125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Lưu ý chế độ ăn kiểm soát tình trạng kháng Insulin cho người bệnh tiểu đường

            Lưu ý chế độ ăn kiểm soát tình trạng kháng Insulin cho người bệnh tiểu đường

            THAI THINH MEDIC
            10/05/2025

            Kháng insulin là gì?

            Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ, mỡ và gan phản ứng kém với insulin – một hormone do tuyến tụy sản xuất giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Kháng insulin có thể chỉ là tình trạng nhất thời nhưng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời.

            Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể, được tạo ra từ quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi glucose được hấp thu vào máu, insulin sẽ vận chuyển glucose vào tế bào để sử dụng hoặc dự trữ. Khi đó, tuyến tụy sẽ nhận tín hiệu và ngừng tiết insulin.

            Tuy nhiên, quá trình này sẽ bị rối loạn ở những người có tình trạng kháng insulin. Các tế bào không phản ứng với tín hiệu của insulin, khiến glucose không thể đi vào tế bào và tích tụ ngày càng nhiều trong máu. Khi đó, nồng độ đường máu tăng cao lại kích thích tuyến tụy tiếp tục sản xuất nhiều insulin hơn.

            Ban đầu, tuyến tụy có thể bù đắp bằng cách sản xuất thêm nhiều insulin để các tế bào vẫn hấp thụ được glucose như bình thường. Nhờ đó, đường huyết vẫn được duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng kháng insulin ngày càng tiếp diễn khiến lượng glucose trong máu tiếp tục tăng cao.

            khang-insulin-2

            Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ, mỡ và gan phản ứng kém với insulin.

            Mối liên quan giữa tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường

            Kháng insulin có mối liên hệ mật thiết với bệnh tiểu đường. Tuy vậy, không phải lúc nào kháng insulin cũng dẫn đến bệnh tiểu đường. Khi bị kháng insulin, đường huyết của bạn có thể vẫn ở mức bình thường.

            Tiền tiểu đường thường xảy ra ở những người có tình trạng kháng insulin. Lượng đường trong máu của họ cao hơn bình thường nhưng vẫn chưa đủ để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Cả kháng insulin và tiền tiểu đường đều có thể dẫn đến tiểu đường tuýp 2. Lúc này, người bệnh cần sử dụng thuốc để điều trị kiểm soát nồng độ đường huyết đang ở mức cao.

            khang-insulin-3

            Kháng insulin có mối liên hệ mật thiết với bệnh tiểu đường.

            Dấu hiệu kháng insulin

            Tình trạng kháng insulin không thể nhận biết qua cảm giác của cơ thể mà cần xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết. Tương tự, các tình trạng khác liên quan đến hội chứng kháng insulin như huyết áp cao, rối loạn mỡ máu cũng khó có thể tự nhận biết mà cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đánh giá.

            Một số dấu hiệu của kháng insulin bao gồm:

            • Vòng eo trên 100 cm ở nam và 88 cm ở nữ
            • Huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên
            • Đường huyết lúc đói trên 100 mg/dL
            • Mức triglyceride lúc đói trên 150 mg/dL
            • HDL cholesterol dưới 40 mg/dL (nam) và dưới 50 mg/dL (nữ)
            • Mọc mụn thịt
            • Các vùng da dưới cánh tay hoặc quanh cổ trở nên sậm màu, dày và mịn (bệnh gai đen)
            • Tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt, có thể dẫn đến bệnh võng mạc.
            khang-insulin-4

            Tình trạng kháng insulin không thể nhận biết qua cảm giác của cơ thể.

            Nguyên nhân gây kháng insulin

            Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được chỉ ra có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin, bao gồm:

            • Thừa cân, đặc biệt là béo bụng
            • Lối sống ít vận động
            • Chế độ ăn nhiều carbohydrate
            • Tiền sử tiểu đường thai kỳ
            • Mắc các bệnh lý như gan nhiễm mỡ không do rượu
            • Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
            • Hút thuốc lá
            • Trên 45 tuổi
            • Bị rối loạn nội tiết tố như hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi và suy giáp
            • Sử dụng thuốc như steroid, thuốc điều trị HIV, một số loại thuốc huyết áp
            • Mắc các bệnh di truyền như loạn dưỡng cơ myotonic, rối loạn phân bố mỡ di truyền,...
            • Mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ

            Ngoài ra, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng có mối liên hệ với tình trạng kháng insulin. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh.

            Người mắc PCOS thường có mức androgen (hormone nam) cao hơn bình thường, gây khó khăn trong việc thụ thai và thường dẫn đến các triệu chứng như mụn trứng cá, tóc thưa. Phần lớn người mắc PCOS cũng đồng thời bị kháng insulin.

            Mối liên hệ giữa PCOS và kháng insulin vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và tình trạng thừa cân được cho là vai trò quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ có mẹ và chị gái bị PCOS hoặc tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ kháng insulin cao hơn.

            khang-insulin-5

            Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường

            Chẩn đoán Kháng Insulin

            Xét nghiệm kháng insulin

            Không có một xét nghiệm cụ thể nào có thể kiểm tra chính xác tình trạng kháng insulin. Để xác định bạn có mắc kháng insulin hay không, bác sĩ thường đánh giá dựa trên sự kết hợp các phương pháp sau:

            • Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của gia đình bạn.
            • Khám lâm sàng: Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp.
            • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Kiểm tra lượng đường huyết sau khi bạn nhịn ăn ít nhất 8 giờ.
            • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: Sau khi làm xét nghiệm đường huyết lúc đói, bạn sẽ uống một dung dịch đường và làm xét nghiệm máu lần nữa sau 2 giờ.
            • Xét nghiệm Hemoglobin A1c: Đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng qua. Xét nghiệm này thường được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường. Bạn có thể cần làm xét nghiệm này nhiều lần để xác nhận kết quả.
            • Xét nghiệm lipid máu: Kiểm tra nồng độ các thành phần chất béo trong máu như mức cholesterol LDL, HDL và triglycerid. Mức triglycerid cao và HDL thấp có liên quan đến kháng insulin và nguy cơ tiểu đường tuýp 2.
            khang-insulin-6

            Không có một xét nghiệm cụ thể nào có thể kiểm tra chính xác tình trạng kháng insulin.

            Tiến triển của kháng insulin thành tiểu đường tuýp 2

            Nếu tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để bù đắp cho tình trạng kháng insulin, nồng độ đường huyết có thể tăng cao đến mức tiền tiểu đường.

            Người bị kháng insulin nên đi sàng lọc tiểu đường từ tuổi 35 hoặc sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân, béo phì,... Đồng thời, phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ cũng nên đi xét nghiệm sàng lọc tiểu đường ít nhất 3 năm/lần.

            Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tiền tiểu đường:

            • Đường huyết lúc đói: 100-125 mg/dL
            • Đường huyết sau nghiệm pháp dung nạp glucose: 140-199 mg/dL (sau lần xét nghiệm thứ 2)
            • HbA1c: 5,7% - 6,4%

            Người tiền tiểu đường cần đi tái khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ít nhất mỗi năm 1 lần để theo dõi tình trạng đường huyết. Nếu không kiểm soát tốt, đường huyết sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến tiểu đường tuýp 2.

            Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tiểu đường tuýp 2.

            • Đường huyết lúc đói: ≥ 126 mg/dL
            • Đường huyết sau nghiệm pháp dung nạp glucose: ≥ 200 mg/dL (sau lần xét nghiệm thứ 2)
            • HbA1c: ≥ 6,5%
            khang-insulin-7

            Tiến triển của kháng insulin thành tiểu đường tuýp 2

            Điều trị kháng insulin

            Mục tiêu điều trị kháng insulin là giảm nồng độ đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.

            Thuốc điều trị kháng insulin

            Hiện chưa có thuốc đặc trị kháng insulin. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn để điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan như huyết áp cao hoặc rối loạn mỡ máu. Nếu có nguy cơ cao mắc tiểu đường, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Metformin để giúp người bệnh kiểm soát đường huyết.

            Cải thiện tình trạng kháng insulin

            Những thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin hiệu quả:

            • Tập thể dục: Hoạt động thể chất giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn. Nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
            • Giảm cân: Giảm từ 5% - 7% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2 một cách hiệu quả. Nếu cần hỗ trợ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên.
            • Chế độ ăn lành mạnh: Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, cắt giảm lượng carbohydrate tinh chế như bánh ngọt đóng gói vì chúng có thể kích thích cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn.
            • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng đường huyết. Hãy cân nhắc tham vấn tâm lý nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo âu, áp lực.
            • Ngủ đủ giấc: Ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có thể làm gia tăng tình trạng kháng insulin. Để có giấc ngủ ngon hơn, hãy tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều, hạn chế uống rượu và ăn các bữa ăn lớn trước khi đi ngủ.
            • Cai thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng tình trạng kháng insulin.

            Lưu ý: Kháng insulin là tình trạng phức tạp vẫn chưa được hiểu rõ. Trong một số trường hợp, mức đường huyết có thể không trở về bình thường, tuy nhiên bạn vẫn có thể kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng của kháng insulin.

            khang-insulin-8

            Mục tiêu điều trị kháng insulin là giảm nồng độ đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.

            Biến chứng của kháng insulin

            Nếu không được điều trị, tình trạng kháng insulin có thể dẫn đến:

            • Bệnh về gan
            • Rối loạn mỡ máu: Tăng triglycerid, tăng  cholesterol LDL máu
            • Bệnh tim mạch
            • Các vấn đề về mắt
            • Một số loại ung thư
            • Bệnh Alzheimer
            • Tăng cân do kháng insulin

            Trong thời gian ngắn, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tăng cân. Việc giảm số cân dư thừa này thường khó khăn hơn vì cơ thể đang sử dụng các tế bào mỡ này để dự trữ lượng glucose dư thừa.

            Sống chung với kháng insulin

            Kháng insulin và thực phẩm bổ sung

            Một số thực phẩm bổ sung chứa các thành phần sau đây có thể giúp kiểm soát đường huyết rất tốt:

            • Quế Cassia
            • Nhân sâm
            • Magie

            Bạn hãy rao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào, ngay cả khi chúng được quảng cáo là "an toàn" hoặc "tự nhiên". Các loại thực phẩm bổ sung này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe hoặc gây tương tác với các thuốc bạn đang sử dụng.

            Kháng insulin và chế độ ăn uống

            Không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là tốt nhất để cải thiện tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carbohydrate có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra bạn cũng nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm giàu chất béo.

            Thay vào đó, hãy cố gắng ăn nhiều:

            • Thực phẩm giàu chất xơ: Giúp kiểm soát đường huyết và tạo cảm giác no lâu.
            • Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp: Ít ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết.

            Cụ thể, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (High-GI) bạn cần hạn chế:

            • Bánh mì trắng
            • Khoai tây trắng
            • Bánh mì tròn (bagel)
            • Bánh gạo
            • Các loại bánh ngọt như bánh kem, bánh rán
            • Đồ uống có đường như soda, nước ép trái cây đóng hộp

            Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp GI thấp nên ăn thường xuyên:

            • Trái cây và rau củ
            • Các loại đậu như lạc, đậu lăng,...
            • Các sản phẩm từ sữa ít béo
            • Ngũ cốc ít chế biến (ví dụ quinoa)
            • Gạo lứt
            • Các loại rau lá xanh

            Thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình có thể làm tăng đường huyết ở mức “trung bình”. Bạn nên ăn các loại thực phẩm này với lượng vừa phải, bao gồm:

            • Bánh mì nguyên cám
            • Chuối
            • Quả anh đào
            • Ngô
            • Ngũ cốc yến mạch ăn sáng
            khang-insulin-9

            Không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là tốt nhất để cải thiện tình trạng kháng insulin.

            Các chế độ ăn uống giúp giảm kháng insulin

            Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension)

            Chế độ ăn DASH được đánh giá là hỗ trợ giảm kháng insulin, hạ huyết áp, giảm cân và cải thiện cholesterol tốt hiệu quả.
            Thực phẩm nên ăn trong chế độ ăn DASH:

            • Ngũ cốc nguyên hạt
            • Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo
            • Trái cây, rau củ
            • Gia cầm
            • Các loại cá
            • Các loại hạt

            Thực phẩm cần hạn chế:

            • Thịt nhiều mỡ
            • Các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo
            • Dầu nhiệt đới (như dầu dừa và dầu cọ)
            • Đồ ngọt
            • Đồ uống có đường

            Chế độ ăn Địa Trung Hải

            Chế độ ăn này đã được chứng minh là có lợi cho tình trạng kháng insulin và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 rất tốt. Trong chế độ ăn Địa Trung Hải, bạn cần chú trọng ăn thực phẩm tươi theo mùa kết hợp với lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và coi giờ ăn như một thời gian để thư giãn và dành thời gian cho bạn bè và gia đình.

            Cụ thể trong chế độ ăn Địa Trung Hải:

            • Ăn trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau thơm tươi, gia vị, các loại đậu và hạt mỗi ngày
            • Sử dụng dầu ô liu nguyên chất
            • Thường ăn các sản phẩm từ sữa lên men như sữa chua và phô mai
            • Ăn cá và hải sản hai lần một tuần
            • Thỉnh thoảng ăn trứng và thịt gà
            • Hiếm khi ăn đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn hoặc thịt đỏ
            • Uống nhiều nước
            khang-insulin-10

            Các chế độ ăn uống giúp giảm kháng insulin

            Kháng insulin không đồng nghĩa với việc chắc chắn mắc bệnh tiểu đường. Hãy thay đổi thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên để bảo vệ sức khỏe bạn nhé!

            Nguồn: https://www.webmd.com/diabetes/diabetes-insulin-resistance-diet

            Share