Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời. Tìm hiểu ngay dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp và cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau!
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn hệ thống, đặc trưng bởi viêm khớp và tổn thương ngoài khớp gây ra bởi những rối loạn trong hệ miễn dịch. Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ảnh hưởng từ các khớp ngoại vi nhỏ như ngón tay, cổ tay, ngón chân và có tính đối xứng ở hai bên cơ thể. Tuy nhiên, bệnh ít ảnh hưởng đến cột sống, chủ yếu liên quan đến cột sống cổ có các khớp hoạt dịch. Viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở độ tuổi sáu mươi, trong đó nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần nam giới.
Nếu không được kiểm soát kịp thời, viêm khớp có thể tiến triển nghiêm trọng, dẫn đến biến dạng khớp, gây khó khăn khi đi đứng và vận động, khiến người bệnh giảm chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, bệnh không chỉ giới hạn ở khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, phổi, da và mắt, khiến người bệnh đối diện với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh, giúp người bệnh duy trì cuộc sống khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ tàn phế.

Viêm khớp dạng thấp đặc trưng bởi viêm khớp và tổn thương ngoài khớp
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn. Các kháng nguyên miễn dịch từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể tác động và gây khởi phát các chuỗi phản ứng miễn dịch, tấn công và phá hủy các tế bào sụn khớp, khiến khớp biến dạng và suy giảm chức năng.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa các yếu tố di truyền học và yếu tố môi trường với sự khởi phái bệnh viêm khớp dạng thấp. Cụ thể:
Yếu tố di truyền
Những người trong gia đình có thành viên mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Yếu tố di truyền đóng góp khoảng 40-65% nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính và 20% đối với huyết thanh âm tính. Những đa hình di truyền ở một số gen nhất định đã được xác định làm tăng nguy cơ gây bệnh và khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường liên quan đến viêm khớp dạng thấp khác.
Yếu tố môi trường
Các chất như silica, amiăng và bụi công nghiệp cũng được chứng minh có khả năng kích hoạt phản ứng viêm tự miễn ở các khớp. Ngoài ra, một số yếu tố như người sống trong môi trường lạnh ẩm kéo dài cũng có liên quan đến viêm khớp dạng khấp.
Yếu tố về lối sống
Hút thuốc lá kéo dài làm gia tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp, đặc biệt ở những người mang các gen nhạy cảm. Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì và ít vận động cũng là yếu tố quan trọng, không chỉ tăng nguy cơ mắc mà còn góp phần làm trầm trọng tiến triển bệnh. Chất béo dư thừa kích thích tổng hợp cytokine viêm, gây tăng mức độ viêm toàn thân và đối kháng insulin.
Yếu tố về nội tiết
Tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ cao gấp 2-3 lần so với nam giới, gợi ý rằng hormone giới tính đóng vai trò nhất định trong bệnh sinh học RA. Các yếu tố như thai kỳ, sinh nở và mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
Một số yếu tố liên quan khác
- Hệ vi sinh vật đường ruột chơi một vai trò quan trọng trong cơ chế miễn dịch của cơ thể. Ở người bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ vi khuẩn đường ruột bị thay đổi đáng kể, có sự gia tăng các loài vi khuẩn như Collinsella, Actinobacteria, và Faecalibacterium. Collinsella làm thay đổi tính thẩm thấu của ruột, từ đó kích hoạt cơ chế viêm và thúc đẩy làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Các loại thuốc như thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đối với các khớp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh nha chu cũng là một yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp. Bệnh nha chu thường do vi khuẩn Porphyromonas gingivalis (P. gingivalis) gây ra. Vi khuẩn có khả năng tạo các enzym chuyển đổi arginine thành citrulline. Quá trình này dẫn đến hình thành kháng thể ACPA - một dấu ấn sinh học quan trọng trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn do nhiều yếu tố
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp rất đa dạng và có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng có thể diễn ra âm ỉ nhưng cũng có thể khởi phát theo từng viêm khớp cấp.
Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu với các triệu chứng như sưng, đau âm ỉ ở các khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay và bàn chân, có tính chất đối xứng và lan tỏa. Cơn đau có thể âm ỉ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng trước khi lan rộng đến các khớp lớn hơn như đầu gối, khuỷu tay, vai và khớp háng. Cơn đau khớp diễn ra liên tục cả ngày, tăng lên về đêm và sáng, không đỡ đau khi nghỉ ngơi.
Các triệu chứng tại khớp khác:
- Cứng khớp, đặc biệt là khi ngồi yên trong thời gian dài hoặc vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (thường kéo dài trên 1 giờ). Triệu chứng xuất hiện đột ngột và hết nhanh.
- Đau khi ấn vào khớp hoạc khi vận động.
- Màng hoạt dịch khớp dày lên.
- Khớp sưng đau, nóng nhưng ít khi tấy đỏ, thường do tràn dịch khớp hoặc sưng phần mềm.
- Phạm vi chuyển động của khớp giảm. Với khớp bàn tay, biểu hiện sức cầm nắm giảm.
- Khớp co rút ở tư thế gấp để giảm đau do căng bao khớp. Lâu dài có thể dẫn đến biến dạng ở khớp như lệch trụ ngón tay, ngón tay hình cổ cò, bàn tay gió thổi, hội chứng ống cổ tay, biến dạng Boutonniere, cổ tay hình lưng lạc đà,....
- Xuất hiện một hoặc vài hạt thấp khớp dưới da: Hạt thấp khớp ít di động, kích thước vài mm đến 2cm ở các vị trí như mỏm khủy, khớp tay, chân, xương bánh chè và gân Achilles. Thường gặp ở người bệnh có thể huyết thanh dương tính, tình trạng nặng, tiến triển nhanh.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy nhược, chán ăn và sụt cân do viêm khớp kéo dài, đôi khi sốt nhẹ trong các cơn viêm khớp cấp.

Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp rất đa dạng và có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp dựa trên triệu chứng, kết quả xét nghiệm sinh hóa và huyết thanh học cùng kết quả chẩn đoán hình ảnh.
Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng xuất hiện trong ít nhất 6 tuần.
- Cứng khớp buổi sáng
- Viêm khớp ở 3 khớp trở lên
- Viêm khớp đối xứng
- Viêm ở bàn tay,...
Xét nghiệm sinh hóa và huyết thanh học
- Yếu tố dạng thấp huyết thanh (RF)
- Xét nghiệm ACPA
- Xét nghiệm máu: tốc độ máu lắng, số lượng bạch cầu, tiểu cầu, protein phản ứng C (CRP)
- Xét nghiệm dịch hoạt dịch: số lượng bạch cầu
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang: Đánh giá tổn thương ở sụn và xương.
- Siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá tình trạng màng hoạt dịch.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp hiện nay đang được áp dụng phổ biến là tiêu chuẩn ACR/EULAR năm 2010:
Số lượng khớp tổn thương:
- 2 - 10 khớp lớn (các khớp vai, khuỷu tay, hông, đầu gối và mắt cá chân) = 1 diểm
- 1 - 3 khớp nhỏ (khớp xương bàn tay, khớp liên đốt ngón tay gần, khớp xương bàn chân thứ hai đến thứ năm, khớp liên đốt ngón tay cái và cổ tay) = 2 điểm
- 4 - 10 khớp nhỏ = 3 điểm
- > 10 khớp (bao gồm ít nhất 1 khớp nhỏ) = 5 điểm
Xét nghiệm huyết thanh học:
- RF và ACPA âm tính = 0 điểm
- RF hoặc ACPA dương tính thấp = 2 điểm
- RF hoặc ACPA dương tính cao = 3 điểm
Xét nghiệm sinh hóa: tốc độ máu lắng hoặc protein phản ứng C tăng = 1 điểm
Thời gian xuất hiện triệu chứng: ≥ 6 tuần = 1 điểm
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp khi đạt ≥ 6/10 điểm.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Có thể chữa khỏi viêm khớp dạng thấp không?
Viêm khớp dạng thấp (RA) không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn, dẫn đến tàn phế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Không chỉ vậy, viêm khớp dạng thấp còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý nghiêm trọng khác như bệnh mạch vành, bệnh phổi và các bệnh lý ung thư như u lympho B. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân RA chủ quan, không đi khám định kỳ hoặc tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh tiến triển nhanh, gây biến chứng nặng nề.
Phát hiện và điều trị viêm khớp dạng thấp sớm có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng, duy trì khả năng lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám khi có dấu hiệu sưng đau khớp kéo dài, tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và kết hợp điều trị với lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học.
Biến chứng của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên toàn cơ thể.
- Tổn thương trên xương khớp: Tàn phế, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương; ngoài ra còn có thương tổn cột sống cổ gây chèn ép tủy cổ.
- Tổn thương trên mắt: Viêm khô kết mạc, viêm củng mạc, nhuyễn củng mạc, hội chứng Sjogren, có thể gây giảm thị lực nếu không được xử lý kịp thời.
- Tổn thương phổi: Xơ phổi kẽ lan tỏa, có thể gặp viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
- Tổn thương tim mạch: Viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, viêm van tim và viêm mạch máu. Làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
- Thần kinh: Một số trường hợp có thể gặp viêm đơn hoặc đa dây thần kinh gây tê bì, mất cảm giác hoặc yếu cơ do tổn thương thần kinh ngoại biên, tuy nhiên hiếm gặp.
- Hội chứng Felty: Gây giảm bạch cầu và lách to, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mãn tính và tái phát.
- Trầm cảm: Do mệt mỏi và suy nhược kéo dài.

Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên toàn cơ thể.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Mục tiêu chính trong điều trị viêm khớp dạng thấp là kiểm soát quá trình viêm, ngăn ngừa hư hại khớp, bảo vệ chức năng khớp và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Điều này đòi hỏi một chiến lược điều trị toàn diện, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tư vấn và giáo dục người bệnh thay đổi lối sống.
Thuốc điều trị cơ bản
Thuốc DMARDs là nền tảng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, giúp kiểm soát bệnh và bảo tồn chức năng khớp. Trong điều trị viêm khớp dạng thấp, các bác sĩ thường chỉ định phối hợp các thuốc điều trị cơ bản (DMARDs) và các thuốc điều trị triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Việc sử dụng thuốc phải duy trì nhiều năm, thậm chí là suốt đời và cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các tác dụng phụ và nguy cơ biến chứng.
Thuốc DMARDs kinh điển
Các thuốc DMARDs kinh điển bao gồm Methotrexate (MTX), Hydroxychloroquine, Sulfasalazine, Leflunomide, và Cyclosporine A. Trong đó, Methotrexate được coi là thuốc đầu tay, đóng vai trò then chốt trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Methotrexate thường được phối hợp với các thuốc chống sốt rét tổng hợp như Hydroxychloroquine trong giai đoạn điều trị đầu tiên (thường là trong 5 năm đầu), sau đó có thể sử dụng MTX đơn độc nếu bệnh ổn định. Phác đồ này được khuyến khích tại Việt Nam do hiệu quả, ít tác dụng không mong muốn và chi phí hợp lý.
Thuốc DMARDs sinh học
Khi người bệnh có yếu tố tiên lượng nặng như nồng độ RF hoặc ACPA cao hay tình trạng hủy khớp rõ rệt, mức độ hoạt động bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc DMARDs sinh học, bao gồm:
- Chất ức chế TNF-alpha (Infliximab, Adalimumab, Golimumab,...)
- Thuốc ức chế Interleukin 6 (Tocilizumab, Sarilumab)
- Kháng thể đơn dòng ức chế tế bào B (Rituximab)
- Thuốc ức chế Janus kinase (Tofacitinib, Baricitinib và Upadacitinib)
- Thuốc ức chế hoạt hóa tế bào T (Abatacept)
Các thuốc sinh học này giúp kiểm soát nhanh chóng triệu chứng và giảm sự hủy hoại khớp. Điều trị với thuốc sinh học thường được kết hợp với Methotrexate để tăng hiệu quả và giảm nguy cơ kháng thuốc.
DMARDs sinh học mang lại hiệu quả cao, tác dụng nhanh và dung nạp tốt. Tuy nhiên, các thuốc này cũng có nguy cơ gây tác dụng phụ nghiêm trọng như nhiễm trùng cơ hội (lao, viêm gan B và C) và một số loại ung thư. Do đó, trước khi bắt đầu điều trị bằng DMARDs sinh học, người bệnh cần được sàng lọc kỹ càng, bao gồm kiểm tra tình trạng tiêm chủng, xét nghiệm viêm gan, lao, xét nghiệm phản ứng dị ứng và các bệnh lý tiềm ẩn khác.

Thuốc DMARDs là nền tảng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, giúp kiểm soát bệnh và bảo tồn chức năng khớp.
Thuốc điều trị triệu chứng
Thuốc điều trị triệu chứng giúp làm giảm viêm, giảm đau và giảm sưng, hỗ trợ bệnh nhân trong việc kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Các loại thuốc điều trị triệu chứng phổ biến bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và glucocorticoid. Việc lựa chọn thuốc phù hợp phụ thuộc vào mức độ hoạt động của bệnh và tình trạng của từng bệnh nhân.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID có tác dụng giảm viêm và đau hiệu quả, giúp người bệnh giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống trong quá trình điều trị. Các thuốc NSAID nhóm ức chế chọn lọc COX - 2 được ưu tiên, nhất là khi người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài, nhằm giảm nguy cơ tác dụng phụ trên hệ tim mạch và tiêu hóa.
Các thuốc NSAIDs thường được sử dụng bao gồm:
- Hiệu quả: Indomethacin, Piroxicam.
- Tiện lợi (1-2 liều/ngày): Meloxicam, Naproxen, Celecoxib, Nabumetone.
- An toàn tổng thể: Nabumetone.
- An toàn đường tiêu hóa: Celecoxib, Nabumetone.
- An toàn cho thận: Nabumetone.
- An toàn huyết học (không có tác dụng chống tiểu cầu): Celecoxib, Meloxicam, Nabumetone.
Thuốc Corticosteroid
Corticosteroid (Prednisone, Prednisolone,...) được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp trong các đợt viêm bùng phát hoặc khi cần dùng làm liệu pháp bắc cầu trong khi chờ đợi thuốc DMARDs phát huy tác dụng trong giai đoạn đầu của bệnh.
Tuy có tác dụng nhanh nhưng việc sử dụng corticosteroid lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng cân, loãng xương và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, việc dùng corticosteroid cần phải thận trọng và theo dõi chặt chẽ.

Thuốc điều trị triệu chứng hỗ trợ bệnh nhân trong việc kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Các phương pháp điều trị khác
- Điều trị hỗ trợ: Thuốc chống loãng xương nhóm Biphosphonat cho người bệnh sử dụng Glucocorticoid trên 1 tháng; thuốc chống thoái hóa khớp như Glucosamine Sulfate, Diacerhine; thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như thuốc ức chế bơm proton của người bệnh có nguy cơ cao.
- Phục hồi chức năng: Người bệnh nên tập luyện cơ bản và tập vật lý trị liệu để duy trì phạm vi vận động của khớp, chống teo cơ và dính khớp, đồng thời tránh đứng, ngồi quá lâu hoặc vận động quá mức ở các khớp bị tổn thương. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng châm cứu hoặc sử dụng thuốc nam theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ giảm viêm và giảm liều các thuốc chống viêm điều trị triệu chứng đang sử dụng.
- Điều trị ngoại khoa: Nội soi rửa khớp được chỉ định cho các trường hợp viêm kéo dài để giảm tràn dịch và viêm khớp, thường áp dụng trên khớp gối. Ở người bệnh bị tổn thương nặng ở các khớp lớn như khớp háng hay khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay khớp. Với các khớp nhỏ thường áp dụng phẫu thuật chỉnh hình, cắt màng hoạt dịch để người bệnh có thể cải thiện chức năng vận động.
- Thay đổi lối sống: Người bệnh cần kết hợp điều trị với chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu chất chống oxy hóa, áp dụng lối sống lành mạnh như cai thuốc lá, ngủ đủ giấc và giảm stress để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Viêm khớp dạng thấp không chỉ là vấn đề khớp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Hãy tìm hiểu về các phương pháp điều trị phù hợp để giảm thiểu các triệu chứng và duy trì chất lượng sống, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất bạn nhé!