Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một căn bệnh phổ biến, thường gây sốt, lở loét miệng và phát ban trên da. Bệnh tay chân miệng có thể lây lan nhanh chóng ở trường học và nhà trẻ. Hầu hết người bệnh tự khỏi sau 7 đến 10 ngày.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng bao gồm sốt, lở loét miệng và phát ban trên da.
Sốt và các triệu chứng giống cúm
Trẻ em thường bị sốt và các triệu chứng giống cúm trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm:
- Sốt
- Chán ăn
- Đau họng
- Mệt mỏi
Loét miệng
Trẻ có thể bị loét miệng gây đau đớn. Các vết loét thường bắt đầu dưới dạng những chấm đỏ nhỏ, chủ yếu xuất hiện trên lưỡi và bên trong miệng. Chúng có thể phồng rộp thành mụn nước và gây đau rát.
Dấu hiệu trẻ có thể gặp khó khăn khi nuốt:
- Trẻ không muốn ăn uống
- Chảy nước dãi nhiều hơn bình thường
- Chỉ thích uống nước lạnh
Phát ban trên da
Trẻ có thể bị phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài ra, phát ban cũng có thể xuất hiện ở mông, chân và cánh tay của trẻ.
Phát ban thường không gây ngứa và có dạng như các đốm đỏ phẳng hoặc hơi nổi lên. Đôi khi các đốm này tạo thành mụn nước nhỏ, có viền đỏ xung quanh mụn. Dịch trong mụn nước có thể chứa virus gây bệnh tay chân miệng.
Lưu ý: Cần giữ mụn nước sạch sẽ và tránh chạm vào chúng để hạn chế lây lan bệnh.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng bao gồm sốt, lở loét miệng và phát ban trên da.
Nguyên nhân gây tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do các virus thuộc họ enterovirus gây ra, cụ thể:
- Coxsackievirus A16: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tay chân miệng ở Mỹ. Một số loại coxsackievirus khác cũng có thể gây ra căn bệnh này.
- Coxsackievirus A6: Có thể gây ra bệnh tay chân miệng, gây triệu chứng thường nặng hơn các virus khác.
- Enterovirus 71 (EV-A71): Thường liên quan đến các ca bệnh và dịch bùng phát tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Mặc dù hiếm gặp, EV-A71 vẫn có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm não.

Bệnh tay chân miệng do các virus thuộc họ enterovirus gây r
Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào?
Bệnh tay chân miệng thường lây lan mạnh vào mùa hè và mùa thu ở Mỹ, tuy nhiên trên thực tế bệnh có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ dễ lây lan nhanh tại trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ.
Virus gây tay chân miệng có thể được tìm thấy trong:
- Dịch tiết mũi và họng: như nước bọt, nước mũi hoặc dịch chảy dãi.
- Dịch từ các mụn nước trên da.
- Phân của người bệnh
Bạn có thể mắc bệnh tay chân miệng thông qua:
- Tiếp xúc với giọt bắn chứa virus từ người bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
- Chạm vào người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần như hôn, ôm, dùng chung ly hoặc dụng cụ ăn uống.
- Tiếp xúc với phân của người bệnh (ví dụ như khi thay tã) rồi chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng.
- Chạm vào đồ vật hoặc bề mặt có virus như tay nắm cửa, đồ chơi rồi đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng.
- Uống phải nước ở các khu vui chơi dưới nước hoặc hồ bơi không được xử lý đúng cách bằng clo. Nước có thể bị nhiễm virus từ phân của người bệnh.
Người mắc bệnh tay chân miệng thường lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên bị bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Đặc biệt, ngay cả những người không có triệu chứng vẫn có thể truyền virus cho người khác.

ệnh dễ lây lan nhanh tại trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ.
Ai có nguy cơ mắc tay chân miệng?
- Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi là nhóm dễ mắc bệnh nhất.
- Phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ đã tiếp xúc với người mắc bệnh tay chân miệng. Mặc dù biến chứng do bệnh tay chân miệng rất hiếm, nhưng tiền sử bệnh lý của mẹ và tuổi thai có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Biến chứng của tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường không nghiêm trọng và hiếm khi gây biến chứng. Hầu hết người bệnh tự khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế.
Mất nước
Một số người, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể bị mất nước do đau miệng làm trẻ khó uống nước. Cha mẹ nên đảm bảo trẻ uống đủ nước để tránh tình trạng này.
Rụng móng tay và móng chân
Dù rất hiếm gặp, một số trẻ có thể bị rụng móng tay hoặc móng chân sau khi mắc bệnh tay chân miệng. Tình trạng này thường xảy ra vài tuần sau khi khỏi bệnh và móng thường tự mọc lại như bình thường. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy tay chân miệng là nguyên nhân trực tiếp gây rụng móng.
Viêm màng não do virus
Một số ít trường hợp mắc bệnh tay chân miệng có thể bị viêm màng não do virus. Tình trạng này gây ra sốt, đau đầu, cứng cổ hoặc đau lưng. Những người mắc viêm màng não có thể cần nhập viện để điều trị.
Viêm não hoặc liệt
Một số người bị bệnh tay chân miệng có thể mắc viêm não (sưng não) hoặc liệt (mất khả năng cử động một số bộ phận trên cơ thể). Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm xảy ra.

Bệnh tay chân miệng thường không nghiêm trọng và nhưng có thể gây biến chứng trong một số trường hợp hiếm gặp.
Khi nào cần gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe
Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ:
- Không thể uống nước và có dấu hiệu mất nước.
- Bị sốt kéo dài hơn 3 ngày.
- Có hệ miễn dịch suy yếu.
- Có triệu chứng nghiêm trọng.
- Không cải thiện bệnh sau khoảng 10 ngày.
- Là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh tay chân miệng bằng cách quan sát đặc điểm phát ban kết hợp với xem xét độ tuổi và các triệu chứng khác của trẻ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy mẫu từ họng hoặc phân của trẻ để xét nghiệm virus trong phòng thí nghiệm.
Hướng dẫn điều trị và phục hồi bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường không nghiêm trọng. Hầu hết người bệnh tự hồi phục trong vòng 7-10 ngày mà không cần điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm các triệu chứng tại nhà trong thời gian mắc bệnh như sau:
- Giảm đau và hạ sốt: Dùng thuốc không kê đơn để hạ sốt và giảm đau do các vết loét miệng gây ra. Lưu ý không cho trẻ dùng aspirin vì có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
- Ngăn ngừa mất nước: Đảm bảo uống đủ nước. Các vết loét miệng có thể khiến việc nuốt đau đớn nên trẻ có thể không muốn uống nhiều nước. Bạn cần theo dõi và nhắc trẻ uống nước đầy đủ.

Hướng dẫn điều trị và phục hồi bệnh tay chân miệng
Khi nào trẻ có thể đi học trở lại?
Bệnh tay chân miệng thường nhẹ, do đó trẻ có thể quay lại trường học hoặc nhà trẻ nếu:
- Trẻ không còn sốt.
- Trẻ cảm thấy đủ khỏe để tham gia các hoạt động học tập.
- Không còn tình trạng chảy dãi không kiểm soát do loét miệng.
Nếu vẫn chưa chắc chắn khi nào trẻ nên đi học lại, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong một số trường hợp, cơ quan y tế địa phương có thể yêu cầu trẻ mắc bệnh tay chân miệng nghỉ học để kiểm soát dịch bệnh.
Phòng ngừa tay chân miệng như thế nào?
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan. Để phòng tránh mắc và lây lan bệnh, bạn nên:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi thay tã, đi vệ sinh, ho, hắt hơi hoặc xì mũi.
- Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và giữ vệ sinh sạch sẽ các vết phồng rộp, mụn nước.
- Tránh chạm tay chưa rửa sạch lên mặt, nhất là mắt, mũi, miệng.
- Vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và các vật dụng chung như đồ chơi, tay nắm cửa.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh như ôm hôn hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân.
- Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa các loại virus gây bệnh tay chân miệng tại Mỹ.