Một số người có thể cảm thấy đau ngực hoặc khó chịu sau khi nội soi. Các tình trạng này có thể xảy ra khi bác sĩ dùng khí để bơm căng dạ dày trong quá trình nội soi. Nếu đây là nguyên nhân chính gây đau, cơn đau thường nhẹ và biết mất sau vài ngày. Ngoài ra, một số thủ thuật bác sĩ thực hiện trong quá trình nội soi cũng có thể dẫn đến các triệu chứng này.
Tuy nhiên, đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của các biến chứng như nhiễm trùng hoặc tổn thương. Một báo cáo hiếm hoi cũng cho thấy nội soi có thể ảnh hưởng đến tim. Mặc dù vậy, các biến chứng này thường rất hiếm xảy ra.
Thực tế, nội soi là một thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, bất kỳ ai cảm thấy đau ngực sau nội soi đều cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và đảm bảo không có vấn đề nghiêm trọng.
Hãy theo dõi ngay bài viết sau đây để khám phá nguyên nhân và phương pháp điều trị tiềm năng cho tình trạng đau ngực sau nội soi.
Đau ngực sau nội soi có sao không?
Triệu chứng đau nhẹ vùng ngực có thể xảy ra sau nội soi đường tiêu hóa trên và thường cải thiện sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau ngực dữ dội không thuyên giảm hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường khác, đây có thể là biểu hiện của những biến chứng nghiêm trọng.
Cụ thể, một số tác dụng phụ thường gặp sau nội soi tiêu hóa:
- Đau họng trong 1 - 2 ngày
- Chướng bụng, đầy hơi hoặc buồn nôn
- Khó nuốt thức ăn
- Uể oải, buồn ngủ do thuốc an thần
- Chảy máu nhẹ tại vị trí thực hiện sinh thiết hoặc cắt bỏ khối u trong quá trình nội soi.

Đau ngực sau nội soi có sao không?
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Biến chứng do thủ thuật nội soi rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, bạn nên đi khám ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường sau khi nội soi dưới đây:
- Đau ngực không thuyên giảm
- Đau bụng ngày càng nặng
- Khó thở
- Khó nuốt dai dẳng
- Đau họng nghiêm trọng
- Nôn mửa, nôn ra máu
- Phân đen hoặc lẫn máu
- Sốt

Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nguyên nhân nào gây ra đau ngực sau khi nội soi?
Một số nguyên nhân sau đây có thể dẫn đến đau ngực sau nội soi:
Khí CO2
Bác sĩ sử dụng khí CO2 để bơm căng ống tiêu hóa trong quá trình nội soi. Lượng khí này có thể gây áp lực lên cơ hoành, dẫn đến cảm giác khó chịu ở vùng ngực của bạn. Tuy nhiên, đau do khí thường hết sau vài ngày.
Sinh thiết
Nếu bác sĩ thực hiện sinh thiết hoặc cắt bỏ khối u trong quá trình nội soi, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức nhẹ tại vị trí thực hiện thủ thuật.
Nhiễm trùng
Tuy rất hiếm khi xảy ra, nội soi vẫn có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng, thường do các vi huẩn sẵn có trong đường tiêu hóa như Pseudomonas aeruginosa, E.coli hoặc Salmonella enteritidis. Triệu chứng nhiễm trùng thường bao gồm sốt, buồn nôn và nôn nửa, được điều trị bằng kháng sinh và các loại thuốc kiểm soát triệu chứng khác.
Thủng ống tiêu hóa
Đây là biến chứng rất hiếm gặp (chỉ xảy ra trong 0,019% các ca nội soi) nhưng rất nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng. Thủng đường tiêu hóa xảy ra khi dụng cụ phẫu thuật hoặc ống nội soi chọc thủng một lỗ trên niêm mạc đường tiêu hóa. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng khi thức ăn, vi khuẩn hoặc các chất lỏng khác trong hệ tiêu hóa rò rỉ vào các khu vực xung quanh.
Các triệu chứng thủng đường tiêu hóa:
- Sốt
- Đau bụng dữ dội
- Nôn ra máu
- Phân đen
Để điều trị tình trạng này, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để vá lỗ thủng và sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm lớp màng bảo vệ bao quanh tim, có thể gây triệu chứng đau ngực. Biến chứng này rất hiếm xảy ra sau nội soi, tuy nhiên có một trường hợp đã được ghi nhận vào năm 2018. Điều trị viêm màng ngoài tim thường bao gồm sử dụng Aspirin liều cao hoặc Steroid.

Nguyên nhân phố biến gây ra đau ngực sau khi nội soi
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực sau nội soi
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực sau nội soi, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:
- Khám lâm sàng để kiểm tra tình trạng sưng hoặc đau nhức
- Kiểm tra chức năng tim- phổi để phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc vấn đề hô hấp
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ viêm nhiễm
- Chụp X-quang ngực để kiểm tra tổn thương hoặc tìm khối u có thể có
- Điện tâm đồ (ECG) để phát hiện các vấn đề liên quan đến tim.
Chăm sóc tại nhà sau nội soi như thế nào?
Sau khi nội soi, bạn có thể cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Vì vậy, tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi và tránh các hoạt động mạnh trong ngày. Đồng thời, chú ý uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ nuốt nếu bị đau họng. Khi hết đau họng, bạn có thể ăn chế độ ăn như bình thường. Nếu tình trạng đau ngực và các tác dụng phụ khác không thuyên giảm sau vài ngày, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Tóm lại, đau ngực là một tác dụng phụ ít gặp sau nội soi, tuy nhiên có thể xảy ra do khí bơm vào dạ dày gây đầy hơi, chướng bụng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đau ngực có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng hoặc thủng đường tiêu hóa. Nếu cảm thấy đau ngực sau nội soi, bạn hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi và tránh các hoạt động mạnh trong ngày.
Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com/articles/after-endoscopy-chest-pain#recovery