Bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch là gì?
Trĩ và giãn tĩnh mạch có vẻ là hai vấn đề khác nhau, nhưng thực tế chúng lại có nhiều điểm tương đồng. Phụ nữ mang thai thường gặp phải cả hai tình trạng này, nhất là trong ba tháng cuối của thai kỳ.
Cả bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch đều xuất phát từ sự phình to và xoắn của các tĩnh mạch. Tình trạng giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân nhưng cũng có thể phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể. Khi xuất hiện ở trực tràng, chúng được gọi là bệnh trĩ.

Bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch là gì?
Nguyên nhân nào gây ra bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai?
Thông thường, tĩnh mạch có van một chiều giúp máu lưu thông về tim. Khi các van này chịu áp lực hoặc bị suy yếu sẽ khiến máu chảy ngược và ứ đọng lại trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch phình to và sưng lên. Hiện tượng này xảy ra ở tĩnh mạch trực tràng sẽ gây ra bệnh trĩ, còn ở tĩnh mạch chân sẽ gây bệnh giãn tĩnh mạch.
Nhiều thay đổi của cơ thể phụ nữ trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch:
- Tăng thể tích máu: Lượng máu tăng cao làm giãn nở các tĩnh mạch
- Trọng lượng của thai nhi tăng lên gây áp lực lên các mạch máu lớn ở vùng chậu, cản trở lưu thông máu.
- Thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến mạch máu, làm chậm quá trình đưa máu trở về tim khiến các tĩnh mạch nhỏ ở vùng chậu và chân sưng lên.
Bệnh trĩ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi các bà bầu rặn hoặc căng thẳng, đặc biệt là khi bị táo bón. Các yếu tố như thừa cân, tiền sử bị trĩ trước khi mang thai và rặn trong khi sinh cũng có thể khiến bệnh trĩ của bà bầu nặng hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng giãn tĩnh mạch cũng mang yếu tố di truyền. Ngoài ra, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế có thể khiến tĩnh mạch phải làm việc nhiều hơn để bơm máu về tim, khiến bệnh trĩ ngày càng nặng thêm. Tình trạng giãn tĩnh mạch cũng có thể xuất hiện ở vùng sinh dục của phụ nữ.

Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai
Triệu chứng của bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch khi mang thai
- Bệnh trĩ: Có thể là trĩ nội (hình thành bên trong trực tràng) hoặc trĩ ngoại (nằm bên ngoài, quanh hậu môn). Trĩ nội đôi khi có thể lòi ra ngoài qua lỗ hậu môn. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trĩ là đi ngoài ra máu đỏ tươi lẫn trong phân. Trĩ ngoại thường gây đau hoặc ngứa và có thể dẫn đến chảy máu nếu bị kích thích do rặn hoặc lau chùi.
- Giãn tĩnh mạch: Thường xuất hiện dưới dạng các tĩnh mạch lớn, xoắn, có màu xanh hoặc tím và nổi lên trên da, thường ở mặt sau bắp chân hoặc bên trong chân. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sưng nhẹ ở mắt cá chân và bàn chân, đau nhói ở chân hoặc gây chuột rút. Khi giãn tĩnh mạch xuất hiện ở vùng sinh dục cũng có những biểu hiện dưới dạng các tĩnh mạch lớn, xoắn và nổi rõ.

Triệu chứng của bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch khi mang thai
Chẩn đoán trĩ và giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai
Trĩ và giãn tĩnh mạch thường được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng ở chân hoặc vùng trực tràng.
Điều trị trĩ và giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai như thế nào?
Trĩ khi mang thai thường sẽ thuyên giảm sau khi sinh con. Trong thai kỳ, bà bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm khó chịu:
- Ngâm vùng hậu môn trong nước ấm sạch khoảng 10 phút/lần, vài lần/ngày để giảm đau.
- Chườm đá hoặc dùng khăn lạnh để giảm sưng.
- Sử dụng các loại kem bôi trĩ hoặc thuốc làm mềm phân an toàn cho phụ nữ có thai theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bổ sung nhiều chất xơ và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.
- Tránh ngồi lâu và không rặn mạnh khi đi đại tiện.
- Tập luyện thêm các bài tập Kegel thường xuyên để cải thiện trương lực cơ vùng đáy chậu.
Đối với tình trạng giãn tĩnh mạch, phần lớn phụ nữ sẽ tự cải thiện trong vòng một năm sau sinh. Các biện pháp có hiệu quả cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch ở bà bầu:
- Tránh đứng hoặc ngồi một tư thế quá lâu.
- Nâng chân và bàn chân khi ngồi hoặc nằm. Tránh bắt chéo chân.
- Không mặc quần áo bó quanh eo, đùi và chân để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng giãn tĩnh mạch.
Bà bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn hoặc bị chảy máu nhiều do trĩ.

Điều trị trĩ và giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai
Phòng ngừa bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch khi mang thai
Cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa bệnh trĩ trong thời kỳ mang thai là hạn chế táo bón. Bà bầu bị táo bón cần tránh rặn khi đại tiện.
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch khi mang thai cũng tương tự như các biện pháp giảm triệu chứng:
- Không đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ.
- Kê cao chân.
- Tránh mặc quần áo chật.