị trật khớp háng.
- Vị trí thai nhi trong bụng mẹ: Thai nhi nằm ở ngôi mông (mông hướng xuống dưới thay vì đầu) có nguy cơ bị trật khớp háng cao hơn so với các bé nằm ở tư thế thuận.
- Thiếu nước ối (thiểu ối): Nước ối đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thai nhi và giúp bé có đủ không gian để vận động. Khi lượng nước ối quá ít, thai nhi bị hạn chế cử động, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về khớp, bao gồm trật khớp háng bẩm sinh.
- Giới tính: Thống kê cho thấy, trẻ gái có nguy cơ mắc trật khớp háng bẩm sinh cao gấp 6 lần so với trẻ trai. Nguyên nhân có thể liên quan đến sự khác biệt về nội tiết tố và độ đàn hồi của dây chằng khớp háng.
- Nội tiết tố của mẹ: Trong giai đoạn cuối thai kỳ, cơ thể mẹ tiết ra hormone relaxin nhằm giúp dây chằng giãn ra để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên, hormone này cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi, làm lỏng lẻo khớp háng và tăng nguy cơ trật khớp háng bẩm sinh.
- Con đầu lòng: Trẻ đầu lòng có nguy cơ bị trật khớp háng cao hơn so với các bé sinh sau.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây trật khớp háng bẩm sinh
3. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh
Trật khớp háng bẩm sinh là một dị tật khó phát hiện sớm do trẻ sơ sinh không có biểu hiện đau đớn hay quấy khóc. Phần lớn các trường hợp chỉ được chẩn đoán khi trẻ bắt đầu tập đi, thấy trẻ đi tập tễnh và có dấu hiệu bất thường trong dáng đi. Do đó, cha mẹ cần quan sát trẻ tỉ mỉ ngay từ những tháng đầu đời.
Dấu hiệu nhận biết trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh:
- Chênh lệch chiều dài các chân, thấy rõ hơn khi trẻ duỗi thẳng chân.
- Nếp lằn mông, đùi của bên bị trật khớp thường dài, sâu hơn bên chân lành.
- Ở tư thế nằm duỗi, bàn chân bên bị trật khớp háng thường có xu hướng xoay ra ngoài.
- Trẻ sơ sinh bị trật khớp háng có thể gặp khó khăn khi duỗi hoặc dạng chân ra hai bên, gây khó khăn khi cha mẹ thay bỉm, tã, quần cho trẻ.
Dấu hiệu nhận biết trật khớp háng bẩm sinh khi trẻ lớn:
- Dáng đi bất thường, tập tễnh.
- Lệch vai, tư thế mất cân đối.
- Chân bên bị trật khớp thường yếu, hạn chế khả năng vận động.
- Dấu hiệu đẩy bụng về phía trước và lưng ưỡn quá mức.
Việc chẩn đoán trật khớp háng hai bên thường khó khăn hơn vì cả hai chân có biểu hiện giống nhau, không có sự chênh lệch rõ ràng về chiều dài chân hay nếp lằn mông. Tuy nhiên, khi trẻ lớn, trẻ có thể xuất hiện dấu hiệu ưỡn cột sống lưng quá mức, ảnh hưởng đến tư thế đi đứng và gây mệt mỏi khi di chuyển.

Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh
4. Trật khớp háng bẩm sinh có nguy hiểm không?
Trật khớp háng bẩm sinh không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ mà còn để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và can thiệp có thể khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng:
- Loạn sản phát triển ổ cối và chỏm xương đùi gây mất cân xứng chiều dài của chi.
- Chân dài, chân ngắn khiến trẻ di chuyển khó khăn, dễ té ngã, ảnh hưởng đến sự phát triển vận động và gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, dáng đi bất thường này còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của trẻ.
- Teo cơ, cứng khớp ở bên chân không được sử dụng thường xuyên.
- Vẹo cột sống, thoái hóa cột sống sớm.
- Thoái hóa khớp háng sớm khi trưởng thành.
- Biến dạng khung chậu ở trẻ gái, ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh nở về sau (sinh khó, tăng nguy cơ sinh mổ,...).
- Hoại tử chỏm xương đùi gây đau đớn kéo dài, hạn chế vận động vĩnh viễn và làm tăng nguy cơ phẫu thuật thay khớp háng sớm khi trẻ trưởng thành.

Trật khớp háng bẩm sinh có nguy hiểm không?
5. Chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh
Khi đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh cho trẻ dựa trên thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm và X-quang.
Thăm khám lâm sàng
- Nghiệm pháp Ortolani dương tính: Được thực hiện khi trẻ ở tư thế nằm ngửa, đầu gối gập 90 độ. Bác sĩ sẽ mở rộng hai đùi bé, đồng thời kéo nhẹ về phía trước để duỗi khớp háng. Nếu khớp háng bị trật, có thể nghe thấy tiếng lục cục (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).
- Nghiệm pháp Barlow: Bác sĩ sẽ gập khớp háng của trẻ bằng cách kéo đầu gối ra ngoài đồng thời đẩy đùi về phía sau. Nếu khớp háng bị trật, có thể nhìn thấy đầu xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp, nghe thấy tiếng “cụp” hoặc lạo xạo.
- Các dấu hiệu bất thường: Nếp lằn mông bất cân xứng, chiều dài chi không đều nhau.
Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm khớp háng (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi): Đây là phương pháp an toàn, không xâm lấn, giúp phát hiện bất thường về cấu trúc ổ cối và vị trí chỏm xương đùi. Siêu âm đặc biệt hữu ích trong giai đoạn sơ sinh khi xương chưa hoàn toàn cốt hóa.
- Chụp X-quang (đối với trẻ trên 6 tháng tuổi): Xác định rõ ràng độ lệch vị trí chỏm xương đùi, hình thái ổ cối và mức độ loạn sản khớp. Hỗ trợ đánh giá mức độ phát triển của khớp háng để có phương án điều trị phù hợp.

Chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh
6. Phương pháp điều trị trật khớp háng bẩm sinh
Việc điều trị trật khớp háng bẩm sinh cần được thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo khớp háng của trẻ phát triển bình thường, tránh biến chứng lâu dài. Tùy vào độ tuổi của trẻ và mức độ trật khớp, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp:
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: Điều trị bằng nẹp chỉnh hình, tỷ lệ thành công lên tới 95%.
- Trẻ 6 - 18 tháng: Kết hợp nắn chỉnh và bó bột cố định cho trẻ, ngoài ra có thể phải phẫu thuật trong một số trường hợp.
- Trẻ trên 18 tháng tuổi: Có thể phải phẫu thuật kết hợp phục hồi chức năng cho trẻ.
Cụ thể về các biện pháp điều trị trật khớp háng bẩm sinh:
6.1. Phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh
Phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh lấy lại khả năng vận động bình thường. Nếu được phát hiện sớm (tốt nhất trong khoảng 1 - 4 tháng tuổi) và áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu phù hợp, trẻ có thể phục hồi với tỷ lệ thành công lên đến 96%, giảm thiểu nguy cơ biến chứng lâu dài.
Trẻ dưới 1 tháng tuổi có khả năng phục hồi tốt nhất nhờ tư thế ngủ tự nhiên và ít vận động. Cha mẹ hãy cố gắng duy trì tư thế co đầu gối và dạng hai chân của trẻ ra ngoài, có thể hỗ trợ bằng cách:
- Đóng bỉm rộng hoặc đặt một miếng đệm để hỗ trợ trẻ dạng khớp háng ra.
- Địu hoặc cõng trẻ đúng cách theo dáng dang rộng chân.
- Cho trẻ nằm sấp khi ngủ (tuy nhiên cần lưu ý tư thế nằm để tránh trẻ bị ngạt).
Việc điều trị này cần kéo dài cho đến khi kết quả chụp X-quang/siêu âm của trẻ cho thấy xương đùi đã ở vị trí bình thường.

Phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh
6.2. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp nẹp cố định và bó bột chỉnh hình. Các biện pháp này mang lại hiệu quả cao nếu được áp dụng sớm, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời của trẻ.
Sử dụng nẹp cố định khớp háng
Nẹp là lựa chọn phổ biến trong điều trị trật khớp háng bẩm sinh, giúp định vị lại xương đùi trong ổ cối, tạo điều kiện cho hệ xương khớp phát triển bình thường. Một số loại nẹp được sử dụng gồm:
- Nẹp Pavlik Harness: Nẹp Pavlik là loại nẹp đai mềm, được đánh giá là hiệu quả nhất, giúp giữ khớp háng ở tư thế thích hợp mà vẫn đảm bảo trẻ có thể cử động thoải mái.
- Nẹp kiểu gối Freijke: Thích hợp cho những trường hợp khớp háng lỏng lẻo, giúp cố định mà không gây khó chịu.
- Nẹp xốp mềm: Được thiết kế riêng theo kích thước của trẻ để đảm bảo hiệu quả điều trị, thường được sản xuất và điều trị tại các khoa phục hồi chức năng.
Thời gian đẹp nẹp: từ sơ sinh đến 1 tuổi.
- Trẻ dưới 6 tháng: Đẹo cả ngày lẫn đêm.
- Trẻ trên 6 tháng: Đẹp nẹp duy trì vào ban đêm.
Bó bột chỉnh hình
Trong trường hợp nẹp không mang lại kết quả như mong đợi, bó bột được áp dụng để cố định khớp háng trong vị trí tối ưu nhất. Bó bột được chỉ định cho tất cả trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh và được chẩn đoán trước 6 tháng tuổi.
Quy trình bó bột:
- Chuẩn bị nguyên liệu: Bó bột sử dụng vải cotton, giấy vệ sinh và bột bó, kết hợp thuốc giảm đau và khử trùng để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Cố định tư thế: Trẻ được đặt trên bàn bó bột, bộc lộ vùng thắt lưng và chi dưới để dễ dàng thực hiện.
- Điều chỉnh xương đùi: Bác sĩ sẽ dịch chuyển nhẹ nhàng xương đùi về vị trí đúng trước khi tiến hành bó bột.
Lưu ý khi điều trị bảo tồn theo độ tuổi
- Trẻ sơ sinh đến 6 tháng: Sử dụng đai Pavlik trong 1 - 3 tháng để cố định khớp háng mà vẫn đảm bảo khả năng cử động tự nhiên. Nếu cần, có thể chuyển sang bó bột để hỗ trợ thêm.
- Trẻ từ 6 tháng đến 2 năm tuổi: Áp dụng phương pháp nắn chỉnh kín kết hợp bó bột. Trong giai đoạn này, trẻ đã lớn, hệ gân cơ đã phát triển nên bác sĩ có thể sử dụng phương pháp kéo da để giúp xương đùi vào đúng vị trí, đồng thời kéo giãn mô mềm quanh khớp háng trước khi cố định xương.

Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp nẹp cố định và bó bột chỉnh hình
6.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định trong những trường hợp:
- Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn như đeo đai Pavlik hoặc bó bột.
- Trẻ trên 2 tuổi có cấu trúc khớp háng bị biến dạng nghiêm trọng, đòi hỏi can thiệp chỉnh hình để khắc phục.
- Phát hiện muộn khi trẻ đã biết đi, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, đi lại khập khiễng hoặc mất cân bằng dáng đi.
Ở độ tuổi nhỏ, phẫu thuật trị trật khớp háng bẩm sinh cho trẻ thường đơn giản, có khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên, khi trẻ đã biết đi hoặc trẻ trên 10 tuổi, khả năng phục hồi của trẻ sẽ kém hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn.
Các phương pháp phẫu thuật phổ biến
Phẫu thuật mổ mở tái định vị khớp háng
Đây là phương pháp phổ biến nhất, thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Thông qua một đường mổ nhỏ ở vùng hông, bác sĩ sẽ tiếp cận và đưa chỏm xương đùi về vị trí ổ cối. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng có thể điều chỉnh mô mềm xung quanh để giúp khớp ổn định hơn. Sau phẫu thuật, trẻ sẽ được bó bột để giữ khớp ở vị trí thích hợp trong quá trình hồi phục.
Phẫu thuật cắt xương chỉnh hình
Trong một số trường hợp, đặc biệt là trẻ trên 2 tuổi hoặc trẻ phát hiện bệnh muộn, bác sĩ có thể chỉ định cắt xương chỉnh hình để giúp khớp háng về đúng vị trí. Có hai kỹ thuật phổ biến:
- Cắt xương đùi: Được thực hiện khi xương đùi dài hơn mức cần thiết, gây lệch trục khớp háng. Bác sĩ sẽ rút ngắn và điều chỉnh vị trí xương để đảm bảo khớp háng được đặt đúng vào ổ cối.
- Cắt xương chậu: Khi ổ cối phát triển bất thường hoặc quá nông, bác sĩ sẽ thực hiện cắt xương chậu để tái tạo lại cấu trúc, giúp khớp háng ổn định hơn.

Phẫu thuật cho trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh
7. Cách phòng ngừa trật khớp háng bẩm sinh
Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa tuyệt đối nào đối với tình trạng trật khớp háng bẩm sinh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ và phát hiện sớm tình trạng này bằng các biện pháp chủ động sau:
- Khám thai định kỳ đúng lịch. Nếu có yếu tố nguy cơ cao như mẹ bị thiếu nước ối, thai ngôi mông, tiền sử gia đình có người mắc trật khớp háng bẩm sinh, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm chuyên sâu để tầm soát sớm.
- Khám sàng lọc ngay sau sinh để phát hiện dấu hiệu bất thường.Trẻ sinh ngôi mông, sinh đôi hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh cần được theo dõi chặt chẽ hơn.
- Theo dõi chặt chẽ sự phát triển hệ vận động của trẻ và đưa trẻ đi khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường.
Tóm lại, trật khớp háng bẩm sinh có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ. Phát hiện trật khớp háng bẩm sinh càng sớm, khả năng điều trị thành công càng cao. Nếu được can thiệp trước 6 tháng tuổi, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám chuyên khoa nếu nghi ngờ có bất thường về khớp háng.