125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Tổng hợp các loại xét nghiệm viêm khớp dạng thấp phổ biến

            Tổng hợp các loại xét nghiệm viêm khớp dạng thấp phổ biến

            THAI THINH MEDIC
            22/05/2025

            Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xương khớp. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều phương pháp xét nghiệm viêm khớp dạng thấp tiên tiến đã ra đời, giúp phát hiện bệnh nhanh chóng và hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.

            1. Khi nào cần xét nghiệm viêm khớp dạng thấp?

            Trong giai đoạn đầu, triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp thông thường như viêm khớp do chấn thương hoặc thoái hóa. Nếu chẩn đoán sai hoặc điều trị muộn, bệnh có thể tiến triển nhanh, gây tổn thương không hồi phục cho khớp và các cơ quan khác.

            Bởi vậy, khi có những dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh nên đi khám để được kiểm tra và làm các xét nghiệm chẩn đoán, từ đó can thiệp điều trị kịp thời để kiểm soát bệnh tốt hơn. Các dấu hiệu gợi ý viêm khớp dạng thấp bao gồm:

            • Đau khớp, sưng và nóng ở khớp
            • Cứng khớp kéo dài hơn 30 phút sau khi ngủ dậy vào buổi sáng hoặc sau khi giữ nguyên một tư thế lâu.
            • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
            • Thỉnh thoảng sốt nhẹ
            • Mất cảm giác thèm ăn, sụt cân
            • Khô mắt hoặc miệng
            • Thiếu máu, xanh xao
            • Nổi cục u cứng dưới da, kích thước từ 5 - 15mm ở khu vực các khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, khớp gối,...

            Đặc biệt là một số nhóm người có nguy cơ cao nên đặc biệt cảnh giác và thực hiện xét nghiệm như người có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn, người bị viêm đa khớp không rõ nguyên nhân.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-1

            Khi nào cần xét nghiệm viêm khớp dạng thấp?

            2. Các loại xét nghiệm viêm khớp dạng thấp phổ biến

            Xét nghiệm viêm khớp dạng thấp kịp thời giúp:

            • Xác định chính xác sự hiện diện của bệnh.
            • Đánh giá mức độ hoạt động bệnh.
            • Lên kế hoạch điều trị phù hợp nhằm kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến trình phá hủy khớp.

            Sau đây là các loại xét nghiệm viêm khớp dạng thấp phổ biến được áp dụng trong chẩn đoán hiện nay:

            2.1. Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF)

            Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) là một trong những xét nghiệm máu quan trọng được chỉ định khi nghi ngờ viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm này nhằm phát hiện sự hiện diện của kháng thể RF trong máu - một loại protein đặc biệt do hệ miễn dịch sản xuất. Phát hiện kháng thể RF giúp hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn khác.

            Bên cạnh đó, chỉ số RF cũng cho thấy mức độ nặng và khả năng tổn thương cơ quan trong bệnh lý viêm khớp dạng thấp. Những người có RF dương tính thường có bệnh tiến triển nặng hơn và nhanh hơn so với người âm tính.

            Lưu ý:

            • Không phải tất cả bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đều có kết quả RF dương tính. Khoảng 50–75% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có xét nghiệm RF dương tính.
            • Một số người có RF dương tính nhưng lại không phát triển thành viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, RF dương tính cũng có thể gặp trong một số bệnh lý khác như lupus ban đỏ hệ thống, nhiễm trùng mạn tính…

            Xét nghiệm RF không mang tính quyết định tuyệt đối, nhưng kết hợp với triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác, đây là công cụ hữu ích giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và tiên lượng bệnh hiệu quả.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-2

            Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF)

            2.2. Xét nghiệm kháng thể Anti-CCP (ACPA)

            Có tới 93% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm có anti-CCP dương tính sẽ phát triển bệnh rõ ràng trong vòng 3 năm. Bởi vậy, xét nghiệm Anti-CCP có độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm Anti-CCP thường được thực hiện đồng thời với RF để nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán.

            Xét nghiệm này giúp phát hiện kháng thể Anti-CCP trong máu, hỗ trợ chẩn đoán sớm viêm khớp dạng thấp ngay cả trước khi triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Kết quả Anti-CCP dương tính là yếu tố tiên lượng bệnh nặng và khả năng tiến triển viêm khớp nhanh chóng.

            2.3. Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA)

            Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) được sử dụng để phát hiện sự hiện diện của tự kháng thể - các protein do hệ miễn dịch sản xuất ra nhưng lại nhầm lẫn và tấn công chính các mô khỏe mạnh trong cơ thể.

            Xét nghiệm ANA dương tính cho thấy khả năng tồn tại một bệnh lý tự miễn, trong đó có viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, ANA dương tính cũng có thể gặp ở các bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì… Việc xét nghiệm ANA giúp bổ sung thông tin, từ đó kết hợp với các kết quả xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-3

            Xét nghiệm kháng thể

            2.4. Xét nghiệm máu

            Ngoài các xét nghiệm chuyên biệt, xét nghiệm máu tổng quát đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi tiến triển và đánh giá mức độ viêm trong viêm khớp dạng thấp.

            Công thức máu toàn phần:

            • Giúp phát hiện tình trạng thiếu máu, một biến chứng thường gặp do tình trạng viêm mạn tính kéo dài ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
            • Theo dõi số lượng bạch cầu và tiểu cầu, từ đó đánh giá phản ứng viêm cũng như những ảnh hưởng toàn thân của bệnh.

            Tốc độ máu lắng (ESR) và Protein phản ứng C (CRP)

            • Đánh giá mức độ viêm nhiễm toàn thân.
            • Không đặc hiệu cho riêng viêm khớp dạng thấp nhưng kết hợp với các chỉ số khác giúp bác sĩ đánh giá hoạt động bệnh và hiệu quả điều trị.

            Protein phản ứng C (CRP):

            • Mức CRP cao phản ánh tình trạng viêm đang hoạt động, thường gặp trong viêm khớp dạng thấp và nhiều bệnh viêm khác.
            • Tuy nhiên, CRP cao cần được diễn giải kết hợp với triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân chính xác.
            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-4

            Xét nghiệm máu tổng quát

            2.5. Chẩn đoán hình ảnh

            Chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và theo dõi viêm khớp dạng thấp, bao gồm chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, siêu âm,...

            Chụp X-quang

            Trong những giai đoạn sớm của bệnh, X-quang thường chưa phát hiện được những thay đổi rõ rệt ở khớp. Tuy nhiên, X-quang vẫn là công cụ cần thiết để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau khớp và để theo dõi tiến triển tổn thương khớp theo thời gian. Khi bệnh tiến triển, hình ảnh X-quang có thể cho thấy hiện tượng loãng xương quanh khớp, hẹp khe khớp và các ổ bào mòn tại vị trí tiếp giáp giữa các xương.

            Để hỗ trợ phát hiện tổn thương sớm, các phương pháp tiên tiến hơn như cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm khớp ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

            Chụp cộng hưởng từ (MRI)

            MRI cho phép quan sát chi tiết những thay đổi ở sụn, xương, tràn dịch khớp và viêm màng hoạt dịch ngay từ giai đoạn đầu, trước khi có dấu hiệu trên X-quang, giúp chẩn đoán sớm RA và theo dõi hiệu quả điều trị. Dù có độ nhạy cao, chi phí MRI khá đắt đỏ nên khó áp dụng chẩn đoán đại trà.

            Siêu âm

            Siêu âm khớp mang lại nhiều lợi ích nhờ khả năng phát hiện sớm viêm màng hoạt dịch, tràn dịch khớp, bào mòn xương. Ngoài ra, siêu âm Doppler còn giúp đánh giá lưu lượng máu trong màng hoạt dịch. Ưu điểm nổi bật của siêu âm là chi phí thấp, không phơi nhiễm bức xạ và dễ dàng thực hiện nhiều lần để theo dõi tiến triển bệnh.

            Ngoài ra, các kỹ thuật hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp PET, chụp xương và đo mật độ xương DEXA cũng được cân nhắc trong những trường hợp đặc biệt, hỗ trợ đánh giá mức độ tổn thương xương và các biến chứng liên quan đến RA.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-5

            Chẩn đoán hình ảnh

            2.6. Một số xét nghiệm khác

            Bên cạnh các xét nghiệm máu và hình ảnh học, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác nhằm đánh giá tổn thương ở các cơ quan ngoài khớp do viêm khớp dạng thấp gây ra.

            • Xét nghiệm chức năng phổi: RA có thể dẫn đến những biến chứng ở phổi như viêm màng phổi, xơ phổi hoặc nốt phổi. Các xét nghiệm hô hấp như đo chức năng hô hấp hoặc chụp CT ngực giúp phát hiện sớm và quản lý những biến chứng này.
            • Xét nghiệm chức năng thận: Một số thuốc điều trị RA, đặc biệt là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) hoặc thuốc sinh học, có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Do đó, việc theo dõi định kỳ chức năng thận thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu là cần thiết để điều chỉnh liệu trình điều trị phù hợp.

            Những xét nghiệm bổ sung này có vai trò hỗ trợ đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng của bệnh lên cơ thể, từ đó xây dựng phác đồ điều trị tối ưu và dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

            3. Chi phí xét nghiệm viêm khớp dạng thấp bao nhiêu?

            Chi phí xét nghiệm viêm khớp dạng thấp dao động khá lớn, tùy thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện và cơ sở y tế mà người bệnh lựa chọn. Mỗi loại xét nghiệm đều mang lại những giá trị chẩn đoán khác nhau, do đó mức giá cũng có sự chênh lệch đáng kể.

            Thông thường, một bộ xét nghiệm cơ bản để kiểm tra viêm khớp dạng thấp — bao gồm các chỉ số như RF, Anti-CCP, CRP, ESR,... có mức giá tham khảo trong khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng. Đây là mức chi phí phổ biến tại các bệnh viện công và phòng khám tư có dịch vụ cận lâm sàng tiêu chuẩn.

            Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định thực hiện thêm các kỹ thuật hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán như siêu âm khớp, chụp X-quang, MRI hoặc CT, tổng chi phí sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể:

            • Siêu âm khớp: khoảng 150.000 – 500.000 đồng/lần
            • Chụp X-quang khớp: khoảng 200.000 – 600.000 đồng/lần
            • Chụp cộng hưởng từ (MRI): từ 1.500.000 – 3.500.000 đồng, tùy theo vùng khớp khảo sát và loại máy MRI
            • Chụp CT: dao động từ 800.000 – 2.000.000 đồng

            Nếu tình trạng bệnh phức tạp, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm mở rộng như xét nghiệm chức năng gan, thận, miễn dịch... khiến tổng chi phí tăng lên. Người bệnh nên tham khảo kỹ bảng giá xét nghiệm tại cơ sở y tế uy tín, đồng thời trao đổi với bác sĩ để lựa chọn xét nghiệm phù hợp với tình trạng cụ thể, tránh phát sinh chi phí không cần thiết.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-6

            Chi phí xét nghiệm viêm khớp dạng thấp bao nhiêu?

            4. Xét nghiệm viêm khớp dạng thấp ở đâu uy tín?

            Người bệnh nên cân nhắc các tiêu chí sau khi chọn cơ sở y tế để thăm khám và làm xét nghiệm viêm khớp dạng thấp:

            • Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm: Ưu tiên các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp trực tiếp khám và tư vấn, vì họ có khả năng đánh giá triệu chứng lâm sàng kết hợp kết quả xét nghiệm một cách toàn diện.
            • Trang thiết bị hiện đại, phòng xét nghiệm đạt chuẩn: Cơ sở xét nghiệm cần được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đặc biệt là các thiết bị xét nghiệm huyết học, miễn dịch học và hình ảnh học như siêu âm Doppler, MRI, CT. 
            • Phòng xét nghiệm cần đảm bảo vô trùng, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế (như ISO 15189) để đảm bảo độ chính xác của kết quả.
            • Dịch vụ tư vấn và theo dõi điều trị sau xét nghiệm: Một địa chỉ uy tín không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kết quả mà còn phải đi kèm với việc tư vấn chuyên sâu và đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh viêm khớp dạng thấp – một bệnh lý mạn tính cần được theo dõi lâu dài.

            Gợi ý địa điểm xét nghiệm đáng tin cậy:

            • Các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Trung ương Huế – nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành cơ xương khớp.
            • Bệnh viện chuyên khoa cơ xương khớp hoặc khoa Cơ Xương Khớp tại các bệnh viện đa khoa lớn, có đầy đủ hệ thống xét nghiệm miễn dịch và chẩn đoán hình ảnh hiện đại.
            • Phòng khám đa khoa uy tín có liên kết với các trung tâm xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế – phù hợp với những người cần khám nhanh, tiện lợi và được tư vấn kỹ lưỡng.

            Người bệnh nên đặt lịch trước khi đến xét nghiệm để được hướng dẫn cụ thể và tránh phải chờ đợi lâu. Đồng thời, nên mang theo các kết quả khám trước (nếu có) để bác sĩ có thể đánh giá chính xác hơn tình trạng bệnh lý.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-7

            Xét nghiệm viêm khớp dạng thấp ở đâu uy tín?

            5. Một số lưu ý trước và sau khi xét nghiệm

            Để quá trình xét nghiệm viêm khớp dạng thấp diễn ra suôn sẻ và cho kết quả chính xác nhất, người bệnh nên lưu ý một số điểm quan trọng dưới đây:

            Có cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm không?

            Đối với các xét nghiệm viêm khớp dạng thấp phổ biến, người bệnh không cần nhịn ăn trước khi lấy máu. Tuy nhiên, nếu trong gói xét nghiệm có bao gồm các xét nghiệm sinh hóa khác như đường huyết, mỡ máu hoặc chức năng gan thận thì bác sĩ có thể yêu cầu nhịn ăn từ 8–12 giờ để đảm bảo độ chính xác của kết quả. Vì vậy, trước khi đi xét nghiệm, bạn nên hỏi kỹ nhân viên y tế để có sự chuẩn bị phù hợp.

            Thời gian trả kết quả xét nghiệm

            Thời gian có kết quả xét nghiệm thường dao động từ 1 đến 24 giờ, tùy thuộc vào loại xét nghiệm và quy trình xử lý của từng cơ sở y tế. Các xét nghiệm máu cơ bản như RF, CRP hoặc ESR có thể trả kết quả trong ngày. Riêng với những xét nghiệm chuyên sâu hoặc chẩn đoán hình ảnh như MRI, kết quả có thể cần thêm thời gian phân tích và sẽ được trả trong vòng 1–2 ngày làm việc.

            Chú ý tái khám và theo dõi định kỳ

            Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mạn tính, tiến triển từ từ nhưng có thể gây biến dạng khớp nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, việc tái khám định kỳ giúp bác sĩ:

            • Theo dõi diễn tiến của bệnh và đáp ứng với điều trị.
            • Điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng thực tế.
            • Phát hiện sớm biến chứng để xử lý kịp thời.

            Người bệnh nên tuân thủ lịch hẹn tái khám của bác sĩ và không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều điều trị khi chưa có chỉ định y tế.

            xet-nghiem-viem-khop-dang-thap-8

            Một số lưu ý trước và sau khi xét nghiệm viêm khớp dạng thấp

            Nếu bạn đang có những dấu hiệu nghi ngờ viêm khớp dạng thấp, đừng chần chừ thực hiện xét nghiệm để được chẩn đoán kịp thời. Việc chủ động thăm khám, lựa chọn cơ sở y tế uy tín và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn bác sĩ sẽ giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế biến chứng nguy hiểm do viêm khớp dạng thấp gây ra.

            Nguồn: https://www.niams.nih.gov/health-topics/rheumatoid-arthritis/diagnosis-treatment-and-steps-to-take#:~:text=Magnetic%20resonance%20imaging%20(MRI)%20and,the%20severity%20of%20the%20disease

            Share