Viêm quanh móng là gì?
Viêm quanh móng là tình trạng nhiễm trùng ở nếp gấp gần gốc và hai bên móng tay hoặc móng chân, bao gồm cả các vùng mô bao quanh gốc móng và hai bên móng. Bệnh có thể tự phát hoặc thứ phát sau chấn thương hay các tác động cơ học lên móng. Viêm quanh móng là một trong những dạng nhiễm trùng phổ biến nhất ở bàn tay. Viêm quanh móng là kết quả của việc hàng rào bảo vệ giữa móng và nếp gấp móng bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Viêm quanh móng cấp tính thường chỉ thường chỉ ảnh hưởng đến một móng. Tuy nhiên, nếu viêm móng do thuốc, bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều móng cùng lúc.

Viêm quanh móng là tình trạng nhiễm trùng ở nếp gấp gần gốc và hai bên móng.
Nguyên nhân gây viêm móng
Viêm quanh móng được phân loại theo triệu chứng:
- Viêm quanh móng cấp tính: Kéo dài dưới 6 tuần, thường gây đau và mưng mủ, chủ yếu do nhiễm khuẩn, đặc biệt là tụ cầu khuẩn (staphylococci).
- Viêm quanh móng mạn tính: Thường do các tác nhân cơ học, hóa học hoặc do nhiễm nấm, đặc biệt là nấm Candida. Các yếu tố nguy cơ của viêm quanh móng mạn tính có thể kể đến như nghề nghiệp (rửa bát, pha chế, làm việc nhà), thuốc và các trường hợp người bệnh suy giảm miễn dịch (như người bệnh tiểu đường, HIV, ung thư,...).
Phân loại viêm quanh móng theo nguyên nhân:
- Do vi khuẩn: Thường là tụ cầu khuẩn (Staphylococci).
- Do virus: Thường là virus Herpes simplex.
- Do nấm: Chủ yếu là nấm Candida.
- Nguyên nhân không nhiễm trùng: Bao gồm các chất gây kích ứng, môi trường ẩm ướt kéo dài và phản ứng với thuốc.

Nguyên nhân gây viêm móng
Dịch tễ học
Viêm quanh móng phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới, với tỷ lệ mắc bệnh ở nữ/nam là 3/1. Bệnh thường xuất hiện ở những người làm công việc chân tay hoặc những người thường xuyên phải ngâm tay, chân trong nước trong thời gian dài (như nhân viên rửa bát). Phụ nữ trung niên là nhóm có nguy cơ nhiễm trùng cao nhất.
Sinh lý bệnh
Viêm quanh móng xảy ra do sự phá vỡ hàng rào bảo vệ giữa móng và nếp gấp quanh móng (lớp biểu bì). Các yếu tố dễ gây bệnh bao gồm chấn thương (như làm móng tay, móng chân), nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm), bất thường cấu trúc và các bệnh viêm (ví dụ: vẩy nến). Các sinh vật sẽ xâm nhập vào kẽ móng ẩm ướt, khu trú ở khu vực này và gây bệnh.
Phần lớn các trường hợp viêm quanh móng cấp tính là do chấn thương, cắn móng tay, làm móng quá mạnh hoặc sử dụng móng giả, đôi khi còn liên quan đến dị vật bị mắc kẹt.
Tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến nhất là Staphylococcus aureus. Các trường hợp viêm quanh móng mạn tính thường do Streptococci và Pseudomonas hơn. Các tác nhân ít gặp hơn gồm vi khuẩn gram âm, nấm da, virus herpes simplex và nấm men. Trẻ em dễ bị viêm quanh móng cấp tính do thói quen cắn móng tay và mút ngón tay, làm vi sinh vật từ khoang miệng (vi khuẩn hiếu khí như S. aureus, Streptococci, Eikenella corrodens và vi khuẩn kỵ khí như Fusobacterium, Peptostreptococcus, Prevotella, Porphyromonas spp.) xâm nhập trực tiếp.

Viêm quanh móng xảy ra do sự phá vỡ hàng rào bảo vệ giữa móng và nếp gấp quanh móng (lớp biểu bì).
Triệu chứng của viêm quanh móng
Viêm quanh móng thường là một quá trình viêm cấp tính, gây đau, đỏ và sưng vùng nếp gấp bên móng, chủ yếu được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân thường đến khám trong vài ngày đầu tiên do đau. Tiền sử bệnh có thể bao gồm chấn thương gần đây, nhiễm trùng, bất thường cấu trúc móng hoặc do các bệnh lý có tính chất viêm. Nghề nghiệp và môi trường làm việc cũng là những yếu tố phát hiện tiền sử bệnh quan trọng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tiền sử bệnh như tiểu đường hoặc HIV, và danh sách các thuốc đang sử dụng để xác định nguyên nhân tiềm ẩn của viêm quanh móng mạn tính.
Khám lâm sàng viêm quanh móng cấp tính thường thấy nếp gấp bên móng đỏ, sưng và đau. Vùng này có thể mềm và có dấu vết mưng mủ. Nếu không thể xác định chắc chắn về tình trạng áp xe, bác sĩ có thể ấn vào mặt bụng của ngón tay bị tổn thương. Nếu có áp xe, vùng quanh móng sẽ trắng hơn diện tích bình thường và cần được dẫn lưu.
Trong viêm quanh móng mạn tính, nếp gấp quanh móng có thể đỏ và sưng nhưng hiếm khi mưng mủ. Nếp gấp móng có thể mềm, phiến móng có thể dày lên và đổi màu. Các biểu hiện khác thường thấy gồm nếp gấp móng bị co rút, loạn dưỡng móng và mất lớp biểu bì.

Triệu chứng của viêm quanh móng
Chẩn đoán viêm quanh móng
Chẩn đoán viêm quanh móng chủ yếu dựa vào khai thác tiền sử bệnh và khám lâm sàng, không cần xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh đặc biệt.
Điều trị - Quản lý viêm quanh móng
Viêm quanh móng thường được điều trị bằng cách rạch và dẫn lưu ổ áp xe hoặc dùng thuốc kháng sinh. Nếu chỉ có tình trạng viêm mà không có áp xe rõ ràng, có thể điều trị bằng cách ngâm nước ấm hoặc dung dịch sát khuẩn (chlorhexidine, povidone-iodine) và sử dụng kháng sinh.
Người bệnh nên ngâm móng trong nước ấm 10 đến 15 phút và ngâm nhiều lần trong ngày. Điều trị bằng thuốc kháng sinh phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ, thường lựa chọn kháng sinh phổ rộng, có khả năng diệt tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Các loại kháng sinh bôi tại chỗ thường dùng là mỡ kháng sinh ba thành phần, bacitracin hoặc mupirocin.
Ở những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị tại chỗ hoặc viêm nhiễm nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống dicloxacillin hoặc cephalexin. Trường hợp nghi ngờ nhiễm vi khuẩn kỵ khí qua đường miệng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm clindamycin hoặc amoxicillin-clavulanate. Nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin) như mới nằm viện, phẫu thuật gần đây, bệnh thận giai đoạn cuối, nhiễm HIV/AIDS, tiêm chích ma túy, nên lựa chọn các loại kháng sinh như trimethoprim/sulfamethoxazole, clindamycin hoặc doxycycline.
Trong trường hợp áp xe, cần phải chích rạch và dẫn lưu ổ áp xe. Thủ thuật này thường được thực hiện bằng dao mổ số 11, rạch lưỡi dao ở dưới nếp gấp eponychial (nếp gấp bên của móng) cho đến khi mủ bắt đầu chảy ra. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê tại chỗ hoặc gây tê thần kinh ngón tay để bệnh nhân không bị đau đớn và đảm bảo dẫn lưu hoàn toàn. Sau khi dẫn lưu, cần rửa sạch ổ áp-xe bằng nước muối sinh lý. Nếu áp-xe lớn, có thể cần nhét gạc vào để duy trì dẫn lưu.
Trường hợp áp-xe lan đến giường móng hoặc liên quan đến móng mọc ngược, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một một phần móng. Áp xe không được dẫn lưu có thể lan rộng dưới móng và gây áp xe vòng quanh toàn bộ móng. Khi đó, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ toàn bộ móng để điều trị hiệu quả.
Sau khi rạch và dẫn lưu, bệnh nhân nên tiếp tục ngâm nước ấm để duy trì việc dẫn lưu và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát. Bệnh nhân cần tái khám trong vòng 24 đến 48 giờ để đảm bảo kết quả điều trị và phòng ngừa các dấu hiệu nhiễm trùng nặng hơn.
Trong trường hợp viêm quanh móng mạn tính, bệnh nhân tránh tối đa chấn thương ở tay và đeo găng tay bảo vệ móng nếu phải lao động chân tay. Điều trị viêm quanh móng mạn tính thường tập trung vào căn nguyên gây bệnh là nấm, thường lựa chọn các thuốc chống nấm tại chỗ hoặc toàn thân như Itraconazole, Terbinafine,... Ngoài ra, cần điều trị các bệnh viêm khác của ngón tay như móng mọc ngược, vảy nến... Nếu viêm quanh móng mạn tính khó điều trị, cần cân nhắc các nguyên nhân khác như bệnh ác tính.

Điều trị - Quản lý viêm quanh móng
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt viêm quanh móng bao gồm:
- Viêm mô tế bào: Đây là tình trạng nhiễm trùng bề mặt, biểu hiện bằng tình trạng ban đỏ và sưng ở phần cơ thể bị ảnh hưởng nhưng không có ổ dịch dao động. Điều trị bằng thuốc kháng sinh uống.
- Áp xe đầu ngón tay (Felon): Felon là tình trạng nhiễm trùng dưới da ở vùng đệm ngón tay, có triệu chứng nóng, đỏ, căng và rất đau do áp lực từ dịch mủ bị giới hạn trong các khoang ngăn cách bởi vách ngăn của đệm ngón. Điều trị bằng chích rạch và dẫn lưu dịch mủ, thường qua vết rạch dọc và bóc tách nhẹ nhàng để đảm bảo thoát hết dịch.
- Nhiễm herpes đầu ngón tay (Herpetic Whitlow) : Đây là một bệnh nhiễm trùng ở ngón tay xa do virus Herpes gây ra. Bệnh nhân thường có cảm giác nóng rát, ngứa trước khi nhiễm trùng bùng phát. Thăm khám thấy các mụn nước, mụn mủ nhỏ đi kèm đau và đỏ. Không nên nhầm lẫn với áp xe hay viêm quanh móng vì rạch và dẫn lưu trong trường hợp này có thể gây nhiễm trùng thứ phát và làm chậm lành vết thương.
- Bệnh nấm móng: Nhiễm nấm móng gây đổi màu móng thành trắng hoặc vàng. Đôi khi khó điều trị và cần dùng kháng sinh đường uống thay vì thuốc bôi ngoài da.
- Bệnh vẩy nến móng tay: Bệnh vẩy nến có thể ảnh hưởng đến móng tay, móng chân, gây dày móng, xuất hiện lỗ rỗ, đường gờ, biến dạng móng hoặc làm móng bị bong khỏi nền móng.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Ung thư biểu mô tế bào vảy rất hiếm gặp nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nền móng, dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm quanh móng mạn tính.

Chẩn đoán phân biệt viêm quanh móng
Tiên lượng bệnh
Viêm quanh móng thường có tiên lượng tốt. Viêm quanh móng cấp tính thường khỏi trong vòng vài ngày và hiếm khi tái phát ở những người khỏe mạnh. Viêm quanh móng mạn tính có thể kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn và có thể tái phát ở những bệnh nhân có cơ địa dễ mắc bệnh.
Biến chứng
Viêm quanh móng cấp tính nếu không điều trị đúng cách có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, lan đến các gân bên dưới. Tình trạng này cần được đánh giá và điều trị bởi bác sĩ chấn thương chỉnh hình, thậm chí cần cắt lọc hoặc tháo khớp trong trường hợp nghiêm trọng. Biến chứng chính của viêm quanh móng mạn tính là loạn dưỡng móng, làm móng dễ gãy, biến dạng hoặc đổi màu.
Tư vấn chuyên khoa
Phần lớn các trường hợp viêm quanh móng được điều trị bởi bác sĩ da liễu. Tuy nhiên, nếu có sự xâm lấn vào cấu trúc sâu hoặc xương, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chấn thương chỉnh hình.
Phòng ngừa và giáo dục bệnh nhân
Bệnh nhân nên giữ móng luôn khô và ấm. Các khuyến nghị bao gồm đeo găng tay khi tiếp xúc với nước, hóa chất và các chất gây kích ứng. Tránh thói quen cắn móng tay, cắt tỉa viền móng, sơn móng hoặc đắp móng giả cho đến khi hoàn toàn hồi phục.