125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Sau mổ thai ngoài tử cung: Cách chăm sóc và những lưu ý quan trọng

            Sau mổ thai ngoài tử cung: Cách chăm sóc và những lưu ý quan trọng

            THAI THINH MEDIC
            20/05/2025

            Khi phôi thai không làm tổ trong tử cung mà phát triển ở vị trí bất thường, mẹ bầu có thể phải thực hiện mổ thai ngoài tử cung sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Vậy khi nào cần phẫu thuật, quy trình diễn ra ra sao và cách chăm sóc hậu phẫu thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết ngay sau dây!

            1. Thai ngoài tử cung là gì? Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung phổ biến

            Thai ngoài tử cung xảy ra khi phôi thai làm tổ bên ngoài tử cung, phổ biến nhất là tại vòi trứng. Đây là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, chiếm khoảng 1 – 2% trong tổng số ca mang thai, Ban đầu, triệu chứng thai ngoài tử cung có thể không rõ ràng hoặc có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với dấu hiệu mang thai bình thường như chảy máu âm đạo, đau bụng dưới, đau lưng, đau ngực. Tuy nhiên, khi thai phát triển lớn có thể làm vỡ cấu trúc chứa thai, gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, dẫn đến sốc hoặc viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng của người bệnh.

            Việc điều trị thai ngoài tử cung cần được thực hiện sớm nhất có thể để hạn chế nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung thường được áp dụng:

            • Dùng thuốc: Thuốc được sử dụng phổ biến là Methotrexate, dùng trong các trường hợp chưa có tim thai, thai nhỏ, chưa vỡ, không có dấu hiệu chảy máu trong ổ bụng và nồng độ beta-hCG ở mức thấp. Thuốc giúp ngăn sự phát triển của phôi thai, đồng thời bảo tồn được khả năng sinh sản cho người bệnh, tuy nhiên không sử dụng cho phụ nữ cho con bú hoặc đang bị suy gan, suy thận.
            • Phẫu thuật: Mổ nội soi là phương pháp phổ biến giúp loại bỏ thai ngoài tử cung với mức độ xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vỡ thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định mổ cấp cứu bằng phẫu thuật mổ mở.
            mo-thai-ngoai-tu-cung-2

            Thai ngoài tử cung xảy ra khi phôi thai làm tổ bên ngoài tử cung, phổ biến nhất là tại vòi trứng.

            2. Khi nào cần mổ thai ngoài tử cung?

            Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh để quyết định thời điểm can thiệp phẫu thuật nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo tồn khả năng sinh sản cho người phụ nữ. Cụ thể các trường hợp cần mổ thai ngoài tử cung:

            • Vỡ thai, gây chảy máu ổ bụng, mất ổn định huyết động
            • Khối thai phát triển lớn, không thể tự tiêu biến
            • Khối thai có nguy cơ vỡ
            • Điều trị bằng thuốc thất bại
            • Bệnh nhân không phù hợp để điều trị bằng thuốc (ví dụ: người chống chỉ định với Methotrexat,...)
            • Bệnh nhân có thai ngoài tử cung nhưng vẫn có thai phát triển bình thường trong tử cung.
            • Bệnh nhân đã từng phẫu thuật vòi trứng
            • Thai ngoài tử cung xuất hiện do sự thất bại của thủ thuật triệt sản trước đó, nhất là khi bệnh nhân từng cắt phẫu thuật cắt bỏ 1 phần tử cung.
            mo-thai-ngoai-tu-cung-3

            Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh để quyết định thời điểm can thiệp phẫu thuật

            3. Các phương pháp mổ thai ngoài tử cung phổ biến

            Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho thai ngoài tử cung trong các trường hợp nguy cấp hoặc khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

            • Vị trí của thai ngoài tử cung
            • Kích thước thai
            • Tình trạng vòi trứng (cả 2 bên)
            • Mức độ tổn thương
            • Khả năng bảo tồn chức năng sinh sản
            • Mong muốn có con của bệnh nhân trong tương lai
            • Tuổi tác, tiền sử bệnh của bệnh nhân (tiền sử có thai ngoài tử cung, bệnh viêm vùng chậu,...)

            Cụ thể:

            3.1. Phân loại theo kỹ thuật mổ

            Mổ nội soi

            Mổ nội soi là phương pháp được ưu tiên trong điều trị thai ngoài tử cung do mức độ xâm lấn thấp, ít gây tổn thương mô và giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Khi mổ nội soi, bác sĩ sẽ rạch một vài vết nhỏ trên thành bụng và đưa ống nội soi có gắn camera vào để xác định vị trí khối thai, sau đó sử dụng dụng cụ chuyên dụng để bóc tách và loại bỏ khối thai.

            Ưu điểm:

            • Ít đau hơn
            • Giảm nguy cơ tắc dính hoặc nhiễm trùng hậu phẫu
            • Hạn chế mất máu
            • Thời gian hồi phục nhanh
            • Sẹo nhỏ, ít ảnh hưởng thẩm mỹ
            • Giảm nguy cơ tắc

            Nhược điểm: Yêu cầu bác sĩ có kỹ thuật chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.

            Mổ mở

            Phẫu thuật mổ mở thường được chỉ định mổ cấp cứu khi thai ngoài tử cung đã vỡ, cần can thiệp khẩn cấp để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn trên bụng để tiếp cận trực tiếp với khối thai, loại bỏ khối thai và kiểm soát tình trạng chảy máu ngay.

            Ưu điểm:

            • Xử lý triệt để các biến chứng nguy hiểm
            • Kiểm soát tốt tình trạng chảy máu trong trường hợp khẩn cấp

            Nhược điểm:

            • Vết mổ lớn, cần thời gian hồi phục dài hơn
            • Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với mổ nội soi
            • Gây đau đớn và để lại sẹo lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ

            3.2. Phân loại theo lựa chọn phẫu thuật

            Khi mổ thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ cắt bỏ khối thai hoặc cắt bỏ toàn bộ vòi trứng:

            Cắt bỏ khối thai và bảo tồn vòi trứng

            Áp dụng nếu vòi trứng chưa bị tổn thương nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ chỉ loại bỏ khối thai và giữ lại vòi trứng để bảo toàn khả năng sinh sản của bệnh nhân.

            Cắt bỏ toàn bộ vòi trứng

            Thực hiện trong các trường hợp sau:

            • Thai ngoài tử cung vỡ, vòi trứng bị tổn thương nghiêm trọng, không thể bảo tồn.
            • Bệnh nhân không còn nhu cầu sinh con nữa
            • Bệnh nhân có tiền sử mang thai ngoài tử cung trong cùng một vòi  trứng
            • Chảy máu kéo dài sau phẫu thuật bảo tồn
            • Thai nằm ở đoạn xa cuối vòi trứng sau khi đã cắt bỏ một phần vòi trứng trước đó
            • Vòi trứng đã từng được tái tạo trước đó
            • Thai ngoài tử cung do triệt sản thất bại.
            • Thai ngoài tử cung mãn tính, đã tồn tại lâu trong vòi trứng và không thể xử lý bằng phương pháp khác.
            mo-thai-ngoai-tu-cung-4

            Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho thai ngoài tử cung

            4. Mổ thai ngoài tử cung có biến chứng gì không​?

            Mổ thai ngoài tử cung là phương pháp điều trị quan trọng, giúp bảo vệ tính mạng bệnh nhân và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bất kỳ can thiệp phẫu thuật nào cũng có thể để lại những tác động nhất định đến sức khỏe và khả năng sinh sản cho bệnh nhân. Cụ thể, biến chứng có thể gặp khi mổ thai ngoài tử cung:

            • Nhiễm trùng vết mổ: Nếu không được chăm sóc đúng cách, vết mổ có thể bị nhiễm trùng, gây sưng đỏ, đau và chảy dịch.
            • Dính ruột, đau bụng kéo dài: Một số trường hợp có thể gặp tình trạng dính ruột sau mổ, gây đau và khó chịu.
            • Sẹo vòi trứng khi điều trị bảo tồn: Quá trình mổ có thể để lại sẹo trên vòi trứng, làm tăng nguy cơ tắc vòi trứng hoặc mang thai ngoài tử cung tái phát.
            • Tổn thương các cơ quan lân cận: Trong quá trình phẫu thuật, các bộ phận như ruột, bàng quang hoặc mạch máu có thể bị tổn thương nếu khối thai bám dính sâu.
            • Chảy máu trong phẫu thuật: Nếu kiểm soát cầm máu không tốt hoặc tổn thương các mạch ở mạc treo vòi tử cung, mạch máu nối động mạch buồng trứng và động mạch tử cung có thể dẫn đến mất máu nhiều, làm chậm quá trình hồi phục.

            Tỷ lệ biến chứng sau mổ thai ngoài tử cung thường thấp khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

            mo-thai-ngoai-tu-cung-5

            Mổ thai ngoài tử cung có biến chứng gì không​?

            5. Mổ thai ngoài tử cung bao lâu thì lành​?

            Thời gian hồi phục sau mổ thai ngoài tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và chế độ chăm sóc sau mổ. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học, đặc biệt là kỹ thuật mổ nội soi, quá trình lành vết thương diễn ra nhanh chóng hơn so với phương pháp mổ hở truyền thống.

            Thông thường, bệnh nhân có thể đi lại dễ dàng sau 12 - 24 giờ và có thể xuất viện sau 1 - 2 ngày. Khoảng 7 - 14 ngày sau mổ, bệnh nhân có thể sinh hoạt như bình thường và hồi phục hoàn toàn sau 4 tuần. Vùng bụng có thể vẫn còn hơi căng tức nhẹ trong vài tuần đầu, nhưng cảm giác này sẽ dần biến mất khi cơ thể hồi phục.

            Đối với mổ mở, thời gian hồi phục thường lâu hơn so với mổ nội soi do vết mổ lớn hơn và mức độ xâm lấn cao hơn. 1 - 2 ngày sau mổ, bệnh nhân có thể được khuyến khích vận động nhẹ để tránh dính ruột. Vết mổ bắt đầu lành dần từ 2 - 4 tuần sau mổ và hồi phục hoàn toàn sau 6 - 8 tuần. Thời gian lành có thể kéo dài hơn nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng, có bệnh lý nền hoặc không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật.

            mo-thai-ngoai-tu-cung-6

            Thời gian hồi phục sau mổ thai ngoài tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố

            6. Lưu ý sau khi mổ thai ngoài tử cung

            Phục hồi sau mổ thai ngoài tử cung không chỉ phụ thuộc vào quá trình phẫu thuật mà còn bị ảnh hưởng bởi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và việc tuân thủ các chỉ dẫn y tế. Sau đây là những lưu ý quan trọng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và phòng ngừa các biến chứng:

            6.1. Vệ sinh vết mổ đúng cách

            • Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi vệ sinh vết mổ.
            • Đảm bảo vết mổ luôn sạch sẽ và khô ráo.
            • Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày.
            • Không bôi các loại kem dưỡng hay phấn rôm lên vết mổ.
            • Đi khám khi thấy vết mổ có dấu hiệu bất thường như đỏ, sưng hoặc tiết dịch.

            6.2.Tái khám đúng lịch

            • Đến bệnh viện kiểm tra sau 7 - 10 ngày để bác sĩ đánh giá quá trình lành vết mổ.
            • Xét nghiệm beta-hCG định kỳ để đảm bảo nội tiết tố thai kỳ đã trở về mức bình thường.
            • Siêu âm kiểm tra nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội, chảy máu kéo dài, hoặc sốt.

            6.3. Mổ thai ngoài tử cung nên kiêng gì​?

            • Không vận động mạnh: Tránh bê vác nặng, leo cầu thang nhiều, chạy bộ hoặc tập thể dục cường độ cao.
            • Hạn chế đứng lâu: Việc đứng quá lâu có thể gây áp lực lên vùng bụng, làm chậm quá trình lành vết thương.
            • Tránh quan hệ tình dục quá sớm: Nên kiêng quan hệ ít nhất 4 - 6 tuần để tử cung và vết mổ có thời gian hồi phục.
            • Không tự ý dùng thuốc: Chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc giảm đau và kháng sinh.
            • Không ăn thực phẩm gây viêm: Tránh đồ ăn cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ vì có thể làm chậm quá trình lành vết thương.

            6.4. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý

            • Bổ sung thực phẩm giàu sắt như các loại thịt đỏ, gan động vật, hải sản, rau bina thúc đẩy cơ thể tạo máu, giúp bù lại lượng máu đã mất.
            • Tăng cường vitamin C từ trái cây như cam, chanh, bưởi, ổi để tăng sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình tái tạo mô.
            • Ăn nhiều rau xanh và trái cây để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh táo bón – một vấn đề thường gặp sau mổ.
            • Duy trì uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể thanh lọc và hỗ trợ lành vết thương.
            mo-thai-ngoai-tu-cung-7

            Lưu ý sau khi mổ thai ngoài tử cung

            6.5. Bao lâu có thể mang thai lại?

            Thời gian có thể mang thai lại tùy thuộc vào phương pháp mổ và sức khỏe của bệnh nhân, tối thiểu là 3 tháng sau mổ để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Trước khi có ý định mang thai, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ cũng như đi kiểm tra chức năng ống dẫn trứng và nội tiết tố để chuẩn bị tốt cho thai kỳ sau.

            Ngoài ra, ở lần mang thai tiếp theo, bệnh nhân cần chú ý đi siêu âm sớm và đúng lịch để xác định vị trí làm tổ của phôi thai, giảm nguy cơ biến chứng.

            Tóm lại, mổ thai ngoài tử cung là giải pháp giúp loại bỏ khối thai phát triển sai vị trí, bảo vệ tính mạng và sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn bác sĩ. Sau khi mổ thai ngoài tử cung, sản phụ cần được chăm sóc cẩn thận, tránh vận động mạnh, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo hồi phục nhanh chóng và hạn chế nguy cơ biến chứng.
             

            Share