125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Viêm thanh quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản

            Viêm thanh quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản

            THAI THINH MEDIC
            14/05/2025

            Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Bệnh có rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng cũng rất khác nhau. Tùy theo nguyên nhân và lứa tuổi mắc bệnh, viêm thanh quản được phân loại: viêm thanh quản cấp ở trẻ em, viêm thanh quản cấp ở người lớn, tuy nhiên thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.

            Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm thanh quản

            Viêm thanh quản thường gặp nhất vào mùa thu và đầu mùa đông. Virus là nguyên nhân chính gây ra viêm thanh quản. Ngoài ra, viêm thanh quản có thể xảy ra do co thắt hoặc do vi khuẩn:

            • Viêm thanh quản do virus: Xảy ra do bất kỳ loại virus nào lây nhiễm vào thanh quản và khí quản của trẻ. Các triệu chứng viêm thanh quản do virus thường nhẹ, tuy nhiên có thể nặng lên sau 3 - 5 ngày.
            • Viêm thanh quản co thắt: Ít gặp, thường xuất hiện đột ngột, nhất là vào giữa đêm; có thể do dị ứng hoặc trào ngược dạ dày, khiến acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản của trẻ gây viêm thanh quản.
            • Viêm thanh quản do vi khuẩn: Hiếm gặp nhưng thường nghiêm trọng hơn, có thể gây sốt cao và khó thở nghiêm trọng.

            Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra cơn ho tương tự như bệnh viêm thanh quản. Trẻ có thể đã hít phải các hạt nhỏ như bột hoặc bột mì. Trẻ bị dị ứng thực phẩm cũng có thể bị sưng cổ họng. Nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng nghiêm trọng, cha mẹ cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

            viem-thanh-quan-2

            Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm thanh quản

            Bệnh viêm thanh quản có lây không? 

            Viêm thanh quản rất dễ lây lan, đặc biệt là trong 3 ngày đầu  sau khi các triệu chứng xuất hiện hoặc cho đến khi trẻ hết sốt. Virus thường là nguyên nhân chính gây bệnh nên viêm thanh quản có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh đó ho hoặc hắt hơi.

            Người lớn có thể bị viêm thanh quản không?

            Viêm thanh quản ở người lớn thường khá hiếm gặp. Bên cạnh đó, đường hô hấp ở người lớn phát triển đầy đủ nên ít gây vấn đề về hô hấp khi bị viêm thanh quản. Tuy nhiên, bệnh có thể gây triệu chứng trầm trọng hơn ở người lớn.

            Triệu chứng của viêm thanh quản

            Viêm thanh quản thường khởi phát với các dấu hiệu tương tự như cảm lạnh. Tuy nhiên sau vài ngày, trẻ có thể sốt nhẹ, ho dữ dội, thay đổi giọng nói: khàn tiếng, khóc khàn ở trẻ em, ho khan có thể có đờm nhầy và rít ở cổ họng khi trẻ khóc, kích động hoặc khi chơi đùa. Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.

            Sưng viêm ảnh hưởng đến khả năng thở hoặc nuốt của trẻ cũng có thể khiến trẻ bị thiếu oxy và mất nước. 

            viem-thanh-quan-3

            Triệu chứng của viêm thanh quản

            Chẩn đoán viêm thanh quản

            Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh viêm thanh quản thông qua thăm khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng. Tuy nhiên, để loại trừ các nguyên nhân khác, bác sĩ có thể:

            • Lắng nghe nhịp thở của trẻ
            • Kiểm tra bên trong cổ họng của trẻ
            • Hỏi về các bệnh lý gần đây hoặc các vấn đề hô hấp trẻ gặp phải trước đó
            • Chụp X-quang lồng ngực (ít thực hiện)

            Điều trị viêm thanh quản

            Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản thường nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Viêm thanh quản có thể tự khỏi trong vòng 2 đến 5 ngày. Các triệu chứng của bệnh thường kéo dài không quá 1 tuần, tuy nhiên có thể kéo dài tới 2 tuần trong trường hợp nặng.

            Cha mẹ hãy cố gắng dỗ dành và giữ cho trẻ bình tĩnh vì khóc có thể làm cơn ho của trẻ dữ dội hơn. Nên giữ trẻ ở tư thế ngồi thẳng để trẻ dễ thở hơn. Với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể kê gối cao cho trẻ khi nằm.

            Bên cạnh đó, cha mẹ hãy đảm bảo trẻ được bổ sung đủ nước. Các loại đồ uống ấm, trong như nước táo hoặc nước chanh có thể giúp giãn dây thanh quản và làm loãng chất nhầy. Kem que cũng có thể giúp làm dịu cổ họng của trẻ.

            Cha mẹ có thể dùng các thuốc không kê đơn như paracetamol cho trẻ để hạ sốt. Hơi nước hoặc sương mát cũng giúp trẻ dễ chịu hơn. 

            Liên hệ với bác sĩ nếu trẻ:

            • Sốt kéo dài hơn 3 ngày 
            • Vẫn còn triệu chứng của bệnh viêm thanh quản sau 1 tuần 
            • Thở khò khè ngay cả khi không bị kích động

            Khi trẻ gặp các triệu chứng sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời:

            • Khó thở hoặc khó nuốt
            • Thở rút lõm lồng ngực
            • Da tím tái quanh mũi, miệng hoặc móng tay
            viem-thanh-quan-4

            Điều trị viêm thanh quản

            Cách phòng ngừa bệnh viêm thanh quản

            Viêm thanh quản có thể lây lan giống như cảm lạnh thông thường nên rất khó để phòng ngừa hoàn toàn căn bệnh này. Để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, cha mẹ hãy:

            • Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên.
            • Vệ sinh đồ chơi và các bề mặt trẻ thường xuyên tiếp xúc.
            • Dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy bẩn ngay lập tức.
            • Nếu trẻ bị bệnh, hãy cho trẻ nghỉ học và chăm sóc tại nhà đến khi trẻ khỏe lại.

            Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây viêm thanh quản như bạch hầu và Haemophilus influenzae.

            viem-thanh-quan-5

            Cách phòng ngừa bệnh viêm thanh quản

            Nguồn: https://www.webmd.com/children/understanding-croup-basic-information

            Share