125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Bệnh nướu răng: Viêm nướu (viêm lợi) và viêm nha chu

            Bệnh nướu răng: Viêm nướu (viêm lợi) và viêm nha chu

            THAI THINH MEDIC
            16/05/2025

            Bệnh nướu răng là gì?

            Nướu là những mô bao quanh răng, có vai trò cố định răng. Bệnh nướu răng là tình trạng nhiễm trùng ở các mô này. Nha sĩ của bạn có thể gọi đó là bệnh nha chu hoặc viêm nha chu.

            Bệnh nướu răng khởi phát khi vi khuẩn phát triển trong miệng. Vi khuẩn tích tụ khi bạn đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa không kỹ. Nếu không được điều trị, bệnh nướu răng có thể gây sưng, đỏ, đau và mất răng. 

            Khoảng một nửa người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên có dấu hiệu của bệnh nướu răng. Khoảng 9% người lớn bị bệnh nướu răng nghiêm trọng.

            benh-nuou-rang-2

            Bệnh nướu răng khởi phát khi vi khuẩn phát triển trong miệng.

            Viêm nướu so với viêm nha chu

            Viêm nướu là tình trạng sưng, đỏ và chảy máu ở phần nướu bao quanh răng. Đây là dạng bệnh nướu răng nhẹ. Viêm nướu có thể dẫn đến viêm nha chu nếu không được điều trị kịp thời.

            Khi bạn quên đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước súc miệng, một lớp màng dính của vi khuẩn và thức ăn gọi là mảng bám sẽ tích tụ xung quanh răng của bạn. Mảng bám giải phóng Acid tấn công lớp vỏ ngoài của răng (men răng) và gây tình trạng sâu răng. Sau khoảng 72 giờ, mảng bám sẽ cứng lại thành cao răng, hình thành dọc theo đường viền lợi khiến bạn khó vệ sinh răng và nướu hoàn toàn. Theo thời gian, lớp tích tụ này sẽ gây kích ứng và viêm nhiễm vùng nướu, dẫn đến viêm nướu.

            Nếu bạn bị viêm nha chu, lớp bên trong của nướu và xương sẽ tách khỏi răng và tạo thành các túi lợi. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và nướu này sẽ tích tụ các vụn thức ăn và có thể bị nhiễm trùng. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại vi khuẩn khi mảng bám lan rộng và phát triển bên dưới đường viền nướu.

            Các chất độc do vi khuẩn trong mảng bám cũng như các enzyme của cơ thể tham gia vào quá trình chống nhiễm trùng bắt đầu gây tiêu xương và mô liên kết cố định răng. Khi viêm nha chu nghiêm trọng hơn, các túi lợi trở nên sâu hơn, nhiều mô nướu và xương bị phá hủy hơn. Khi điều này xảy ra, răng không còn được neo giữ tại chỗ mà trở nên lỏng lẻo và dẫn đến mất răng. Bệnh nướu răng là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn.

            Tuy nhiên bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng viêm nướu nếu bạn đánh răng, dùng chỉ nha khoa và vệ sinh răng miệng sạch sẽ cũng như chú ý kiểm tra răng định kỳ.

            benh-nuou-rang-3

            Viêm nướu có thể dẫn đến viêm nha chu nếu không được điều trị kịp thời.

            Các giai đoạn của viêm nha chu

            Bệnh viêm nha chu diễn ra theo bốn giai đoạn, bắt đầu bằng tình trạng sưng nhẹ, đỏ nướu và có thể dẫn đến tiêu xương và mất răng. Cụ thể:

            Viêm nướu

            Ở giai đoạn đầu của bệnh nha chu, nướu của bạn có thể đỏ và sưng. Chúng có thể chảy máu khi bạn đánh răng. Tuy vậy, xương vẫn chưa bị ảnh hưởng. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh viêm nướu của bạn có thể phục hồi hoàn toàn.

            Viêm nha chu nhẹ

            Vi khuẩn đã xâm nhập dưới nướu và ảnh hưởng đến xương. Nướu có thể bị tụt khỏi răng, tạo thành các túi lợi sâu. Mảng bám và vi khuẩn tích tụ trong các túi này, làm tổn thương răng và nướu nghiêm trọng hơn.

            Viêm nha chu trung bình

            Vi khuẩn ăn mòn nướu và gây tiêu xương giữ răng của bạn. Bạn có thể cảm thấy đau ở nướu và thấy mủ xung quanh viền nướu - những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng.

            Viêm nha chu tiến triển

            Xương và mô xung quanh răng bị tổn thương nghiêm trọng. Theo thời gian, răng của bạn có thể bị lung lay và rụng.

            Bệnh nướu răng giai đoạn cuối có thể dẫn đến mất răng. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào máu và gây ra bệnh động mạch vành, bệnh phổi, viêm khớp dạng thấp, rối loạn đường huyết và các vấn đề sức khỏe khác.

            benh-nuou-rang-4

            Bệnh viêm nha chu diễn ra theo bốn giai đoạn.

            Nguyên nhân gây bệnh nướu răng

            Mảng bám là nguyên nhân chính gây ra bệnh nướu răng. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng:

            • Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, dậy thì, mãn kinh hoặc trong kỳ kinh nguyệt, nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị viêm hơn.
            • Bệnh lý: Các bệnh như ung thư, HIV và tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh viêm nha chu.
            • Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm lượng nước bọt bảo vệ răng và nướu như thuốc chống co giật, thuốc điều trị đau thắt ngực,... 
            • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm khả năng tự phục hồi của mô nướu.
            • Thói quen vệ sinh răng miệng kém: Không đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày có thể dẫn đến viêm nướu.
            • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh răng miệng, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao hơn.
            benh-nuou-rang-5

            Mảng bám là nguyên nhân chính gây ra bệnh nướu răng.

            Triệu chứng bệnh nướu răng

            Các triệu chứng của bệnh nha chu có thể khó nhận biết, tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh. Cụ thể, các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nướu răng bao gồm:

            • Nướu chảy máu khi bạn đánh răng
            • Nướu đỏ, sưng (nướu khỏe mạnh phải có màu hồng và săn chắc)
            • Đau hoặc nhạy cảm ở nướu
            • Hôi miệng, vị khó chịu trong miệng không biến mất
            • Đau khi nhai thức ăn
            • Răng nhạy cảm, dễ ê buốt
            • Có mủ giữa các kẽ răng
            • Nướu bị tụt khỏi răng (tụt nướu)
            • Xuất hiện túi sâu giữa răng và nướu
            • Răng lung lay hoặc rụng răng
            • Khoảng trống giữa các răng tạo thành hình tam giác đen
            • Thay đổi khớp cắn giữa các răng khi bạn nhai hoặc cắn

            Ở một số người, bệnh nướu răng có thể chỉ ảnh hưởng đến một số răng nhất định, chẳng hạn như răng hàm. Chỉ có nha sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác bạn có bị bệnh nha chu hay không.

            Bệnh nha chu có lây không?

            Bệnh này có thể lây lan. Bệnh nha chu do vi khuẩn gây ra, và những vi khuẩn này có thể lây qua nước bọt khi bạn hôn người bị bệnh nha chu hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với họ. Tuy nhiên, bạn không thể mắc bệnh nha chu chỉ bằng cách tiếp xúc gần với người bệnh.

            benh-nuou-rang-6

            Triệu chứng bệnh nướu răng

            Chẩn đoán bệnh nướu răng

            Bác sĩ nha khoa sẽ chẩn đoán bệnh nha chu. Trong quá trình khám răng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và và kiểm tra các dấu hiệu như:

            • Nướu sưng, chảy máu
            • Các túi sâu giữa nướu và răng
            • Nướu bị tụt
            • Thay đổi khớp cắn
            • Răng lung lay

            Nha sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia về nướu răng được gọi là bác sĩ nha chu để làm thêm các xét nghiệm và điều trị. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ đo nhỏ được gọi là đầu dò nha chu để đo độ sâu của các túi quanh răng. Túi càng sâu, lượng xương mất đi càng nhiều. Chụp X-quang răng có thể cho thấy tình trạng mất xương rõ ràng hơn.

            benh-nuou-rang-7

            Chẩn đoán bệnh nướu răng

            Điều trị bệnh nướu răng

            Mục tiêu của việc điều trị bệnh nướu răng là giúp nướu bám chặt lại vào răng, giảm sưng và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn. Phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ phụ thuộc vào:

            • Mức độ nghiêm trọng của bệnh nướu răng
            • Các phương pháp điều trị đã áp dụng trước đó
            • Tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
            • Người bệnh có hút thuốc lá hay không

            Các lựa chọn bao gồm phương pháp điều trị kiểm soát vi khuẩn và phẫu thuật để phục hồi mô nâng đỡ răng.

            Điều trị không phẫu thuật

            Viêm nha chu nhẹ có thể điều trị bằng các biện pháp sau đây:

            • Lấy cao răng: Giống như việc làm sạch răng thông thường nhưng chuyên sâu hơn, giúp loại bỏ mảng bám, cao răng và vi khuẩn từ dưới nướu bằng dụng cụ chuyên dụng, tia laser hoặc sóng siêu âm.
            • Chà nhẵn bề mặt chân răng: Làm nhẵn bề mặt chân răng dưới nướu, giúp hạn chế vi khuẩn và mảng bám tích tụ trở lại, đồng thời giúp nướu bám chắc hơn vào răng.
            • Kháng sinh: Dùng nước súc miệng, gel bôi hoặc thuốc kháng sinh đường uống để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng.

            Phẫu thuật bệnh nướu răng

            Đối với viêm nha chu nặng, bạn có thể phải điều trị bằng phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến:

            • Phẫu thuật nạo túi nha chu: Quy trình này giúp loại bỏ mảng bám sâu dưới nướu. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên nướu để tạo vạt, sau đó làm sạch túi lợi khỏi vi khuẩn, cao răng và mảng bám dưới nướu, đồng thời, mài nhẵn những chỗ gồ gề trên xương. Cuối cùng, nướu được đặt lại đúng vị trí và khâu cố định. Sau phẫu thuật này, bạn sẽ dễ dàng giữ sạch răng và nướu hơn.
            • Phẫu thuật ghép mô mềm: Dùng mô ghép để che phủ phần chân răng bị lộ do tụt nướu. Mô ghép có thể được lấy từ vòm miệng hoặc từ người hiến tặng.
            • Phẫu thuật ghép xương: Khi bệnh viêm nha chu làm tiêu xương quanh răng, bác sĩ sẽ cấy ghép mảnh xương tự thân, vật liệu nhân tạo hoặc xương hiến tặng vào vùng bị tiêu xương để giữ răng cố định. Theo thời gian, xương tự nhiên của bạn sẽ phát triển lại.
            • Phẫu thuật tái tạo mô: Quy trình này thường được thực hiện cùng với ghép xương. Bác sĩ đặt một lớp màng đặc biệt giữa nướu và xương ghép, giúp giữ khoảng trống để xương mới phát triển.
            • Protein kích thích mô: Dùng gel protein bôi lên chân răng tổn thương để kích thích sự phát triển của mô và xương khỏe mạnh mới.
            • Fibrin giàu tiểu cầu (PRF) và huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP và PRF giúp đẩy nhanh quá trình lành thương và giảm đau sau phẫu thuật nướu. PRP và PRF được chiết xuất từ máu bệnh nhân bằng cách quay ly tâm, sau đó bôi trực tiếp lên vị trí phẫu thuật để thúc đẩy quá trình phục hồi.
            benh-nuou-rang-8

            Điều trị bệnh nướu răng

            Bệnh nướu răng có thể chữa khỏi được không?

            Bệnh nướu răng có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, xương quanh răng bị tiêu biến không thể phục hồi lại được. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh tiến triển bằng phương pháp điều trị thích hợp và chăm sóc răng miệng đúng cách.

            Phòng ngừa bệnh nướu răng

            Hầu hết các trường hợp có thể điều trị khỏi viêm nướu và ngăn ngừa tiến triển bệnh nướu răng nếu kiểm soát mảng bám đúng cách, bao gồm đi lấy cao răng ít nhất hai lần một năm và vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Cụ thể:

            • Đánh răng hai lần một ngày: Sử dụng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có fluoride. Thay bàn chải mỗi 3 tháng hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị tòe.
            • Dùng chỉ nha khoa hàng ngày: Chỉ nha khoa giúp loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám giữa các kẽ răng và dưới đường viền nướu, giúp làm sạch những nơi bàn chải không chạm tới. Bạn cũng có thể sử dụng dụng cụ làm sạch kẽ răng, tăm hoặc bàn chải kẽ. Tuy nhiên, hãy hỏi nha sĩ cách dùng các dụng cụ này để tránh làm tổn thương nướu.
            • Súc miệng hàng ngày: Nước súc miệng kháng khuẩn không chỉ ngăn ngừa viêm nướu mà còn giúp chống hôi miệng và mảng bám.loại bỏ mảng bám. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, nước súc miệng kháng khuẩn có thể làm giảm vi khuẩn gây mảng bám và bệnh nướu răng. Hãy tham khảo ý kiến nha sĩ để chọn loại nước súc miệng phù hợp.

            Ngoài ra, những thay đổi khác về sức khỏe và lối sống có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng, giảm tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bao gồm:

            • Bỏ thuốc lá:  Hút thuốc không chỉ gây hại cho tim và phổi mà còn ảnh hưởng đến răng và nướu. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao gấp 7 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ vậy, hút thuốc lá còn làm giảm hiệu quả của một số phương pháp điều trị bệnh nướu răng.
            • Giảm căng thẳng: Căng thẳng khiến hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả, làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
            • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Vi khuẩn trong miệng phát triển nhờ đường và tinh bột từ thức ăn, tạo ra axit tấn công men răng. Do vậy, cần hạn chế đồ ăn vặt và kẹo ngọt giúp bảo vệ răng và nướu. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin E (dầu thực vật, các loại hạt, rau xanh) và vitamin C (cam, bưởi, bông cải xanh, khoai tây) giúp cơ thể phục hồi mô tổn thương.
            • Tránh nghiến răng và siết chặt hàm: Hành động này gây áp lực lên mô nâng đỡ răng, làm tăng tốc độ phá hủy mô này.
            benh-nuou-rang-9

            Các biện pháp phòng ngừa bệnh nướu răng

            Học viện Nha chu Hoa Kỳ cho biết, cho dù tuân thủ các biện pháp vệ sinh răng miệng và lối sống lành mạnh, vẫn có tới 30% người Mỹ có nguy cơ mắc bệnh nướu răng do yếu tố di truyền cao gấp 6 lần. Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh nướu răng, bạn cũng có thể có nguy cơ cao mắc tình trạng này. Vì vậy, bạn nên đi kiểm tra răng miệng và lấy cao răng thường xuyên để kiểm soát nguy cơ này một cách tốt hơn.

            Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên đi kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng/lần, đồng thời chú ý đánh răng đúng cách, tránh chải răng quá mạnh hoặc không làm sạch kỹ. Nếu bạn đánh răng 2 lần mỗi ngày, hãy dùng chỉ nha khoa và súc miệng hàng ngày để cải thiện tình trạng nướu răng.

            Bệnh nướu răng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác không?

            Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các nhà nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ tiềm ẩn giữa bệnh nướu răng và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, vi khuẩn từ miệng đi vào máu thường không gây hại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, những vi khuẩn này có thể liên quan đến các bệnh như đột quỵ và bệnh tim.

            Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ gây bệnh nướu răng. Đồng thời, bệnh nướu răng cũng có thể khiến tình trạng tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.

            Nguồn:

            https://www.webmd.com/oral-health/gingivitis-periodontal-disease 

            Share