125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Triệu chứng nhiễm RSV: Dấu hiệu cảnh báo cha mẹ không nên bỏ qua

            Triệu chứng nhiễm RSV: Dấu hiệu cảnh báo cha mẹ không nên bỏ qua

            THAI THINH MEDIC
            27/05/2025

            Triệu chứng nhiễm RSV thường khởi phát giống cảm lạnh thông thường nhưng có thể tiến triển nhanh và gây biến chứng nguy hiểm, nhất là ở trẻ sơ sinh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đặc trưng giúp bố mẹ chủ động chăm sóc và đưa con đi khám kịp thời, tránh để bệnh chuyển nặng. Đọc ngay bài viết sau để lưu ý các triệu chứng nhiễm RSV ngay cha mẹ nhé!

            1. RSV là virus gì?

            RSV là viết tắt của Respiratory Syncytial Virus - virus hợp bào hô hấp, một loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Đây là tác nhân hàng đầu gây viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản và viêm phổi ở trẻ em. Khi nhiễm RSV, trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

            Virus RSV có tốc độ lây lan rất nhanh qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Virus có khả năng tồn tại nhiều giờ trên bề mặt đồ vật như đồ chơi, bàn ghế, khăn tay, tạo điều kiện cho trẻ vô tình đưa mầm bệnh vào cơ thể khi chạm tay lên mặt, mắt, mũi.

            Tại Việt Nam, RSV thường bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa đông - xuân và xuân - hè. Trẻ em trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, lớp mẫu giáo là nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus do dễ tiếp xúc với nguồn lây. Đáng chú ý, sau khi nhiễm virus, người bệnh có thể mất từ 2 - 8 ngày mới xuất hiện triệu chứng, khiến việc phát hiện và cách ly gặp khó khăn.

            Không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, RSV cũng có thể gây bệnh ở người lớn, đặc biệt là người già hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Virus có khả năng tiếp tục lây truyền ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm, đôi khi kéo dài đến vài tuần – khiến việc kiểm soát dịch trở nên thách thức hơn.

            trieu-chung-nhiem-rsv-1

            RSV là virus gì?

            2. Triệu chứng nhiễm RSV

            Virus hợp bào hô hấp RSV là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Các triệu chứng nhiễm RSV của trẻ có thể xuất hiện vào khoảng ngày thứ 4 - 7 sau khi nhiễm virus [1]

            Cụ thể, các biểu hiện viêm đường hô hấp trên khi nhiễm RSV thường gặp:

            • Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có thể dao động từ 37,5°C đến trên 38,5°C.
            • Hắt hơi, sổ mũi.
            • Ho khan hoặc ho có đờm, đau họng.
            • Đau đầu, mệt mỏi.
            • Trẻ trở nên cáu gắt, ngủ không sâu, bú ít hoặc bỏ bú.

            Diễn biến bệnh ở từng trẻ là khác nhau và không theo quy luật nào. Trẻ có thể có biểu hiện nhẹ như cảm lạnh nhưng cũng có thể trở nặng nhanh chóng thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi nếu không được phát hiện và xử trí sớm. Các dấu hiệu tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới ở trẻ:

            • Khó thở
            • Khò khè
            • Thở nhanh, thở gấp
            • Co thắt phế quản
            • Ngưng thở (ngưng thở trên 10 giây ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi)
            • Có dấu hiệu mất nước như khóc không ra nước mắt, mắt trũng, da khô nhăn, không đi tiểu trong vòng 6 giờ

            Không phải trẻ nào nhiễm RSV cũng gặp triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhóm trẻ sau dễ bị biến chứng nặng và cần được theo dõi sát [2]:

            • Trẻ sơ sinh.
            • Trẻ đẻ non, nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng.
            • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, hen phế quản, bệnh phổi mạn tính.
            • Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu (đang điều trị ung thư, ghép tạng…).
            • Trẻ mắc bệnh xơ nang, hội chứng Down,bại não,...

            Với những trẻ thuộc nhóm nguy cơ, bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng, gây suy hô hấp và các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

            Các bệnh viêm đường hô hấp dưới do RSV như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hay viêm phổi có thể khiến trẻ suy kiệt, tím tái, suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, mắc bệnh phổi nghiêm trọng trong giai đoạn sơ sinh do RSV có thể dẫn đến nhiều hậu quả về lâu dài cho trẻ như suy giảm sức khỏe hô hấp, mắc hen suyễn tái phát và tăng tỷ lệ nhập viện do bệnh hô hấp [1].

            trieu-chung-nhiem-rsv-2

            Triệu chứng nhiễm RSV

            3. Phân biệt triệu chứng nhiễm RSV với cảm lạnh, cảm cúm

            Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, cảm lạnh và cảm cúm đều là các bệnh lý viêm đường hô hấp thường gặp nhưng có những đặc điểm khác nhau về mức độ nguy hiểm, thời điểm mắc bệnh và triệu chứng đi kèm. Sau đây là bảng so sánh giúp cha mẹ dễ dàng nhận biết và phân biệt:

            Tiêu chí

            RSV

            Cảm lạnh

            Cảm cúm

            Tác nhân gây bệnh

            Virus hợp bào hô hấp (RSV)

            Virus

            Virus cúm

            Thời điểm dễ mắc

            Mùa đông và đầu mùa xuân

            Quanh năm, tăng nhẹ vào mùa lạnh và mùa mưa

            Mùa đông – đầu xuân, dễ bùng phát thành dịch

            Khởi phát triệu chứng

            Diễn tiến từ nhẹ đến nặng, tăng nhanh sau 2 - 3 ngày đầu

            • Sốt nhẹ hoặc sốt cao
            • Hắt hơi, sổ mũi
            • Ho khan hoặc ho có đờm, đau họng
            • Đau đầu, mệt mỏi

            Triệu chứng xuất hiện từ từ:

            • Ngứa họng, sau vài ngày họng sưng và đau họng
            • Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi
            • Ho khan, khàn giọng
            • Sốt nhẹ

            Triệu chứng xuất hiện từ từ hoặc dữ dội:

            • Sốt, có thể sốt cao
            • Cảm giác ớn lạnh
            • Nhức đầu, chóng mặt
            • Ăn không ngon
            • Ho, đau họng
            • Chảy nước mũi
            • Đau nhức cơ bắp, yếu ớt
            • Đau tai
            • Có thể tiêu chảy

            Mức độ nguy hiểm

            Mức độ nguy hiểm cao ở trẻ nhỏ, dễ gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong nhanh do suy hô hấp.

            Thường nhẹ, ít biến chứng

            Có thể gây biến chứng nặng (viêm phổi, viêm tai, viêm cơ tim) nếu không được điều trị kịp thời, nhất là ở các đối tượng như trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh mạn tính, hen phế quản, phụ nữ có thai,...

            Thời gian kéo dài

            7 - 14 ngày, có thể lâu hơn nếu bị biến chứng

            3 - 7 ngày

            7 - 10 ngày, nhưng có thể mệt mỏi kéo dài đến vài tuần

            Điều trị đặc hiệu

            Điều trị triệu chứng

            Chưa có vắc xin phòng ngừa tại Việt Nam


             

            Tự khỏi, chăm sóc tại nhà

            Có thuốc kháng virus, vắc xin phòng cúm


             

            4. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

            Viêm tiểu phế quản do virus RSV đa phần có thể tự hồi phục sau 5 - 7 ngày nếu trẻ khỏe mạnh và được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh đang chuyển nặng và trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh nguy cơ suy hô hấp như sau [2]:

            • Sốt cao
            • Co giật
            • Da tím tái, môi tím
            • Thở nhanh
            • Khó thở, thở rút lõm ngực

            Những trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, hen phế quản, bệnh phổi mạn tính có nguy cơ biến chứng cao hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được theo dõi và can thiệp phù hợp theo phác đồ chuyên biệt ngay cả khi triệu chứng còn nhẹ.

            Với những trường hợp viêm tiểu phế quản mức độ nhẹ, trẻ vẫn bú, chơi bình thường, thở đều, không tím tái – cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

            • Theo dõi sát nhịp thở và biểu hiện toàn trạng của trẻ.
            • Vỗ rung nhẹ lưng giúp long đờm.
            • Giữ ấm cơ thể và giữ cho không khí xung quanh sạch, ẩm.
            trieu-chung-nhiem-rsv-4

            Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

            5. Phòng ngừa RSV: bảo vệ bé yêu ngay từ hôm nay

            Virus RSV rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Vì thế, phòng ngừa luôn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe hô hấp cho trẻ:

            • Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trong các thời điểm: trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi đi học, chơi ngoài trời về.
            • Hướng dẫn trẻ che miệng khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay để hạn chế giọt bắn phát tán. Tránh đưa tay bẩn lên mắt, mũi, miệng.
            • Không nên để trẻ tiếp xúc gần với người lớn hoặc trẻ khác đang có triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu trong nhà có người bệnh, cần hạn chế tiếp xúc gần trẻ, đeo khẩu trang khi chăm sóc và thường xuyên rửa tay trước khi bế bồng, cho trẻ ăn uống.
            • Tránh đưa trẻ đến nơi công cộng, không gian kín đông người như trung tâm thương mại, nhà trẻ, lễ hội,...
            • Vệ sinh, tiệt trùng các đồ chơi, dụng cụ ăn uống của trẻ.
            • Vệ sinh môi trường sống của trẻ thường xuyên, làm sạch các bề mặt trẻ hay tiếp xúc. Hạn chế tối đa khói thuốc lá, khói bếp, bụi mịn trong khu vực trẻ sinh hoạt.
            • Chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, ưu tiên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
            • Thực hiện lịch tiêm chủng mở rộng đúng và đủ để bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm khác.
            • Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, không tự ý điều trị tại nhà mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ sớm.
            trieu-chung-nhiem-rsv-5

            Phòng ngừa RSV: bảo vệ bé yêu ngay từ hôm nay

            Hiểu đúng về RSV là bước đầu để cha mẹ an tâm đồng hành cùng con trong giai đoạn phát triển đầu đời. Hy vọng những thông tin về triệu chứng nhiễm RSV và cách phòng ngừa RSV trên đây sẽ giúp cha mẹ chủ động bảo vệ bé yêu một cách khoa học và hiệu quả nhất.

            Thông tin tham khảo:

            1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/respiratory-syncytial-virus-(rsv) 

            2. https://benhviennhitrunguong.gov.vn/infographic-nhiem-virus-rsv-o-tre-luu-y-nhom-doi-tuong-de-tien-trien-nang-va-huong-dan-cham-soc-tai-nha-doi-voi-tre-benh-nhe.html 

            Share