Sổ mũi, đau bụng, nổi mẩn ngứa là một vài triệu chứng thường gặp trong số các bệnh lý thông thường mà trẻ em hay gặp. Nhưng nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt trên 39,5°C hoặc cứng gáy, cha mẹ nên làm gì? Đi cấp cứu, liên hệ bác sĩ hay chỉ theo dõi tại nhà?
“Nếu con bạn trông yếu ớt hoặc ốm nặng bất thường, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.” Barton Schmitt - bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Aurora, Colorado, Mỹ nhấn mạnh. Bác sĩ Schmitt cho biết thêm, trong số hàng trăm cuộc gọi đến Đường dây nóng hỗ trợ ngoài giờ của bệnh viện mà ông quản lý, 20% trường hợp được chỉ định đến phòng cấp cứu, 30% trường hợp trẻ cần được khám vào ngày hôm sau, trong khi một nửa trong số các trường hợp này có thể chăm sóc ngay tại nhà.
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng họ sẽ bị bác sĩ đánh giá nếu đưa con đến phòng cấp cứu hoặc phòng khám khẩn cấp ngoài giờ trong khi trẻ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy vậy, cha mẹ vẫn nên đặt sự an toàn của con lên hàng đầu và tin vào linh cảm của mình.
“Một số cha mẹ lo sợ bị chế giễu nếu đưa con đến bệnh viện, nhưng thực tế mọi người không có gì sai khi tìm kiếm sự trấn an tại phòng cấp cứu.” - bác sĩ Alfred Sacchetti, trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Our Lady of Lourdes ở Camden, N.J., cho biết. “Nếu trẻ có chuyện gì xảy ra, bạn sẽ không thể tha thứ cho bản thân mình.”
Cụ thể, cha mẹ cần lưu ý những triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ em phổ biến, cho thấy trẻ cần được thăm khám ngay sau đây!
Sốt cao ở trẻ trên 1 tuổi
Khi thấy con đỏ bừng mặt và sốt, phản ứng đầu tiên của nhiều cha mẹ có thể là đưa con đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng cần thiết.
“Chúng tôi luôn khuyên các bậc cha mẹ không nên phụ thuộc vào nhiệt kế mà phải quan sát kỹ lưỡng các triệu chứng và tình trạng tổng thể của trẻ,” bác sĩ Schmitt cho biết.
Sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại nhiễm trùng, cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động. Sốt được định nghĩa là nhiệt độ cơ thể từ 38°C trở lên khi đo ở trực tràng. Nếu đo nhiệt độ ở nách, cha mẹ nên cộng thêm 1°C để có kết quả chính xác.
Để hạ sốt cho trẻ, cha mẹ có thể cho trẻ dùng các thuốc như Paracetamol hoặc Ibuprofen (nếu trẻ trên 6 tháng tuổi). Tuy nhiên, chỉ cho trẻ dùng thuốc khi thực sự cần thiết và chú ý tuân thủ liều lượng theo khuyến cáo, bất kể là thuốc theo đơn của bác sĩ hay thuốc không kê đơn. Cha mẹ cũng cần lưu ý thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng tạm thời, không giải quyết được nguyên nhân gây sốt cho trẻ.
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pediatrics, nhiều phụ huynh có thói quen cho trẻ uống thuốc hạ sốt sớm, khi nhiệt độ của trẻ dưới 37,8°C. Trong khi đó, hầu hết các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi nhiệt độ vượt quá 38,3°C. Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, ăn uống tốt, cha mẹ không cần vội vàng đưa trẻ đến phòng cấp cứu. Sốt cao không phải lúc nào cũng là tình huống nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp.
“Hầu hết các trường hợp sốt ở trẻ không phải là trường hợp khẩn cấp và có thể đợi đến khi phòng khám mở cửa.” Ari Brown - bác sĩ nhi khoa tại Austin, Texas, người phát ngôn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết. Bà khuyến nghị: đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, chỉ nên cho trẻ đi khám khi trẻ sốt từ 40°C, có biểu hiện mệt mỏi hoặc sốt kéo dài liên tục 4 ngày trở lên. Còn đối với trẻ dưới 2 tuổi, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ trong vòng 48 giờ sau khi bị sốt.

Sốt cao ở trẻ trên 1 tuổi
Đau đầu dữ dội
Làm thế nào để biết cơn đau đầu của trẻ có đáng lo ngại, cần đưa đi khám ngay hay chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi là ổn?
Bác sĩ Brown giải thích: “Những cơn đau đầu nhẹ thường giảm khi sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, đối với những cơn đau đầu nghiêm trọng lại không có tác dụng.” Bởi vậy, cha mẹ hãy liên hệ ngay với bác sĩ nhi khoa nếu trẻ bị đau đầu kéo dài trong vài tiếng hoặc đau đầu dữ dội đến mức không thể ăn uống, chơi đùa như bình thường.
Phần lớn đau đầu ở trẻ là do căng cơ da đầu và ít liên quan đến các vấn đề về não bộ. Tuy nhiên, nếu đau đầu đi kèm các triệu chứng thần kinh như lú lẫn, nhìn mờ hoặc khó đi lại, cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Ngoài ra, trẻ bị đau đầu kết hợp với sốt, nôn mửa, lú lẫn, phát ban hoặc cứng gáy cũng cần được đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não.
Bên cạnh đó, trẻ em thường không hay bị đau đầu nhiều, do vậy cha mẹ cũng nên cho trẻ đi khám nếu trẻ bị đau đầu thường xuyên.

Đau đầu dữ dội
Phát ban lan rộng
Nếu trẻ chỉ có một vài nốt phát ban ở tay hoặc chân, đó thường là hiện tượng lành tính. Tuy nhiên, nếu phát ban lan ra khắp cơ thể trẻ, cha mẹ nên kiểm tra kỹ và cho trẻ đi khám nếu cần.
“Cha mẹ không cần lo lắng nếu vùng da phát ban của trẻ khi ấn vào có hiện tượng da chuyển sang màu trắng, sau đó bỏ tay ra thì đỏ trở lại.” - bác sĩ Sacchetti giải thích. “Hầu hết các trường hợp phát ban do virus hoặc phản ứng dị ứng, bao gồm cả nổi mề đay đều có biểu hiện như vậy.”
Tuy nhiên, nếu các vết phát ban không biến màu khi ấn vào và có dạng như những nốt đỏ hoặc tím nhỏ trên da có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng nghiêm trọng như viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, đặc biệt nếu phát ban đi kèm với sốt. Loại phát ban này đôi khi cũng xuất hiện trên mặt trẻ sau những cơn ho hoặc nôn dữ dội. Tuy nhiên, nếu phát ban lan rộng, tốt nhất cha mẹ hãy cho trẻ khám ngay.
Một dạng phát ban nguy hiểm khác là nổi mề đay đi kèm sưng môi. Khi trẻ gặp tình trạng này, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamin như diphenhydramine. Tuy nhiên, khi trẻ bị phát ban kèm sưng mặt, sưng môi kèm theo khó thở, cha mẹ cần gọi cấp cứu ngay bởi những triệu chứng này gợi ý trẻ đang có phản ứng phản vệ - một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.

Phát ban lan rộng
Rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng
Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm hoặc viêm dạ dày ruột, cha mẹ cần theo dõi tần suất trẻ nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước. Phương pháp điều trị các tình trạng này phụ thuộc một phần vào độ tuổi của trẻ. Nếu mất nước nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải tại nhà. Nếu nhận thấy trẻ trở nặng (khó đi tiểu hoặc mệt mỏi, kiệt sức), cần đưa trẻ đi khám ngay.
Nôn ba lần trong một buổi có thể chưa dẫn mất nước. Tuy nhiên, nếu trẻ tiêu chảy khoảng 8 lần trong vòng 8 giờ hoặc vừa nôn vừa tiêu chảy có nguy cơ mất nước rất cao. Cha mẹ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu này của trẻ và đưa đi khám ngay khi cần.
Bác sĩ Schmitt chia sẻ: “Nếu trẻ nôn mửa liên tục và không thể bù đủ nước qua đường uống, trẻ có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc dùng thuốc chống nôn. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ mất nước càng cao.”.

Rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng
Cứng gáy
Cứng gáy có thể là dấu hiệu của viêm màng não - một trường hợp cấp cứu. Khi gặp tình trạng này, nhiều cha mẹ có thể hoảng sợ khi trẻ cứng đờ, không thể cử động cổ hay quay đầu nhìn trái phải. Tuy nhiên, cứng gáy đơn thuần thường ít nguy hiểm, thường chỉ xuất phát từ hiện tượng căng cơ.
“Hãy đánh giá tổng thế các triệu chứng, đừng chỉ dựa vào một triệu chứng riêng lẻ.” - Bác sĩ Brown khuyến cáo. “Cứng gáy đơn thuần có thể chỉ đơn giản là do trẻ ngủ sai tư thế. Trong khi đó, viêm màng não là sự kết hợp các dấu hiệu cứng gáy, đau đầu và nhạy cảm với ánh sáng.”.

Cứng gáy có thể là dấu hiệu của viêm màng não
Cứng gáy trong viêm màng não có thể xuất hiện cùng các triệu chứng như nôn mửa và lờ đờ. Tuy nhiên, các bệnh lý như viêm amidan hoặc sưng hạch bạch huyết cũng có thể gây cứng gáy kèm sốt. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chi tiết. Ngoài ra, nếu triệu chứng cứng gáy xảy ra do chấn thương, cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Nguồn: https://www.webmd.com/children/features/serious-symptoms-in-children