Khi thời tiết giao mùa, số ca mắc bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, gây khó chịu và để lại sẹo nếu không chăm sóc đúng cách. Bài viết sau sẽ giúp bạn nắm được những thông tin cần thiết để phòng ngừa và nhận biết căn bệnh này một cách hiệu quả nhất!
1. Thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus Varicella Zoster gây ra, lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mụn nước. Bệnh phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt bùng phát mạnh vào mùa đông và đầu xuân.
Thông thường, một người chỉ mắc bệnh thủy đậu một lần trong đời và sau đó sẽ có miễn dịch tự nhiên lâu dài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể tái phát nếu hệ miễn dịch suy yếu. Virus gây thủy đậu có khả năng tồn tại tiềm ẩn trong cơ thể và có thể tái kích hoạt sau nhiều năm dưới dạng zona – thường gặp ở người lớn tuổi.
Thống kê cho thấy, ở những vùng khí hậu ôn hòa, phần lớn trẻ dưới 15 tuổi từng nhiễm virus gây bệnh thủy đậu. Trong khi đó, tại các quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, người trưởng thành lại có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Dịch thủy đậu thường diễn biến theo chu kỳ và có xu hướng gia tăng trong những tháng thời tiết lạnh – tương tự như các bệnh lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp như sởi.

Thủy đậu là gì?
2. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là virus Varicella-Zoster (VZV), thuộc nhóm Herpesviridae. Virus này là tác nhân gây thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người trưởng thành, do đó virus này đôi khi còn được gọi là virus thủy đậu – zona.
VZV có cấu trúc hình cầu, đường kính khoảng 250 nnm, gồm một lõi chứa ADN di truyền và được bao bọc bởi lớp vỏ protein đặc trưng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, virus nhanh chóng nhân lên và lan ra toàn thân, gây nên các triệu chứng đặc trưng.
Cơ thể người là ổ chứa chính của virus thủy đậu. Ngoài môi trường, virus có thể sống sót trong một thời gian ngắn, đặc biệt trong các vảy mụn khô bong ra từ người bệnh. Tuy nhiên, chúng dễ bị tiêu diệt bởi các dung dịch sát khuẩn thông dụng.

Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
3. Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
Bệnh thủy đậu được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nhất, đặc biệt ở những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm ngừa. Virus có thể lan truyền chủ yếu qua hai con đường: trực tiếp và gián tiếp.
- Lây truyền trực tiếp: Tiếp xúc với dịch tiết từ mụn nước, nước bọt hoặc dịch hô hấp của người bệnh. Thậm chí, chỉ cần đứng gần và hít phải các giọt bắn li ti phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Lây truyền gián tiếp: virus cũng có thể bám vào các vật dụng như khăn, đồ chơi, quần áo… vừa dính dịch từ mụn nước, khiến người tiếp xúc sau đó dễ bị lây nhiễm.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 - 3 tuần (trung bình khoảng 14 – 16 ngày). Tuy nhiên, người bệnh đã có thể lây cho người khác ngay từ 1 – 2 ngày trước khi phát ban xuất hiện và kéo dài cho đến khi tất cả các nốt mụn nước khô lại và đóng vảy. Với người có hệ miễn dịch yếu, thời gian lây lan thậm chí có thể lâu hơn.
Đáng chú ý, ngay cả người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc thủy đậu cũng có thể trở thành nguồn lây. Những trường hợp này thường không có nhiều mụn nước nhưng vẫn có khả năng truyền virus cho người chưa có miễn dịch.
Ngoài ra, người mắc bệnh zona – một dạng tái hoạt động của virus VZV sau khi khỏi thủy đậu – cũng có thể lây virus cho người khác. Tuy nhiên, người tiếp xúc sẽ không bị zona mà bị thủy đậu nếu chưa từng mắc bệnh trước đó hoặc chưa được tiêm ngừa.
Tỷ lệ lây nhiễm trong môi trường gia đình có thể lên đến 90% nếu có người chưa có miễn dịch tiếp xúc gần với bệnh nhân thủy đậu hoặc zona đang hoạt động.

Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
4. Ai có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu?
Bệnh thủy đậu có thể tấn công bất kỳ ai nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng giống nhau. Một số nhóm đối tượng dễ bị thủy đậu tấn công nặng hơn, thậm chí có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Sau đây là các nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh thủy đậu:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng hoặc có mẹ chưa được tiêm phòng.
- Thanh thiếu niên và người trưởng thành. Người lớn thường mắc bệnh nặng hơn trẻ em.
- Phụ nữ mang thai.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: người bị HIV/AIDs, người đang điều trị ung thư, cấy ghép nội tạng, mắc các bệnh lý như HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch dài hạn như corticoid hoặc hóa trị.

Ai có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu?
5. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường bắt đầu một cách âm thầm với các dấu hiệu sớm như sốt, uể oải, mệt mỏi, chán ăn và đau đầu.
- Bệnh nhân thường sốt nhẹ, có thể sốt cao lên tới 39–40°C.
- Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, bỏ bú, trằn trọc hoặc co giật do sốt cao.
- Có thể kèm theo viêm họng, chảy mũi hoặc ho nhẹ – dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên.
Những biểu hiện này dễ khiến nhiều người nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, chỉ sau 1 - 2 ngày, dấu hiệu đặc trưng nhất của thủy đậu sẽ xuất hiện – đó là phát ban kèm theo mụn nước ngứa. Ban đầu xuất hiện những dát đỏ nhỏ trên da, sau đó nhanh chóng hình thành các mụn nước nông, trong trên bề mặt da.
Sau 24 - 48 giờ, các mụn này chuyển sang màu vàng, bắt đầu đóng vảy nâu. Vị trí xuất hiện thường bắt đầu ở ngực, lưng, mặt, sau đó lan dần ra toàn thân, bao gồm da đầu, bên trong miệng, mí mắt và cả vùng sinh dục. Ban mọc theo từng đợt (3 - 4 ngày/lần), do đó trên cùng một vùng da có thể đồng thời xuất hiện các tổn thương ở nhiều giai đoạn khác nhau: dát đỏ – mụn nước – vảy.
Sau khoảng 4 - 6 ngày, các mụn nước sẽ tự khô lại và đóng vảy. Vảy sẽ bong ra sau 1 tuần, thông thường không để lại sẹo nếu người bệnh không gãi hoặc bị loét, nhiễm trùng. Toàn bộ quá trình diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. Trẻ em mắc bệnh thường phải nghỉ học trong suốt giai đoạn này để tránh lây lan.
Một số người dù đã được tiêm phòng vẫn có thể nhiễm thủy đậu. Tuy nhiên, triệu chứng thường nhẹ hơn so với người chưa có miễn dịch:
- Ít mụn nước hoặc chỉ nổi ban đỏ.
- Sốt nhẹ hoặc không sốt.
- Hồi phục nhanh hơn và ít có nguy cơ biến chứng.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu
6. Biến chứng của bệnh thủy đậu
Mặc dù phần lớn các trường hợp thủy đậu đều diễn tiến lành tính và tự khỏi sau khoảng 1 tuần, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh thủy đậu vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch yếu, phụ nữ mang thai hoặc người chưa từng tiêm phòng.
- Nhiễm trùng da và mô mềm: Các mụn nước trong thủy đậu có thể bị trầy xước do gãi ngứa, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da, tạo sẹo vĩnh viễn mất thẩm mỹ, nhất là khi mụn nước thủy đậu thường mọc dày trên mặt. Một số trẻ em có thể gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn do liên cầu nhóm A – loại vi khuẩn nguy hiểm có thể dẫn đến nhiễm trùng sâu, hoại tử hoặc nhiễm khuẩn huyết nếu không điều trị kịp thời.
- Viêm phổi: Biến chứng viêm phổi thường xuất hiện ở người lớn hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Biểu hiện có thể bao gồm ho khan, khó thở, tím môi, đau ngực và mệt mỏi kéo dài.
- Viêm não và rối loạn thần kinh: Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của thủy đậu là viêm não hoặc mất điều hòa tiểu não – tình trạng bệnh nhân mất khả năng phối hợp vận động, đi đứng loạng choạng, có thể sốt rất cao, co giật, hôn mê, rối loạn tri giác và cần được cấp cứu kịp thời.
- Viêm tai, viêm họng, viêm thanh quản: Thủy đậu không chỉ ảnh hưởng đến da mà còn có thể lan đến niêm mạc tai, miệng, cổ họng, gây viêm nhiễm các vùng này. Người bệnh có thể than đau tai, nuốt vướng, khàn tiếng.
- Biến chứng khác: Mất nước, suy kiệt, biến chứng xuất huyết do rối loạn đông máu, viêm võng mạc, viêm cầu thận,...

Biến chứng của bệnh thủy đậu
7. Điều trị và chăm sóc khi mắc bệnh thủy đậu
Đa số trường hợp thủy đậu có thể tự khỏi , tuy nhiên việc điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian bệnh, giảm khó chịu cho người bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
7.1. Nguyên tắc điều trị bệnh thủy đậu
Điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu dựa trên việc làm giảm triệu chứng và phòng ngừa bội nhiễm. Một số nguyên tắc cơ bản gồm:
- Sử dụng thuốc hạ sốt chứa paracetamol (acetaminophen) nếu sốt cao. Tránh dùng aspirin cho trẻ em để hạn chế nguy cơ hội chứng Reye. Không dùng ibuprofen nếu không cần thiết, vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da nặng.
- Giảm ngứa bằng thuốc kháng histamin hoặc kem bôi theo chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh thân thể thường xuyên, giữ da khô thoáng, tắm bằng nước ấm sạch để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Sát trùng các nốt phỏng bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ, bôi kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm. Tuyệt đối không chọc vỡ mụn nước.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus như vidarabine, acyclovir. Thuốc có hiệu quả tốt nhất nếu dùng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi phát ban. Thuốc thường được chỉ định cho:
- Người trên 12 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Người có bệnh lý nền mãn tính như bệnh phổi, bệnh da
- Người có hệ miễn dịch suy giảm (HIV/AIDS, ung thư, ghép tạng)
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nếu có nguy cơ biến chứng
- Người đang điều trị bằng steroid hoặc salicylate trong thời gian dài.

Nguyên tắc điều trị bệnh thủy đậu
7.2. Khi nào cần đi khám?
Người mắc bệnh thủy đậu cần chủ động đi khám bác sĩ nếu thuộc nhóm nguy cơ cao biến chứng kể trên hoặc có các biểu hiện nghiêm trọng như:
- Sốt kéo dài trên 4 ngày hoặc sốt cao trên 39°C
- Các nốt phỏng hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bị đỏ lên, nóng, đau nhức hoặc rỉ dịch vàng, có mùi hôi hoặc sưng tấy (dấu hiệu của nhiễm trùng)
- Rối loạn tri giác, mệt mỏi nhiều
- Đau bụng dữ dội
- Khó thở, ho nặng
- Nôn ói liên tục
- Cổ cứng
- Khó vận động
- Phát ban kèm chảy máu hoặc bầm tím (phát ban xuất huyết)
7.3. Chăm sóc tại nhà
- Cách ly người bệnh tại nhà từ 7 đến 10 ngày cho đến khi các nốt phỏng đóng vảy hoàn toàn. Người tiếp xúc với người bệnh thủy đậu cần cách ly 11 - 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc.
- Cho người bệnh đeo khẩu trang, ở phòng riêng thoáng khí, có ánh nắng mặt trời để tránh lây nhiễm.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Tắm rửa hàng ngày, mặc quần áo thoáng mát, vải mềm.
- Sử dụng vật dụng cá nhân riêng biệt: khăn mặt, cốc uống nước, chén bát… Sát khuẩn đồ dùng bị nhiễm dịch tết của người bệnh.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên thức ăn dễ tiêu, bổ sung vitamin C từ trái cây, rau củ. Uống đủ nước để hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Không làm vỡ mụn nước để tránh sẹo và nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Cắt ngắn móng tay, hạn chế gãi. Nếu gãi mụn nước, hãy rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn ít nhất 20 giây.
Đối với người đã tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu nhưng chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh, có thể tiêm globulin miễn dịch (VZIG) trong vòng 96 giờ kể từ khi tiếp xúc để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Chăm sóc tại nhà khi mắc thủy đậu
8. Phòng ngừa bệnh thủy đậu
Việc phòng ngừa đóng vai trò then chốt trong kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Hiện nay, biện pháp phòng ngừa thủy đậu tốt nhất là tiêm phòng vắc xin. Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực - chứa virus sống đã được làm yếu, có khả năng kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể mà không gây bệnh nặng.
Phác đồ khuyến cáo gồm 2 liều:
- Liều 1: dành cho trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi
- Liều 2: tiêm nhắc lại khi trẻ 4 - 6 tuổi
Đối với những người từ 13 tuổi trở lên chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm chủng, cần tiêm đủ 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Phần lớn người tiêm đủ 2 mũi vắc xin thường có miễn dịch kéo dài suốt đời.
Ngoài ra, nếu bạn đã tiếp xúc với người mắc thủy đậu, việc tiêm vắc xin trong 3 - 5 ngày đầu có thể giúp ngăn ngừa hoàn toàn hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Với những người không đủ điều kiện tiêm ngừa, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus để kiểm soát nguy cơ diễn tiến nặng.
Ai nên tiêm vắc xin thủy đậu?
Bên cạnh trẻ em, những nhóm sau cũng được khuyến nghị tiêm ngừa để ngăn ngừa thủy đậu lây lan rộng:
- Nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ em
- Người sống cùng hoặc tiếp xúc gần với người có hệ miễn dịch kém, trẻ sơ sinh chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin thủy đậu
- Sinh viên, quân nhân, người sống tập trung (ký túc xá, trại giam…)
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chưa mang thai
- Người chuẩn bị đi du lịch quốc tế
Ai không nên tiêm vắc xin?
Một số trường hợp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm:
- Người đang điều trị ung thư, xạ trị hoặc hóa trị
- Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai
- Người từng bị phản ứng nặng với thành phần vắc xin
- Người mới truyền máu hoặc dùng chế phẩm miễn dịch.

Biện pháp phòng ngừa thủy đậu tốt nhất là tiêm phòng vắc xin
Tham khảo: