125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Hướng dẫn cách chữa bong gân cổ tay hiệu quả, an toàn

            Hướng dẫn cách chữa bong gân cổ tay hiệu quả, an toàn

            THAI THINH MEDIC
            24/05/2025

            1. Tổng quan về bong gân cổ tay

            Bong gân cổ tay là tình trạng tổn thương dây chằng do kéo giãn hoặc rách một phần hoặc toàn bộ. Dây chằng có vai trò kết nối xương và giúp khớp hoạt động ổn định, vì vậy khi bị bong gân, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, khó vận động, thậm chí sưng tấy và bầm tím. Đây là chấn thương phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu xảy ra do:

            • Ngã chống tay xuống đất: Khi ngã, phản xạ tự nhiên khiến chúng ta chống tay để đỡ cơ thể, điều này có thể khiến dây chằng bị kéo căng đột ngột.
            • Vặn cổ tay quá mức: Chấn thương có thể xảy ra khi thực hiện động tác xoay hoặc vặn cổ tay mạnh, đặc biệt trong các môn thể thao như bóng rổ, cầu lông, thể hình.
            • Tác động mạnh từ bên ngoài: Va chạm trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chơi thể thao có thể gây tổn thương dây chằng cổ tay.
            • Lặp đi lặp lại một động tác quá sức: Những người thường xuyên nâng vật nặng hoặc thực hiện động tác lặp đi lặp lại ở cổ tay cũng có nguy cơ bị bong gân.

            Dựa trên mức độ tổn thương dây chằng, bong gân cổ tay được chia thành 3 cấp độ chính:

            • Mức độ 1 (nhẹ): Dây chằng bị giãn nhẹ, cơn đau xuất hiện khi vận động nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chức năng cổ tay.
            • Mức độ 2 (trung bình): Một phần dây chằng bị rách, gây đau nhói và hạn chế khả năng cử động cổ tay. Người bệnh có thể thấy sưng và bầm tím.
            • Mức độ 3 (nặng): Dây chằng bị đứt hoàn toàn, có thể kèm theo gãy xương. Cổ tay sưng to, đau dữ dội và mất hoàn toàn khả năng vận động. Trường hợp này cần thăm khám y tế ngay để tránh biến chứng.

            Người bị bong gân cổ tay thường gặp các triệu chứng sau:

            • Đau nhức vùng khớp bị tổn thương: Cơn đau xuất hiện ngay sau chấn thương, tăng lên khi cử động cổ tay.
            • Sưng tấy và bầm tím: Do chảy máu bên trong mô mềm, vùng bị thương có thể chuyển màu tím hoặc đỏ do chảy máu trong và dập mô.
            • Hạn chế vận động: Khớp cổ tay bị cứng, khó cử động linh hoạt như bình thường.
            • Cảm giác nóng và mềm khi chạm vào: Vùng bị thương có thể ấm hơn bình thường do phản ứng viêm.
            • Nghe tiếng "rắc" khi chấn thương nặng: Đây có thể là dấu hiệu của rách dây chằng hoặc gãy xương, cần chụp X-quang để theo dõi.

            Bong gân cổ tay không chỉ gây đau đớn mà còn có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động nếu không được điều trị đúng cách. Vì vậy, bạn cần nhận diện sớm và áp dụng phương pháp chữa trị phù hợp để phục hồi nhanh chóng.

            cach-chua-bong-gan-co-tay-1

            Tổng quan về bong gân cổ tay

            2. Cách chữa bong gân cổ tay hiệu quả

            2.1. Phương pháp RICE

            Phương pháp RICE (Rest - Ice - Compression - Elevation) là một trong những cách xử lý bong gân cổ tay phổ biến, giúp giảm đau, chống viêm và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng.

            • Nghỉ ngơi (Rest): Hạn chế tối đa các cử động cổ tay để tránh làm tổn thương dây chằng nghiêm trọng hơn. Nếu cần, có thể sử dụng nẹp hoặc băng cố định để giữ cổ tay ở vị trí an toàn.
            • Chườm lạnh (Ice): Áp dụng ngay sau chấn thương để giảm đau và hạn chế sưng viêm. Dùng túi đá hoặc bọc đá viên trong một lớp vải mềm, chườm lên vùng bị bong gân khoảng 15–20 phút/lần, thực hiện 4–8 lần/ngày trong 48 giờ đầu. Không chườm đá trực tiếp lên da để tránh bỏng lạnh.
            • Nẹp cổ tay (Compression): Quấn băng thun hoặc băng ép quanh cổ tay để hỗ trợ dây chằng, giảm sưng và tăng cường ổn định khớp. Tránh quấn quá chặt để không làm cản trở lưu thông máu.
            • Nâng cao (Elevation): Giữ cổ tay cao hơn mức tim, chẳng hạn bằng cách đặt tay lên gối hoặc tựa vào thành ghế khi nằm. Điều này giúp giảm sưng, ngăn ngừa tình trạng ứ đọng dịch ở vùng tổn thương.

            Phương pháp RICE đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn đầu của bong gân, giúp giảm đau và hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể.

            cach-chua-bong-gan-co-tay-2

            Phương pháp RICE

            2.2. Sử dụng thuốc giảm đau

            Ngoài việc áp dụng phương pháp RICE, người bị bong gân cổ tay có thể sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau và tình trạng viêm:

            •  Xịt ethyl clorua: Đây là một loại thuốc xịt gây tê cục bộ, giúp giảm đau nhanh chóng khi bị bong gân. Thuốc bay hơi nhanh, tạo cảm giác mát lạnh, làm tê tạm thời vùng bị tổn thương.
            • Uống thuốc giảm đau: Có thể dùng Paracetamol hoặc các thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen, Alaxan để giảm đau và chống viêm. Lưu ý không sử dụng Aspirin vì thuốc này có tác dụng chống đông máu, có thể làm tình trạng bầm tím hoặc chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn.
            • Dán cao giảm đau: Sử dụng các loại cao dán chứa tinh dầu bạc hà hoặc methyl salicylate giúp giảm sưng, giảm đau, kích thích lưu thông máu, hỗ trợ phục hồi tổn thương nhanh hơn. Trong trường hợp sưng viêm nhiều, có thể ưu tiên sử dụng cao lạnh để giúp co mạch, giảm sưng và hạn chế xuất huyết bên trong.
            cach-chua-bong-gan-co-tay-3

            Sử dụng thuốc giảm đau

            2.3. Xoa bóp, bấm huyệt chữa bong gân cổ tay

            Xoa bóp và bấm huyệt là phương pháp hỗ trợ giúp giảm đau, giảm sưng và cải thiện lưu thông máu tại vùng cổ tay bị bong gân. Tuy nhiên, cách chữa bong gân cổ tay này chỉ nên áp dụng với những trường hợp bong gân nhẹ, không có dấu hiệu gãy xương hoặc tổn thương nghiêm trọng.

            Nguyên tắc xoa bóp, bấm huyệt

            • Không thực hiện ngay khi chấn thương mới xảy ra, nên đợi sau 24 - 48 giờ để tránh làm tổn thương thêm.
            • Không day ấn quá mạnh vào vị trí sưng đau, thay vào đó nên tác động vào các huyệt đạo hỗ trợ xung quanh.
            • Kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng để thư giãn các mô cơ và giảm căng thẳng tại vùng bị tổn thương.

            Các huyệt đạo giúp hỗ trợ điều trị bong gân cổ tay

            • Huyệt Giải khê: Nằm tại phần lõm trên nếp gấp trước của khớp cổ chân, giữa hai gân cơ cẳng chân trước và cơ duỗi dài ngón chân cái. Huyệt này giúp điều hòa khí huyết, giảm viêm và cải thiện tình trạng tổn thương mô mềm xung quanh khớp cổ tay.
            • Huyệt Thái khê: Nằm phía trước và dưới mắt cá ngoài của bàn chân, ở chỗ lõm giữa khe xương và nhóm cơ duỗi dài các ngón chân. Khi ấn vào, có cảm giác tức nặng tại vị trí huyệt. Hỗ trợ giảm đau do bong gân, giúp lưu thông khí huyết và giảm tình trạng co cứng khớp cổ tay.
            • Huyệt Khâu khư: Nằm ngay dưới mắt cá trong, cách mắt cá khoảng 1 thốn, ở khe giữa gân cơ cẳng chân sau và cơ gấp ngón chân. Hỗ trợ giảm đau, giảm sưng viêm và thúc đẩy khả năng tự phục hồi của dây chằng cổ tay.
            • Huyệt Chiếu hải: Nằm ở trung điểm giữa bờ sau mắt cá trong và mép trong của gân gót chân, có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, giúp kiện gân cốt, làm dịu các cơn đau do tổn thương dây chằng.

            Cách thực hiện

            • Xoa bóp: Dùng bàn tay hoặc ngón cái xoa bóp nhẹ nhàng quanh vùng cổ tay theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 5 - 10 phút. Có thể kết hợp với dầu gió hoặc rượu thuốc để tăng hiệu quả giảm đau.
            • Day bấm huyệt: Sử dụng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn nhẹ vào từng huyệt, giữ khoảng 30 giây rồi thả ra, lặp lại 3 - 5 lần cho mỗi huyệt.
            • Lưu ý: Nếu sau vài ngày điều trị mà không thấy thuyên giảm hoặc có dấu hiệu sưng tấy, đau tăng, nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
            cach-chua-bong-gan-co-tay-4

            Xoa bóp, bấm huyệt chữa bong gân cổ tay

            2.4. Phẫu thuật nối dây chằng

            Khi bong gân cổ tay ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là trong các trường hợp đứt dây chằng hoàn toàn hoặc tổn thương không thể tự hồi phục, phương pháp phẫu thuật là lựa chọn bắt buộc.

            Khi nào cần phẫu thuật?

            • Dây chằng bị đứt hoàn toàn, mất khả năng giữ vững khớp.
            • Cổ tay sưng to, đau nhức kéo dài không cải thiện dù đã áp dụng các phương pháp điều trị khác.
            • Cảm giác lỏng lẻo tại khớp cổ tay, khó cầm nắm hoặc xoay cổ tay.
            • Hình ảnh chụp X-quang hoặc MRI cho thấy tổn thương nghiêm trọng đến dây chằng.

            Quy trình phẫu thuật

            • Khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương thông qua phim chụp X-quang, MRI.
            • Tiến hành phẫu thuật: Phương pháp nội soi hoặc mổ mở có thể được áp dụng để nối lại dây chằng bị đứt. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dùng gân từ vùng khác trên cơ thể để tái tạo dây chằng bị tổn thương.
            • Hậu phẫu và phục hồi chức năng: Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần đeo nẹp cổ tay trong vài tuần, kết hợp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động.

            Lưu ý sau phẫu thuật

            • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý vận động mạnh.
            • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu collagen giúp hỗ trợ quá trình tái tạo dây chằng.
            • Thực hiện vật lý trị liệu theo chỉ định để nhanh chóng lấy lại sự linh hoạt của cổ tay.
            cach-chua-bong-gan-co-tay-5

            Phẫu thuật nối dây chằng

            3. Những sai lầm khi chữa bong gân

            Bong gân là chấn thương phổ biến, nhưng nếu xử lý sai cách, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài thời gian hồi phục và thậm chí gây ra các biến chứng không mong muốn. Dưới đây là những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi điều trị bong gân:

            3.1. Chườm nóng, xoa bóp bằng rượu hoặc cao nóng ngay sau chấn thương

            Nhiều người cho rằng sử dụng rượu thuốc, cao nóng hay dầu gió để xoa bóp giúp giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, thực tế đây là cách làm sai lầm, bởi nhiệt độ cao có thể khiến mạch máu giãn nở, làm tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương, gây sưng, bầm tím nặng hơn. Điều này không chỉ kéo dài thời gian hồi phục mà còn có thể gây ra cứng khớp hoặc teo cơ nếu không xử lý đúng cách.

            3.2. Tự ý tiêm thuốc vào khu vực bong gân

            Một số người có thói quen tiêm thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm trực tiếp vào vị trí bị bong gân mà không có chỉ định từ bác sĩ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ làm giãn mạch quá mức, khiến vùng tổn thương sưng to hơn, bầm tím nhiều hơn, thậm chí gây nhiễm trùng hoặc làm chậm quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể.

            3.3. Băng ép quá chặt vùng bị bong gân

            Việc băng ép đúng cách giúp giảm sưng và ổn định khớp, nhưng nếu quấn quá chặt, máu không thể lưu thông tốt, làm tăng cảm giác đau nhức và thậm chí gây tê bì, bầm tím nghiêm trọng hơn. Khi băng vùng bong gân, cần đảm bảo lực vừa phải, không quá lỏng nhưng cũng không quá chặt để tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

            3.4. Đắp lá thuốc không rõ nguồn gốc

            Phương pháp dùng lá rừng hoặc các bài thuốc dân gian để đắp lên chỗ bong gân được truyền miệng rộng rãi, nhưng hiệu quả chưa được khoa học kiểm chứng. Một số loại lá có thể chứa tinh chất không phù hợp với tổn thương cơ, dây chằng, thậm chí có thể gây kích ứng da hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm. Vì vậy, thay vì tự ý áp dụng các phương pháp truyền miệng, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để có phương pháp điều trị phù hợp.

            cach-chua-bong-gan-co-tay-6

            Những sai lầm khi chữa bong gân

            4. Bong gân cổ tay bao lâu thì khỏi?

            Thời gian hồi phục sau bong gân cổ tay không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ chấn thương, phương pháp điều trị, chế độ chăm sóc và khả năng phục hồi của từng cá nhân. Nếu được xử lý đúng cách, hầu hết các trường hợp bong gân có thể lành trong khoảng từ vài ngày đến vài tháng.

            • Bong gân cổ tay nhẹ (cấp độ 1): Đây là dạng tổn thương nhẹ nhất, chỉ gây căng giãn nhẹ dây chằng mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc khớp. Người bệnh có thể phục hồi trong vòng 2 – 3 ngày chỉ với phương pháp điều trị tại nhà như chườm lạnh, băng ép và hạn chế vận động.
            • Bong gân cổ tay trung bình (cấp độ 2): Khi dây chằng bị tổn thương đáng kể, có thể xảy ra hiện tượng sưng, bầm tím và đau nhức kéo dài. Trong trường hợp này, thời gian hồi phục thường dao động từ 2 – 6 tuần, tùy vào mức độ chăm sóc và liệu pháp điều trị. Người bệnh có thể cần đeo nẹp hỗ trợ để ổn định khớp và tránh tổn thương thêm.
            • Bong gân cổ tay nặng (cấp độ 3): Đây là mức độ nghiêm trọng nhất khi dây chằng bị rách nhiều hoặc đứt hoàn toàn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tái tạo dây chằng, sau đó bệnh nhân cần bó bột để cố định khớp ít nhất 4 – 6 tuần. Ngay cả khi không cần phẫu thuật, quá trình hồi phục vẫn kéo dài từ 1 – 2 tháng, và bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị để tránh biến chứng.

            Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng bong gân cổ tay chỉ là chấn thương nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, việc Không nghỉ ngơi đủ và không chăm sóc đúng cách có thể kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí gây biến chứng như viêm khớp, mất ổn định cổ tay hoặc hạn chế vận động lâu dài.

            cach-chua-bong-gan-co-tay-7

            Bong gân cổ tay bao lâu thì khỏi?

            5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

            Trong hầu hết các trường hợp bong gân cổ tay nhẹ, việc chăm sóc tại nhà với các phương pháp như chườm lạnh, băng ép hoặc bấm huyệt có thể giúp giảm đau và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu gặp phải những dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời:

            • Cơn đau kéo dài trên 7 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp giảm đau thông thường.
            • Cổ tay bị biến dạng hoặc xuất hiện tình trạng lệch khớp, mất khả năng vận động hoàn toàn.
            • Vùng tổn thương sưng to, bầm tím lan rộng, không chỉ giới hạn ở cổ tay mà có thể lan sang bàn tay hoặc cẳng tay.
            • Xuất hiện cảm giác tê bì, mất cảm giác ở cổ tay hoặc ngón tay, cho thấy có thể có tổn thương thần kinh đi kèm.
            • Nghi ngờ có gãy xương hoặc tổn thương dây chằng nghiêm trọng, đặc biệt nếu có tiếng "rắc" khi chấn thương xảy ra hoặc không thể cử động cổ tay.

            Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang hoặc MRI để đánh giá chính xác mức độ tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

            cach-chua-bong-gan-co-tay-8

            Khi nào cần gặp bác sĩ?

            6. Cách phòng ngừa bong gân cổ tay

            Bong gân cổ tay có thể gây đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt với những người thường xuyên vận động hoặc lao động tay chân. Để hạn chế nguy cơ chấn thương, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

            6.1. Khởi động kỹ trước khi tập thể thao

            Trước khi tham gia bất kỳ hoạt động thể chất nào, đặc biệt là các môn thể thao sử dụng nhiều lực tay như tennis, cầu lông, bóng rổ hoặc gym, việc khởi động kỹ là vô cùng quan trọng. Các bài tập giãn cơ, xoay cổ tay nhẹ nhàng giúp tăng độ linh hoạt của dây chằng, giảm nguy cơ co cứng đột ngột và tổn thương do vận động mạnh.

            6.2. Sử dụng dụng cụ bảo vệ cổ tay khi vận động mạnh

            Khi thực hiện các bài tập nặng hoặc tham gia vào các môn thể thao có nguy cơ chấn thương cao, bạn nên đeo băng bảo vệ cổ tay. Dụng cụ này giúp ổn định khớp cổ tay, giảm áp lực lên dây chằng và hạn chế nguy cơ bong gân khi có va chạm hoặc cử động sai tư thế.

            6.3. Hạn chế mang vác vật nặng sai tư thế

            Việc nâng hoặc cầm nắm vật nặng sai cách có thể khiến cổ tay chịu áp lực lớn, làm tăng nguy cơ giãn hoặc rách dây chằng. Khi cần mang vật nặng, hãy giữ cổ tay thẳng, sử dụng cả bàn tay thay vì chỉ dồn lực vào ngón tay hoặc cổ tay. Nếu có thể, hãy dùng dụng cụ hỗ trợ để giảm tải áp lực lên khớp cổ tay.

            6.4. Chế độ dinh dưỡng giúp xương khớp chắc khỏe

            Một chế độ ăn uống cân bằng giúp tăng cường sức khỏe dây chằng và xương khớp, hạn chế nguy cơ bong gân. Các thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản, rau xanh đậm màu kết hợp cùng vitamin D giúp tăng cường mật độ xương. Đồng thời, collagen có trong nước hầm xương, thịt bò, cá hồi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ đàn hồi và dẻo dai của dây chằng. Ngoài ra, nên bổ sung đủ nước để giúp cơ thể duy trì sự linh hoạt của các khớp.

            cach-chua-bong-gan-co-tay-9

            Cách phòng ngừa bong gân cổ tay

            Đừng chủ quan với những cơn đau do bong gân cổ tay. Hy vọng những chia sẻ về cách chữa bong gân cổ tay trong bài viết trên đây sẽ giúp bạn giảm đau, tăng tốc độ hồi phục và phòng tránh tổn thương lâu dài. Nếu triệu chứng không cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị chính xác nhất.

            Share