Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vắc xin sởi là giải pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa và giảm thiểu tác động của căn bệnh này. Tìm hiểu thông tin chi tiết về vắc xin sởi trong bài viết sau để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn nhé!
1. Vắc xin sởi là vắc xin gì?
Vắc xin sởi là loại vắc xin giúp phòng ngừa bệnh sởi – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi gây ra. Đây là giải pháp y tế quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng do sởi gây nên, đặc biệt là bệnh sởi ở trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu.
Vắc xin sởi thuộc nhóm vắc xin sống giảm độc lực. Đây là loại vắc xin được bào chế từ virus sởi còn sống nhưng đã được làm suy yếu đến mức không còn khả năng gây bệnh khi tiêm vào cơ thể người. Mặc dù không gây bệnh, nhưng virus đã giảm độc lực này vẫn giữ được tính kháng nguyên, đủ để kích thích hệ miễn dịch hoạt động và sản sinh kháng thể đặc hiệu. Nhờ vậy, khi cơ thể tiếp xúc với virus sởi thực sự, hệ miễn dịch đã có sẵn kháng thể để nhận diện và tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự lây lan và phát triển của virus.
Việc tiêm vắc xin sởi đúng lịch và đầy đủ giúp cơ thể tạo ra hàng rào bảo vệ vững chắc trước nguy cơ lây nhiễm, đồng thời góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Chính vì vậy, vắc xin sởi luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế khuyến cáo sử dụng rộng rãi để phòng bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2. Các loại vắc xin sởi có sẵn hiện nay
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vắc xin sởi với các dạng phối hợp khác nhau nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh và thuận tiện trong việc tiêm chủng:
- Vắc xin sởi đơn MVVAC (Việt Nam): Đây là loại vắc xin đơn thuần chỉ phòng ngừa bệnh sởi. MVVac thường được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam.
- Vắc xin phối hợp Sởi – Rubella MRVAC (Việt Nam): Đây là loại vắc xin kết hợp giúp phòng ngừa đồng thời bệnh sởi và rubella. MRVAC cũng được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng tại Việt Nam.
- Vắc xin kết hợp Sởi – Quai bị – Rubella Priorix (Bỉ): Loại vắc xin này có tác dụng bảo vệ trước 3 bệnh truyền nhiễm phổ biến: sởi, quai bị và rubella. Priorix là lựa chọn phổ biến tại các cơ sở tiêm dịch vụ do chất lượng cao và khả năng đáp ứng miễn dịch tốt.
- Vắc xin kết hợp Sởi - Quai bị - Rubella MMR-II (Mỹ): Đây là loại vắc xin 3 trong 1, giúp phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella, có xuất xứ từ Mỹ, MMR-II được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Vắc xin kết hợp Sởi - Quai bị - Rubella MMR (Ấn Độ): Cũng là loại vắc xin phối hợp 3 trong 1, được sử dụng tại nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Vắc xin này có xuất xứ Ấn Độ.
- Vắc xin kết hợp Sởi - Quai bị - Rubella - Thủy đậu MMRV (Mỹ): Đây là loại vắc xin phối hợp 4 trong 1, giúp phòng ngừa đồng thời bệnh sởi, quai bị, rubella và thủy đậu. Vắc xin này mang lại lợi ích lớn khi giảm số lần tiêm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả bảo vệ toàn diện.

3. Lịch tiêm vắc xin sởi
Tiêm vắc xin sởi đúng lịch là biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa bệnh sởi và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Lịch tiêm chi tiết của từng loại vắc xin sởi hiện nay:
Tiêm vắc xin sởi đơn:
Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi.
- Mũi 2: tiêm nhắc lại khi trẻ được 15 - 18 tháng tuổi.
Tiêm phối hợp vắc xin sởi đơn với vắc xin 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella:
- Mũi 1: Tiêm mũi đầu vắc xin sởi đơn khi trẻ từ 9 tháng tuổi.
- Mũi 2: Tiêm mũi đầu vắc xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi.
- Mũi 3: Tiêm mũi vắc xin 3 trong 1 nhắc lại khi trẻ được 4 - 6 tuổi.
Tiêm vắc xin 3 trong 1 Sởi, Quai bị và Rubella
Đối với trẻ từ 12 tháng - dưới 7 tuổi chưa tiêm sởi đơn, trẻ cần được tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: Tiêm mũi đầu khi trẻ được 12 tháng tuổi.
- Mũi 2: Tiêm cách mũi đầu 3 (ưu tiên) hoặc tiêm lúc trẻ được 4 – 6 tuổi.
Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn chưa được tiêm phòng, lịch tiêm như sau:
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Tiêm cách 1 tháng sau mũi đầu.
Ngoài ra, vắc xin sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên khi có dịch sởi hoặc chiến dịch tiêm chủng, sau đó tiêm bình thường theo lịch tiêm tiêu chuẩn khi đủ tuổi.

4. Ai nên tiêm vắc xin sởi?
Vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch. Tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên đều được khuyến cáo tiêm phòng sởi đúng lịch để có miễn dịch suốt đời và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao hoặc chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ cũng cần đi tiêm bổ sung:
- Sinh viên, học sinh sống trong môi trường tập thể
- Nhân viên y tế
- Khách du lịch công tác tại các khu vực có dịch sởi hoặc vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trước khi mang thai
5. Ai không nên tiêm vắc xin sởi?
Việc tiêm vắc xin sởi mang lại hiệu quả bảo vệ cao, nhưng không phải ai cũng phù hợp để tiêm chủng. Những trường hợp không nên tiêm vắc xin sởi bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng: Những người từng bị sốc phản vệ hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng sau khi tiêm vắc xin sởi hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc xin đều không nên tiếp tục tiêm chủng.
- Phụ nữ mang thai: Vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực, do đó không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang mang thai. Nếu có kế hoạch mang thai, nên tiêm vắc xin trước ít nhất 3 tháng.
- Người suy giảm miễn dịch: Người mắc HIV/AIDS giai đoạn tiến triển, ung thư hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch (hóa trị, xạ trị, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch); người có tiền sử gia đình mắc bệnh về hệ miễn dịch
- Người mắc bệnh lao: Những người đang trong giai đoạn lao tiến triển, chưa được điều trị ổn định, chống chỉ định tiêm vắc xin để tránh nguy cơ bùng phát bệnh.
Những trường hợp cần hoãn tiêm vắc xin sởi:
- Trẻ sốt cao trên 38 độ hoặc hạ thân nhiệt dưới mức bình thường.
- Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính.
- Người gần đây đã truyền máu từng tiêm loại vắc xin khác trong vòng 4 tuần.
Ngoài các trường hợp trên, một số nhóm đối tượng nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vắc xin:
- Người có tiền sử rối loạn đông máu (dễ bị bầm tím, chảy máu kéo dài).
- Người có tiền sử động kinh hoặc gia đình có người mắc động kinh.
- Người đang dùng thuốc salicylate (như aspirin).

6. Tính an toàn và hiệu quả của vắc xin
Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Các nghiên cứu khoa học và thử nghiệm lâm sàng nhiều năm qua đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vắc xin sởi trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc tuân thủ đúng lịch tiêm chủng giúp phát triển miễn dịch sớm và bền vững, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh sởi suốt đời.
Tiêm chủng rộng rãi không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn tạo ra miễn dịch cộng đồng. Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao (từ 95% trở lên), khả năng lây lan của virus sởi trong cộng đồng giảm đáng kể, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ những người không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, vắc xin có thể gây ra một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, chúng thường nhẹ và có thể tự khỏi. Lợi ích của việc tiêm vắc xin trong việc phòng ngừa bệnh sởi thường vượt trội so với những rủi ro tiềm ẩn.
Dù vắc xin mang lại hiệu quả cao, một số người sau khi tiêm vẫn có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với virus. Nguyên nhân có thể do hệ thống miễn dịch của họ không phản ứng tốt như mong đợi với vắc xin; khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian hoặc tiếp xúc trong thời gian dài với người bệnh sởi. Tuy nhiên, ở những người đã tiêm vắc xin, triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn và họ cũng ít có khả năng truyền bệnh cho người khác hơn.

7. Tác dụng phụ của vắc xin sởi
Phần lớn những người tiêm vắc xin không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, một số phản ứng nhẹ sau đây có thể xảy ra:
- Đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm
- Sốt nhẹ
- Phát ban nhẹ
- Đau và cứng khớp tạm thời
Các tác dụng phụ này thường nhẹ biến mất nhanh chóng. Hiếm gặp hơn, người tiêm vắc xin sởi có thể gặp tình trạng sốt cao dẫn đến co giật, giảm số lượng tiểu cầu gây chảy máu hoặc bầm tím bất thường. Rất hiếm các trường hợp bị sốc phản vệ với vắc xin sởi.
8. Lưu ý khi đi tiêm phòng sởi
Trước khi tiêm vắc xin sởi, người tiêm sẽ được bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát để đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Trong trường hợp không đủ điều kiện, bác sĩ sẽ tư vấn lịch tiêm phù hợp hoặc hướng dẫn theo dõi sức khỏe trước khi tiếp tục tiêm.
Những điều cần lưu ý khi đi tiêm phòng sởi:
- Theo dõi lịch tiêm chủng, đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn của nhân viên y tế.
- Mang theo những giấy tờ cần thiết như sổ tiêm chủng, số khám bệnh/đơn thuốc (nếu có).
- Tránh ăn (hoặc cho trẻ bú) quá no. Không nhịn đói.
- Trao đổi với bác sĩ tình trạng sức khỏe của người tiêm như trẻ bị suy dinh dưỡng, có mắc bệnh cấp tính (sốt, viêm phổi, viêm phế quản....), tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn,...
9. Lưu ý sau khi tiêm phòng sởi
- Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
- Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc ù tai, thay đổi thị lực, hãy thông báo cho nhân viên y tế.
- Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất một ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần; ăn uống, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm; đại, tiểu tiện, các bất thường khác về sức khỏe,... Nếu sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
- Tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu nặng, bất thường sau tiêm chủng: sốt cao (>39°C), co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, phát ban, trẻ em bú kém, bỏ bú, các biểu hiện bất thường khác về sức khỏe hoặc phần ứng thông thường kéo dài trên một ngày.

10. Giải đáp một số câu hỏi về tiêm phòng sởi
10.1. Trẻ sơ sinh có thể tiêm phòng sởi trước lịch tiêm thông thường không?
Đối với trẻ sơ sinh, trẻ được bảo vệ khỏi bệnh sởi ngay từ khi sinh ra nhờ kháng thể từ mẹ nếu mẹ đã có miễn dịch với bệnh sởi. Miễn dịch thụ động này dần biến mất trong nửa sau của năm đầu đời. Bởi vậy, trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động một phần có thể phát triển các đợt sởi nhẹ hơn và ngắn hơn.
Trong trường hợp bùng phát dịch sởi, trẻ từ 6 tháng tuổi có thể được tiêm vắc xin sởi sớm, sau đó tiếp tục theo lịch tiêm chủng thông thường để đảm bảo hiệu quả bảo vệ lâu dài.
10.2. Nếu bị hoãn tiêm sau đó có được tiêm bù không?
Khi việc tiêm chủng bị trì hoãn do các lý do khác nhau, cần tiêm bù sớm nhất có thể để đảm bảo trẻ được bảo vệ kịp thời. Trẻ mắc các bệnh nhẹ như cảm lạnh do virus, ho hay sổ mũi không cần hoãn tiêm. Chỉ nên trì hoãn khi trẻ ốm nặng hoặc sốt trên 38°C.
10.3. Chỉ tiêm 1 mũi sởi có được không?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một liều vắc xin sởi cung cấp mức độ bảo vệ nhất định nhưng không đem lại hiệu quả tối ưu, khiến người đã tiêm có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với virus. Tiêm đủ hai hoặc ba liều theo phác đồ khuyến cáo giúp tăng cường miễn dịch, đảm bảo bảo vệ cá nhân và cộng đồng, giảm nguy cơ bùng phát dịch.
10.4. Tiêm mũi sởi khi đang cho con bú có được không?
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi. Việc tiêm chủng trong giai đoạn này không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Kháng thể từ mẹ có thể truyền qua sữa, cung cấp một phần bảo vệ cho trẻ trong những tháng đầu đời trước khi đủ tuổi tiêm chủng.
Tham khảo:
1. https://vncdc.gov.vn/benh-soi-nd14512.html
2. https://www.cdc.gov/measles/vaccines/index.html
3. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/mmr/public/index.html
4. https://vncdc.gov.vn/tiem-vac-xin-soi-de-phong-benh-cho-tre-va-tranh-nguy-co-bung-phat-dich-soi-nd13627.html