Bệnh thấp tim là biến chứng nghiêm trọng của tình trạng viêm họng, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn ở tim nếu không được can thiệp kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết sớm dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh thấp tim hiệu quả.
1. Bệnh thấp tim là gì?
Bệnh thấp tim (Rheumatic Heart Disease - RHD) là một bệnh lý xảy ra do phản ứng miễn dịch toàn thân của cơ thể, xảy ra sau khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A ở vùng hầu họng. Ngoài tổn thương tim, bệnh còn gây tổn thương khớp , tổ chức liên kết dưới da, đôi khi thấy tổn thương não. Căn bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 25 tuổi, có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời.
Hiện nay, bệnh thấp tim vẫn là gánh nặng y tế lớn toàn cầu, với ước tính 50 - 80 triệu người bị ảnh hưởng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, nơi khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Theo ước tính, bệnh thấp tim chiếm khoảng 15 - 20% số ca suy tim ở các quốc gia này. Việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng và bảo vệ sức khỏe tim mạch cộng đồng.

2. Cơ chế gây bệnh thấp tim
Bệnh thấp tim khởi phát do phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể sau khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A (Streptococcus pyogenes). Liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A là loại vi khuẩn thường gây ra viêm họng hoặc nhiễm trùng da và có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Vi khuẩn này không trực tiếp gây bệnh thấp tim mà liên quan đến cơ chế phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Bởi vậy, bệnh thấp tim hiếm khi xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Bệnh thường phổ biến hơn ở trẻ em từ 5 - 15 tuổi. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn này đều dẫn đến bệnh thấp tim. Nguy cơ chỉ xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng (thường là viêm họng) không được điều trị đúng cách và triệt để. Nhiễm trùng da do liên cầu ít gây thấp tim.
Khoảng 2 - 3 tuần sau đợt viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, hệ miễn dịch của một số người có thể hình thành kháng thể chống lại kháng nguyên của vi khuẩn. Tuy nhiên, quá trình này cũng phát triển phản ứng miễn dịch quá mẫn (phản ứng miễn dịch loại II) gây sốt thấp khớp cấp tính.
Các kháng thể được sinh ra để chống lại vi khuẩn vô tình tấn công nhầm các mô liên kết của cơ thể, đặc biệt là ở tim, khớp, da và hệ thần kinh. Protein M - một thành phần trên bề mặt liên cầu khuẩn nhóm A đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt phản ứng miễn dịch này. Chính protein này làm cho hệ miễn dịch nhầm lẫn và tấn công cả các mô cơ thể do sự tương đồng về cấu trúc với một số protein ở các hệ cơ quan này, đặc biệt là mô liên kết ở van tim. Phản ứng chéo này khiến các mô bị viêm và để lại sẹo, lâu dài có thể gây hẹp hoặc hở van tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch.

3. Dấu hiệu bệnh thấp tim
Tỷ lệ mắc bệnh thấp tim thầm lặng, không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, được ghi nhận cao hơn gấp 7 - 8 lần so với các trường hợp có triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến việc phát hiện và điều trị kịp thời trở nên khó khăn, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy tim mạn tính và tổn thương van tim vĩnh viễn.
Bệnh thấp tim có thể dẫn đến viêm nội tâm mạc (phổ biến nhất), viêm cơ tim, loạn nhịp tim, viêm màng ngoài tim,... Các triệu chứng tổn thương trên tim phụ thuộc vào các vùng tim bị ảnh hưởng, có thể gặp các dấu hiệu sau:
- Tim đập nhanh bất thường, rối loạn nhịp tim
- Đau tức ngực, khó chịu
- Khó thở, hụt hơi kể cả khi gắng sức hoặc nghỉ ngơi
- Chướng bụng
- Phù nề chân, tay hoặc bụng do suy tim sung huyết
- Có tiếng thổi ở tim khi nghe qua ống nghe (dấu hiệu tổn thương van tim)
Ngoài ra, bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim, khớp, da và hệ thần kinh. Triệu chứng thường gặp của bệnh thấp tim:
- Sốt kèm theo cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi.
- Đau và viêm khớp (có thể sưng nóng, đỏ) ở các khớp lớn như khớp gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay. Tình trạng đau khớp di chuyển từ khớp này sang khớp khác và ít khi để lại di chứng ở khớp
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng ngay cả khi không làm việc nặng.
- 20% người bệnh xuất hiện các nốt dưới da không đau, di động, nằm gần các khớp lớn và tồn tại trong 1 - 2 tuần.
- Triệu chứng múa giật Sydenham (cử động không tự chủ ở cơ mặt, cơ bàn tay, bàn chân,...) thấy ở khoảng 30% người bệnh thấp tim do tổn thương não, có thể biểu hiện khó nói, viết, khó đi lại, giảm hoặc biến mất khi ngủ.
- Các mảng ban hồng hình vòng, trung tâm nhạt màu, xuất hiện trên thân mình, bụng, mặt trong cánh tay hoặc đùi, không xuất hiện trên mặt.
- Triệu chứng khác: Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, viêm cầu thận cấp (phù, tiểu ít, tiểu ra máu, tăng huyết áp), viêm phổi cấp (ho khan hoặc ho có đờm xanh vàng, khó thở, tím tái, đau tức ngực), viêm màng não (đau đầu dữ dội, cứng gáy, rối loạn ý thức, co giật, sợ ánh sáng,...),...

4. Biến chứng bệnh thấp tim
Bệnh thấp tim có thể gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là trên hệ tim mạch. Các biến chứng này thường âm thầm phát triển và chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
4.1. Biến chứng tim mạch
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thấp tim. Do tổn thương van tim tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Viêm nội tâm mạc có thể gây ra các cục sùi trên van tim, làm tăng nguy cơ thuyên tắc mạch và các biến cố nguy hiểm khác.
- Suy tim: Viêm và xơ hóa van tim kéo dài khiến các van tim bị biến dạng, dẫn đến hẹp hoặc hở van tim. Tình trạng này làm giảm khả năng bơm máu của tim, gây suy tim sung huyết với các biểu hiện như phù chi dưới, khó thở, mệt mỏi kéo dài và tăng nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Rung nhĩ: Sự rối loạn chức năng van tim có thể gây ra nhịp tim nhanh, không đều. Rung nhĩ không chỉ làm giảm hiệu quả co bóp của tim mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Tăng huyết áp phổi: Hẹp hoặc hở van hai lá làm tăng áp lực trong các buồng tim trái, từ đó ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn phổi, gây tăng huyết áp động mạch phổi. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, đau tức ngực và giảm khả năng vận động.
4.2. Biến chứng trên hệ thần kinh và các cơ quan khác
- Nhồi máu não, thận và chi: Các cục máu đông hình thành từ viêm nội tâm mạc có thể di chuyển đến các cơ quan khác như não, thận hoặc chi, gây tắc mạch và nhồi máu. Biến chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ, suy thận cấp hoặc hoại tử chi.
- Viêm cầu thận cấp: Một số trường hợp bệnh thấp tim có thể gây viêm cầu thận, làm suy giảm chức năng lọc của thận, dẫn đến tình trạng phù nề, tiểu ít hoặc tiểu ra máu, thậm chí dẫn đến suy thận.
4.3. Biến chứng trong thai kỳ
Bệnh thấp tim đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai và là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tử vong đáng kể ở các mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Ngoài tình trạng hở van tim do bệnh thấp tim, sự gia tăng thể tích máu trong thai kỳ làm tăng áp lực lên tim và hệ tuần hoàn, làm tăng áp lực lên van tim khiến mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim, suy tim. Bên cạnh đó, thiếu oxy do tuần hoàn kém có thể khiến thai nhi không nhận đủ dưỡng chất, dẫn đến nguy cơ trẻ sinh non hoặc suy dinh dưỡng bào thai.
Biến chứng của bệnh thấp tim rất phức tạp và nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần chú ý thăm khám và theo dõi định kỳ, phát hiện sớm các tổn thương van tim và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng này.

5. Chẩn đoán bệnh thấp tim
Chẩn đoán bệnh thấp tim đòi hỏi sự kết hợp giữa thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại:
- Thăm khám lâm sàng: khai thác triệu chứng bệnh, tiền sử mắc viêm họng, viêm đường hô hấp nhiễm khuẩn.
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm công thức máu, số lượng bạch cầu, PRC, tốc độ máu lắng, xét nghiệm kháng thể kháng liên cầu nhóm A (Bao gồm ASLO (Anti-Streptolysin O) – xét nghiệm phổ biến nhất, anti-DNAase B, anti-streptokinase…),...
- Xét nghiệm dịch hầu họng: Cấy dịch họng tìm sự hiện diện của liên cầu khuẩn nhóm A và test nhanh kháng nguyên liên cầu.
- Điện tâm đồ: (ECG): Phát hiện các bất thường trong dẫn truyền điện tim do viêm cơ tim.
- Siêu âm tim: Phát hiện bất thường ở van tim, hữu ích trong việc phát hiện bệnh thấp tim dưới lâm sàng, khi chưa xuất hiện tiếng thổi tim rõ ràng.
- Chụp X-quang ngực: Giúp xác định tình trạng tắc nghẽn mạch máu phổi hoặc dấu hiệu suy tim sung huyết.
- Sinh thiết cơ tim (trong trường hợp cần thiết): Được chỉ định khi nghi ngờ viêm cơ tim nhưng các phương pháp khác chưa cho kết quả rõ ràng.
Chẩn đoán bệnh thấp tim thường dựa vào tiêu chuẩn Jones được áp dụng rộng rãi hiện nay
Tiêu chuẩn chính:
- Viêm đa khớp: Đau, sưng, đỏ các khớp lớn, không cử động được khớp, di chuyển từ khớp này sang khớp khác,...
- Viêm tim: Xuất hiện tiếng thổi tâm trương hay tâm thu hoặc tiếng cọ màng tim, nhịp tim nhanh, diện tim to,...
- Xuất hiện hồng ban vòng
- xuất hiện cục Meynet dưới da
- Múa giật Sydenham
Tiêu chuẩn phụ:
- Sốt
- ESR và CRP tăng cao.
- Bạch cầu tăng.
- Điện tâm đồ sóng PR kéo dài.
- Tiền sử viêm khớp do nhiễm liên cầu.
Chẩn đoán xác định bệnh thấp tim khi có 2 tiêu chuẩn chính hoặc 1 tiêu chuẩn chính và 2 tiêu chuẩn phụ kèm bằng chứng nhiễm liên cầu nhóm A.

6. Điều trị bệnh thấp tim như thế nào?
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị triệt để bệnh thấp tim. Điều trị bệnh thấp tim cần cách tiếp cận toàn diện, bao gồm kiểm soát nhiễm trùng, giảm viêm và ngăn ngừa biến chứng. Mục tiêu chính là bảo vệ tim, giảm thiểu tổn thương van tim và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Cụ thể:
6.1. Điều trị thấp tim
Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Sử dụng kháng sinh có phổ trên vi khuẩn liên cầu nhóm A.
Chống viêm và giảm đau:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Aspirin được sử dụng phổ biến để giảm đau, chống viêm cho bệnh nhân viêm khớp do thấp tim.
- Corticosteroid: Dùng trong trường hợp viêm tim nặng hoặc phản ứng viêm không đáp ứng với NSAID.
Điều trị triệu chứng múa giật Sydenham:
- Thuốc an thần và chống co giật: chỉ định khi bệnh nhân có biểu hiện múa giật nặng.
- Chế độ nghỉ ngơi: Giảm căng thẳng, hạn chế hoạt động thể chất để giảm tần suất các cơn co giật.
Điều trị suy tim (nếu có):
- Thuốc lợi tiểu: Giảm ứ dịch, giảm gánh nặng cho tim.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors): Giúp hạ huyết áp và giảm áp lực lên tim.
- Thuốc chẹn beta: Ổn định nhịp tim, giảm nguy cơ rối loạn nhịp.
Phẫu thuật van tim: Tổn thương van tim là vĩnh viễn, vì vậy người bệnh thấp tim nặng cần phải phẫu thuật nong hẹp van tim, sửa chữa hoặc thay thế van tim.
Điều trị khác: Thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

6.2. Phòng ngừa tái phát
Người bệnh thấp tim có nguy cơ tiếp tục bị thấp tim sau đó, do vậy cần thực hiện điều trị sự phòng để giảm tỷ lệ tái phát.
Dự phòng thứ cấp: Sử dụng kháng sinh dự phòng nhằm ngăn ngừa tái nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Thời gian sử dụng thuốc dự phòng phụ thuộc vào từng trường hợp:
- Trẻ em và thanh thiếu niên: Duy trì đến ít nhất 21 tuổi hoặc 5 năm sau đợt sốt thấp khớp cuối cùng.
- Người lớn: Nếu có tổn thương van tim, việc dự phòng kéo dài ít nhất đến 40 tuổi hoặc lâu hơn.
Theo dõi và tái khám định kỳ: Bệnh nhân cần kiểm tra sức khỏe tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm biến chứng và điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời.
Thực hiện lối sống khoa học:
- Giữ vệ sinh tai mũi họng
- Tránh nhiễm lạnh
- Thực hiện ăn uống đầy đủ để cải thiện sức đề kháng
7. Cách phòng ngừa bệnh thấp tim
Phòng ngừa bệnh thấp tim cần tập trung vào việc ngăn chặn các đợt sốt thấp khớp và bảo vệ tim khỏi tổn thương lâu dài. Những biện pháp phòng ngừa bệnh thấp tim hiệu quả
Điều trị sớm viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A:
Viêm họng do liên cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sốt thấp khớp, vì thế phát hiện và điều trị dứt điểm viêm họng là cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh thấp tim:
- Sử dụng kháng sinh phù hợp: Penicillin vẫn là lựa chọn ưu tiên trong điều trị viêm họng do liên cầu. Với bệnh nhân dị ứng penicillin, các thuốc thay thế như erythromycin hoặc azithromycin sẽ được cân nhắc.
- Tuân thủ liệu trình kháng sinh: Bệnh nhân cần dùng đúng và đủ liều lượng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để diệt tận gốc vi khuẩn, tránh nguy cơ tái phát và biến chứng.
Nâng cao nhận thức cộng đồng:
Giáo dục sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh thấp tim. Người dân cần được trang bị kiến thức cơ bản về:
- Triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn để đi khám sớm.
- Tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị kháng sinh đầy đủ.
- Hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị dứt điểm sốt thấp khớp.
Các biện pháp phòng ngừa khác:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng, tai mũi họng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Bổ sung vitamin C, kẽm và các dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng tốt hơn.
- Giữ ấm cơ thể: Tránh nhiễm lạnh, đặc biệt trong thời điểm giao mùa.
- Tập luyện thể thao nhẹ nhàng: Tăng cường miễn dịch nhưng cần tránh các hoạt động gắng sức nếu đã có tổn thương tim.
- Cải thiện điều kiện sống: Cung cấp nước sạch, điều kiện vệ sinh đảm bảo. Hỗ trợ y tế cho các vùng sâu, vùng xa để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538286/
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rheumatic-heart-disease