125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Cẩm nang chăm sóc sức khỏe phụ nữ - Hậu sản

            Cẩm nang chăm sóc sức khỏe phụ nữ - Hậu sản

            THAI THINH MEDIC
            07/03/2025

            Phần 4. Hậu sản

            1. Chăm sóc trẻ sơ sinh

            Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì tiếp tục ít nhất 1 năm hay lâu hơn tùy theo nguyện vọng của mẹ và bé. Việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho bé và cả cho mẹ.

            • Sữa mẹ là nguồn dinh ưỡng với các thành phần tiêu chuẩn, có sẵn, tiết kiệm và hết sức an toàn.
            • Cho con bú giúp tử cung co hồi tốt, mẹ chậm có kinh lại, tăng thời gian ngừa thai, nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh.
            • Sữa mẹ giúp hệ thống đường ruột của trẻ trưởng thành.
            • Sữa mẹ chứa kháng thể giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh dị ứng và nhiều bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải trong thời kỳ nhũ nhi.
            • Tình cảm giữa mẹ và con càng thêm gắn bó, bé có cảm giác được yêu thương, dễ thích nghi với thay đổi đầu đời khi vừa ra khỏi tử cung.

            Trong trường hợp người mẹ không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nên gặp bác sĩ, nhân viên y tế để tham vấn chọn lựa các chế phẩm sữa phù hợp giúp bé tránh nguy cơ bị hạ đường huyết, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển về sau.

            Bú dặm

            Việc chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang bú mẹ có xen kẽ các cữ bú bình được gọi là giai đoạn bú dặm. Bú dặm khi mẹ không đủ sữa, bé chưa đủ no khiến bé quấy khóc đòi bú, khó ngủ, chậm tăng cân so với mức tiêu chuẩn.

            cam-nang-cham-soc-suc-khoe-phu-nu-hau-san-1

            Hậu sản là thời gian mà cơ thể phụ nữ hồi phục sau sinh và bắt đầu điều chỉnh lại các thay đổi đã xảy ra trong suốt thai kỳ

            Đầu tiên, nên kiểm tra xem bé có được bú theo nhu cầu không: cách khoảng 3 giờ/ cữ bú, mẹ có ăn uống đủ chất, uống đủ nước, và tư thế cho bú đã đúng chưa. Khi đã kiểm tra những nguyên nhân này mà bé vẫn chưa đủ no thì nên cho bú dặm thêm.

            Hướng dẫn: Cho bé bú mẹ và xen kẽ thêm cá cữ bú bình, số lần tăng dần tùy vào thời gian thích hợp và nhu cầu của bé: 3 ngày đầu 1 cữ bú bình, 3 ngày tiếp theo 2 cữ bú bình, 3 ngày tiếp theo 3 cữ bú bình.

            Ăn dặm

            Phần lớn các bà mẹ phải quay trở lại với công việc khoảng 4-6 tháng sau sinh. Trong khi đó, bé ngày càng trưởng thành và cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển. Sữa mẹ lúc này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cao cảu bé nên việc cho bú dặm và ăn dặm là điều cần thiết.

            Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm bao gồm: bé hay khóc, thường xuyên thức dậy trong đêm và nhanh thay tã hơn. Một số ý kiến khác cho rằng khi bé hào hứng nhìn người khác ăn và có thể cầm nắm được thì cũng là lúc nên cho bé ăn dặm.

            Hướng dẫn: Thời gian ăn dặm linh động tùy vào nhu cầu và thói quen của mẹ và bé. Trong giai đoạn này, không cần phải cai sữa mẹ hoàn toàn. Sự kết hợp giữa ăn dặm và bú mẹ trong một khoảng thời gian đầu sẽ giúp cơ thể bé dễ dàng chấp nhận các loại thực phẩm mới tốt hơn.

            2. Chăm sóc sản phụ

            Hậu sản là thời gian khoảng 4-6 tuần sau sinh. Sau khi sinh, cơ thể của người phụ nữ sẽ trải qua nhiều sự thay đổi lớn, đồng thời phải đảm bảo nguồn sữa cho bé phát triển. Vì vậy, việc chăm sóc sản phụ đóng một vai trò rất quan trọng giúp cho người phụ nữ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.

            Những thay đổi về thể chất

            Trong vòng 6 tuần sau sinh, bà mẹ cần được nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe sau những tháng mang thai và vượt cạn. Việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bà mẹ phục hồi sức khỏe, lấy lại vóc dáng, sinh lực, có sữa cho bé để hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ của mình.

            Một số hiện tượng thường gặp trong thời kỳ hậu sản:

            • Sản dịch (dịch máu sau sổ nhau thường có màu sậm lãong có thể kéo dài đến 2-3 tuần sau sinh).
            • Đau vết may tầng sinh môn nếu sinh thường, vết mổ trên bụng nếu sinh mổ.

            Cần chú ý vệ sinh

            Việc giữ vệ sinh âm đạo, đi đứng nhẹ nhàng sẽ giúp tử cung nhanh trở lại bình thường sau 20-30 ngày (gọi là co hồi tử cung).

            Những điều cần chú ý khi vệ sinh:

            • Giữ âm đạo luôn sạch và khô, đặc biệt sau mỗi lần đi vệ sinh để tránh nhiễm trùng
            • Sau sinh khoảng 2-3 ngày, bà mẹ đã có thể gội đầu và ắtm toàn thân. Dùng dầu gội đầu hay trái bồ kết nấu nước sôi để ấm, nên gội nhanh 5-7 phút, không nên ngâm tóc lâu. Sau khi gội, nên sấy tóc khô ngay.
            • Tăng cường thực phẩm giàu cahát xơ để tránh táo bón.

            Thực hiện các bài tập thể dục phù hợp

            • Vận động cơ thể sau sinh sẽ giúp co hồi tử cung tốt, tránh bế sản dịch, tránh thuyên tắc tĩnh mạch.
            • Ngày đầu có thể ngồi dậy ra khỏi giường sau 8 tiếng, những ngày tiếp theo có thể đi lại trong phòng. Có thể ra tắm nắng ngoài trời từ ngày thứ 2 trở đi, vào buổi sáng sớm từ 7-8 giờ. Sau 1 tuần, bà mẹ có thể tập thể dục toàn thân với các động tác nhẹ nhàng.
            • Những động tác nhẹ nhàng như đi bộ sẽ giúp co khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này. Bà mẹ còn có thể tự xoa bóp nhẹ vùng xuwong mu, xoa bóp vùng bụng và không nên nằm nhiều.

            Chế độ ăn uống

            • Nên uống mỗi ngày từ 10-12 ly nước hoặc nước ép tái cây. Không nên uống nước có ga.
            • Tăng cường thịt để tăng lượng đạm, sắt như thịt gà, thịt bò, cá. Tăng cường thực phẩm dạng hạt.
            • Hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ.
            • Nên nuôi con bằng sữa mẹ, đây là cách tốt nhất cho cả mẹ lẫn con, trong đó có tác dụng giảm cân và duy trì vẻ đẹp tự nhiên cho cơ thể phụ nữ sau sinh.

            Vấn đề tình dục sau khi sinh

            • Nếu sức khỏe của sản phụ hồi phục nhanh thì sau 4-6 tuần đã có thể sinh hoạt tình dục bình thường, đây cũng là cách giúp cho cơ thể người phụ nữ kích hoạt trở lại trạng thái bình thường.
            • Việc bắt đầu quan hệ lại sau khi sinh cần phải có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Khi quan hệ, người chồng cần phải hết sức nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho phụ nữ, động viên trò chuyện để làm giảm căng thẳng và vượt qua ám ảnh về cơn đau vượt cạn.

            Ám ảnh rụng tóc sau sinh

            Nếu rụng trên 100 sợi tóc mỗi ngày mới gọi là bệnh lý, còn ít hơn vẫn là bình thường. Đối với phụ nữ sau sinh, việc rụng tóc là do:

            • Sự thay đổi nội tiết tố, hậu quả của các sang chấn tâm lý (lo lắng, căng thẳng) từ lúc mang thai đến lúc sinh con.
            • Dùng chất tẩy rửa mạnh, gội đầu quá thường xuyên (bình thường một tuần chỉ nên gội 2-3 lần).
            • Nhiều trường hợp rụng tóc do nấm với các biểu hiện kèm theo như ngứa da đầu, tóc rụng thành từng mảng. Khi đó, người mẹ cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.

            Khi không cho con bú nữa, nội tiết của người phụ nữ dần ổn định, mọi thứ quay trở lại như trước và tóc có thể sẽ bớt rụng. Ngoài ra, để hạn chế lượng tóc rụng và kích thích tóc mọc lại, bạn nên:

            • Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ trong thời gian mang thai và cho con bú.
            • Có chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế đồ ngọt, ăn nhiều rau tươi, tái cây, đồ hải sản, cá, trứng, các loại đậu, những thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi, vitamin nhóm B.
            • Chải tóc nhẹ nhàng, kết hợp xoa bóp da đầu giúp máu lưu thông, thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc mới.
            • Tránh kiêng khem quá mức việc tắm, gội đầu, chải tóc trong thời gian ở cữ sau sinh. Cần đảm bảo vệ sinh, giữ thông thoáng cho tóc và da đầu.
            • Hạn chế sử dụng các loại dầu gội có chất tẩy rửa mạnh, tốt nhất nên dùng loại có nguồn gốc từ thiên nhiên.

            Trầm cảm sau sinh

            Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh, kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại hoặc bản thân mình là người mẹ xấu.

            Trầm cảm sau sinh có các mức độ nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể là trạng thái thoáng qua hoặc kéo dài. Trầm cảm sau sinh nên được điều trị sớm để tránh các hậu quả nghiêm trọng.

            Nguyên nhân

            • Thay đổi nội tiết tố (hormon): nồng độ estrogen và progestrogen sau sinh giảm đột ngột, nồng độ hormon tuyến giáp giảm gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
            • Các yếu tố khách quan: vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
            • Khó khăn trong chăm sóc bé: nhiều người mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé.
            • Yếu tố di truyền: trong gia đình có người thân bị trầm cảm thì nguy cơ bệnh càng cao.

            Những đối tượng dễ mắc trầm cảm sau sinh

            • Tiền sử bị bệnh trầm cảm, trầm cảm sau sinh
            • Dưới 18 tuổi
            • Đối tượng gặp nhiều sự kiện gây căng thẳng: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp,...
            • Thai kỳ không mong muốn
            • Trầm cảm dễ xuất hiện ở người sinh con đầu lòng (con so), tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở những người mẹ sinh con nhiều lần (con rạ).

            Dấu hiệu cần lưu ý

            • Suy nhược cơ thể, thiếu sinh lực: Thường xuyên ở trong trạng thái mệt mỏi triền miên, chán ăn, thờ ơ với công việc nhà, không buồn tắm rửa, chải chuốt.
            • Lo lắng thái quá: Thường xuyên than phiền về sức khỏe, cảm thấy đau dữ dội, nhưng bác sĩ lại không tìm ra nguyên nhân. Một số người phụ nữ khác sẽ cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà, từ chối tiếp xúc với bất kỳ ai.
            • Hoảng hốt
            • Căng thẳng: Không thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung. Loại căng thẳng này không thể giải quyết bằng thuốc an thần được. Không nên lạm dụng thuốc an thần, nên chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
            • Cảm giác bị ám ảnh: Sợ hãi vô cớ và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình, nên báo với gia đình và bác sĩ.
            • Mất tập trung: Khó tập trung đọc sách, xem tivi hay trò chuyện. Giảm sút trí nhớ, lơ mơ, đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ.
            • Rối loạn giấc ngủ: Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không ngủ lại được. Trong trường hợp bà mẹ bị mất ngủ kéo dài, bác sĩ thường kê toa thuốc ngủ nhưng đôi lúc dùng liều cao vẫn không hiệu quả. Trong trường hợp này, quan trọng là chữa được trầm cảm thì sẽ ngủ lại được bình thường. Tốt hơn cả, nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
            • Không hứng thú với quan hệ tình dục: Người chồng nên kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ mình sớm hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh. Nên bắt đầu bằng những đụng chạm nhẹ, ôm ấp và vuốt ve.

            Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh

            Hỗ trợ từ người thân

            • Hãy để người mẹ làm điều họ thích nhưng trong tầm kiểm soát an toàn.
            • Trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh, hãy đối xử với họ bình thường.
            • Trầm cảm sau sinh chỉ là trạng thái tạm thời và quá trình điều trị rất cần sự giúp đỡ từ gia đình.
            • Hãy để họ nghỉ ngơi nhiều hơn.
            • Hạn chế để người mẹ một mình.

            Điều trị bằng thuốc

            • Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh, nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
            • Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Bên cạnh việc dùng thuốc, điều quan trọng khác là duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, nên bổ sung vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp.

            Liệu pháp tâm lý

            • Nếu trầm cảm nhẹ nhì việc tư vấn đơn thuần có thể giúp người bệnh vượt qua được tình trạng này.
            • Nếu trầm cảm nặng, bắt buộc phải đièu trị thuốc. Bên cạnh đó, việc tư vấn cũng giúp ích cho bệnh nhân giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
            • Tư vấn có thể mỗi tuần 1 lần hoặc hơn.

            Vai trò của bản thân người mẹ

            • Điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị là người phụ nữ phải tin tưởng rằng mình sẽ sớm hồi phục.
            • Cảm giác đau và nhức khá phổ biến ở phụ nữ trầm cảm sau sinh, và đó không phải là dấu hiệu của những căn bệnh nghiêm trọng. Việc suy nghĩ rằng nhức đầu do u não, đau ngực do bệnh tim chỉ làm cho bệnh tầm cảm nặng nề hơn.
            • Hãy thư giãn, nghỉ ngơi, giảm mệt mỏi và quên đi đau đớn. Tránh thức khuya và hãy nhờ người khác cho bé bú buổi tối.
            • Ăn uống đầy đủ, nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói và bổ sung viên đa sinh tố mỗi ngày. Đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều làm bản thân khó chịu.

            Trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tránh cảm giác thất vọng.

            Các biện pháp phòng tránh trầm cảm ngay trong giai đoạn thai kỳ

            • Gia đình hãy luôn động viên, gần gũi và chia sẻ với người phụ nữ ngay trong lúc mang thai về những khó khăn khi vượt cạn và chăm sóc bé sau sinh.
            • Khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
            • Hai vợ chồng nên tham gia các lớp học về thai sản, chăm sóc trẻ sơ sinh.
            • Sự quan tâm, lắng nghe, động viên, chăm sóc của người bố càng đặc biệt quan trọng trong việc dự phòng trầm cảm sau sinh.

            Báo động: Khi có ý định tự tử, phái khám ngay với bác sĩ tâm thần.

            3. Những ngộ nhận thường gặp

            Nằm than - Hơ lửa

            Việc nằm than hơ lửa trong phòng kín có thể làm tăng khí Monoxide carbon, CO2, NO2, bụi, muội than là những chất khí độc rất nguy hiểm cho cả mje và bé, nhất là đối với trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, có nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra như bé bị bỏng nặng do té vào lò than.

            Kiêng tắm, kiêng đánh răng

            Ngay sau sinh, sản phụ nên vệ sinh vùng kín và ngực bằng nước ấm, chăm thay quần áo. Sau khoảng 2-3 ngày có thể gội đầu và tắm toàn thân bằng nước ấm.

            Sản phụ cần chú ý vệ sinh răng miệng hơn để tránh tình trạng viêm nhiễm vùng miệng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sốt sản hậu.

            Kiêng đi lại

            Sau khi sinh, sản phụ nên xuống giường và đi lại nhẹ nhàng càng sớm càng tốt. Việc này sẽ rất tốt cho sự tuần hoàn máu, giúp sản dịch dễ dàng thải ra ngoài và không bị bế tắc sản dịch.

            Kiêng gió

            Theo các chuyên gia, điều này không thực sự cần thiết. Nếu kiêng gió và nước quá mức, người mẹ sẽ dễ bị viêm nhiễm hệ sinh dục, nhiễm khuẩn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả hai mẹ con.

            Ăn khô và thức ăn mặn

            Chế độ ăn uống không đủ các thành phần dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể người mẹ chậm hồi phục, sự tiết sữa cho bé bú giảm, gây ít sữa; đồng thời gây ra chưunsg táo bón, dẫn đến đi tiêu khó, có thể gây chứng bệnh nứt hậu môn, trĩ. Ở những bà mẹ có huyết áp cao, khi ăn mặn có thể rất nguy hiểm, làm tăng huyết áp và tiền sản giật, sản giật sau sinh có thể xảy ra.

            Cần nhớ rằng: Việc quan trọng là giữ ấm cơ thể cho mẹ và bé, nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sau sinh.

            4. Các biện pháp tránh thai

            Phương pháp cho bú vô kinh

            Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn cũng là một biện pháp ngừa thai hiệu quả tốt trong 6 tháng đầu tiên.

            Nguyên tắc:

            • Cữ bú ban ngày cách không quá 4 tiếng, ăn đêm không quá 6 tiếng
            • Thời gian cho bú phải đều đặn, trẻ không dùng thêm thức ăn dặm khác.
            • Người mẹ không có kinh nguyệt trong thời gian này.

            Ưu điểm: Đây là biện pháp tránh thai có sẵn, tiết kiệm, dễ thực hiện.

            Nhược điểm: Thời gian ngắn, chỉ khoảng 6 tháng. Cần phải tuân thủ nguyên tắc cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.

            Bao cao su

            Là một biện pháp tránh thai phổ biến, tiện lợi và hiệu quả, bao cao su còn giúp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà không ảnh hưởng đến sữa mẹ.

            Dụng cụ tử cung

            Khoảng 4-6 tuần sau sinh, người phụ nữ có thể ngừa thai bằng dụng cụ tử cung.

            Ưu điểm: Không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Thời gian ngừa thai kéo dài 10 năm.

            Nhược điểm: Không sử dụng ngay sau sinh vì dụng cụ tử cung dễ bị tống xuất. Biến chứng thủng hoặc dụng cụ tử cung lạc chỗ vào trong ổ bụng. Chống chỉ định nếu mẹ có nhiễm trùng hậu sản.

            Tránh thai bằng progestogen đơn thuần

            Que cấy tránh thai

            Ưu điểm: Không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Hiệu quả ngừa thai rất cao, có thể kéo dài 3 đến 5 năm (tùy loại).
            Nhược điểm: Gây rối loạn kinh nguyệt: vô kinh, thiếu kinh, rong huyết. Ít gặp hơn là khô âm hộ âm đạo. Giá thành cao.

            Viên tránh thai chứa progestogen đơn thuần

            Ưu điểm: Không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Hiệu quả ngừa thai cao trong thời kỳ hậu sản.

            Nhược điểm: Không nên dùng trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Cần tuân thủ thời gian dùng thuốc, không được quên thuốc quá 3 giờ. Tác dụng phụ lên kinh nguyệt như vô kinh, thiểu kinh.

            Viên uống ngừa thai phối hợp chứa estrogen - progesterone

            • Không nên dùng trong thời gian 6 tháng đầu sau sinh vì nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch và thuốc có ảnh hưởng đến việc tiết sữa (trừ khi có chỉ định của bác sĩ).
            • Có thể sử dụng cho những bà mẹ không cho con bú.

            Thuốc tránh thai khẩn cấp

            • Nhiều chị em đang cho con bú phải sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp do đã quan hệ tình dục không được bảo vệ khi kinh nguyệt đã trở lại, có sử dụng bao cao su nhưng bao bị rách, thủng; hoặc đang dùng thuốc ngừa thai hàng ngày nhưng quên uống thuốc.
            • Thành phần trong thuốc tránh thai khẩn cấp không gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, vì vậy phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể sử dụng thuốc như một biện pháp ngừa thai dự phòng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc thường xuyên do những tác dụng phụ có thể xảy ra, thậm chí là vô sinh nếu sử dụng với tần suất quá nhiều và dài ngày.

            >>> Xem thêm:

            Phần 1. Tiền hôn nhân

            Phần 2. Tránh thai

            Phần 3. Mang thai

            Phần 5. Vô sinh

            Share